Tàu vũ trụ Orion sẽ bay quanh quỹ đạo Mặt trăng trong gần một tuần trước khi quay về Trái đất.
Tàu Orion bay tới gần Mặt trăng từ khi phóng vào ngày 16.11 trong nhiệm vụ Artemis 1 của NASA. Hôm 25.11, cuối cùng con tàu đã tới đích. Orion tiến hành đốt động cơ trong 88 giây và tiến vào quỹ đạo nghịch hành xa (DRO) quanh Mặt trăng như kế hoạch.
“Ngay trước khi tiến hành đốt cháy động cơ, Orion đã di chuyển hơn 92.000 km trên bề mặt Mặt trăng, đánh dấu khoảng cách xa nhất mà nó đạt được từ Mặt trăng trong sứ mệnh. Khi ở trong quỹ đạo Mặt trăng, bộ điều khiển chuyến bay sẽ giám sát các hệ thống chính và thực hiện kiểm tra khi ở trong môi trường không gian sâu”, NASA cho biết.
Với DRO, tàu Orion sẽ bay ở khoảng cách 64.000 km phía trên Mặt trăng ở điểm xa nhất trên quỹ đạo. Trên đường bay, con tàu sẽ lập kỷ lục mới, bay xa khỏi Trái đất hơn bất kỳ tàu vũ trụ dùng để chở người nào trước đây. Kỷ lục hiện nay là 400.171 km đang do sứ mệnh Apollo 13 của NASA nắm giữ. Apollo 13 đã bay vòng quanh Mặt trăng thay vì hạ cánh trên bề mặt do bình oxy ở module dịch vụ của tàu gặp trục trặc.
Các quan chức của NASA cho biết tàu Orion sẽ phá kỷ lục của Apollo 13 vào sáng 26.11. Nhưng con tàu sẽ tiếp tục bay xa hơn, đạt khoảng cách tối đa với Trái đất là 438.570 km vào ngày 28.11.
Orion sẽ dành gần một tuần trong DRO. Con tàu sẽ rời quỹ đạo Mặt trăng thông qua hoạt động đốt động cơ hôm 1.12, sau đó bắt đầu quay về Trái đất. Ngày 11.12, tàu sẽ hạ cánh xuống vùng biển Thái Bình Dương ở ngoài khơi California nếu tất cả theo đúng kế hoạch.
Artemis 1 là nhiệm vụ được thiết kế để kiểm tra mức độ sẵn sàng của tàu vũ trụ Orion và tên lửa SLS của NASA trong những nhiệm vụ tương lai thuộc chương trình Artemis. Nhiệm vụ này sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi.
Nhiệm vụ Artemis 2 là chuyến bay có phi hành đoàn mà NASA hy vọng sẽ diễn ra vào năm 2024. Artemis 3, chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng với phi hành đoàn, được nhắm mục tiêu vào năm 2025 và sẽ sử dụng tàu đổ bộ Starship của SpaceX. Nhiệm vụ này sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 địa điểm tiềm năng ở cực Nam Mặt trăng. Nhưng cả hai nhiệm vụ Artemis 2 và 3 tất nhiên đều phụ thuộc vào cách Artemis 1 hoạt động.
Không phải là trùng hợp khi NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis (tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Artemis sẽ tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới.
Mục tiêu của chương trình bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam chìm trong bóng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người khám phá sao Hỏa.