Tây Ban Nha hiện là điểm nóng của đại dịch toàn cầu bắt đầu từ Vũ Hán (Trung Quốc) 4 tháng trước và tràn qua Iran, Ý. Khi đại dịch di chuyển về phía tây, không biết ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Nhưng Tây Ban Nha đáng ra không bị dịch bệnh lây lan đến vậy.
Tây Ban Nha đang trải qua một trong những khoảnh khắc đen tối và căng thẳng nhất trong lịch sử gần đây. Với 65.719 ca nhiễm coronavirus được ghi nhận, Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới và với 5.138 ca tử vong, quốc gia này đứng số 2 thế giới về số người chết do COVID-19. Thậm chí, Tây Ban Nha đã có lúc chiếm vị trí số 1 từ Ý - với 738 người chết trong 24 giờ, và với xu thế tăng hiện giờ, Tây Ban Nha sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm.
Tây Ban Nha có cả tháng để chứng kiến những gì đã xảy ra ở Trung Quốc và Iran. Họ cũng chứng kiến dịch ở Ý gần đó, nơi chỉ cách Tây Ban Nha 400 dặm nếu đi đường biển. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha không thể đổ lỗi cho cho việc họ gần tâm dịch Ý dẫn đến. Cần nhớ, Tây Ban Nha không có biên giới đất liền với Ý, trong khi Pháp, Thụy Sĩ, Áo và Slovenia - tất cả các quốc gia giáp biên giới với Ý lại đang làm tốt hơn nhiều.
Trên thực tế, không giáp Ý có thể là một trong những lý do khiến Tây Ban Nha phản ứng muộn. Tây Ban Nha đã chủ quan nghĩ rằng dịch bệnh nằm xa họ. Bác sĩ Fernando Simon, người đứng đầu cơ quan y tế Madrid từng phát biểu vào ngày 9.2 là "Tây Ban Nha đủ xa với bệnh dịch". Sáu tuần sau, ông phải thực hiện việc thông báo con số tử vong hằng ngày lên đến hàng trăm. Số người chết tính trên đầu người của Tây Ban Nha đã cao gấp 3 lần so với Iran và cao hơn 40 lần so với Trung Quốc.
Đi ngược về những ngày đầu dịch thâm nhập Tây Ban Nha thì cũng có tội của bóng đá. Vào ngày 19.2, 2.500 người hâm mộ bóng đá của CLB Valencia đã kéo tới xứ Bergamo (Ý), ngồi chật kín sân đấu 40.000 người để cổ vũ trận Atalanta - Valencia ở vòng 1/8 Champions League. Sự kiện này được Giorgio Gori, thị trưởng thành phố Ý mô tả việc tổ chức trận đấu là một quả bom ném bom phát nổ ở vùng Lombardy. Vụ nổ này không chỉ làm tổn thương người Ý mà cả người Tây Ban Nha.
Các cầu thủ, người hâm mộ và nhà báo thể thao tháp tùng Valencia là những người đầu tiên bị bệnh ở Tây Ban Nha. Một lý do chính cho sự lây lan nhanh chóng dịch qua Tây Ban Nha có thể còn do thời tiết đỏng đảnh. Tây Ban Nha có một mùa xuân nắng nhẹ bất thường. Vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nhiệt độ đã vọt trên 20 độ C. Thời tiết giúp các quán cà phê và quán bar vỉa hè Madrid thêm đông đúc, điều mà người Tây Ban Nha vốn hòa đồng rất hứng khởi. Điều đó có nghĩa là có nhiều cái ôm, hôn hơn, nhiều câu chuyện râm ran hơn ở khoảng cách thật gần gũi.
Vào ngày 8.3, chỉ một tuần trước khi đất nước bị phong tỏa, Tây Ban Nha vẫn vô tư tổ chức các sự kiện thể thao, hội nghị chính trị và tiến hành cả cuộc diễu hành rầm rộ để kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ. Ba ngày sau, khoảng 3.000 CĐV Atletico Madrid đã kéo nhau bay sang Anh xem trận lượt về vòng 1/8 Champions League trên sân Liverpool.
Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Pedro Sanchez đã phản ứng chậm chạp và vụng về. Tây Ban Nha thiếu thiết bị thiết yếu từ máy thở cho đến quần áo bảo hộ cho bác sĩ và đặc biệt thiếu các bộ xét nghiệm coronavirus. Tình thế đó buộc Tây Ban Nha phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Do phản ứng quá muộn nên dẫn đến những tính toán sai lầm khi phần lớn hàng hóa thiết bị được môi giới bởi một nhóm con buôn Hoa kiều ở Tây Ban Nha. Kết quả là Tây Ban Nha nhập về từ Trung Quốc 650.000 bộ xét nghiệm nhưng chất lượng lại quá thấp. Độ nhạy của bộ xét nghiệm do một công ty ở Thâm Quyến cung cấp chỉ đạt 30% trong khi cần phải có độ nhạy trên 80% mới dùng được. Đại sứ quán Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm vì họ cho rằng Tây Ban Nha tự đi tìm nguồn cung cấp từ một công ty không được Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến nghị.
650.000 bộ xét nghiệm coi như bỏ và người Tây Ban Nha chỉ còn có thể tự an ủi rằng may mà họ phát hiện ra lô hàng lỗi. Nếu như dựa vào kết quả xét nghiệm báo cáo sai thì đã để lọt không biết bao nhiêu người âm tính giả ra ngoài xã hội và tạo ra lây lan không thể kiểm soát.
Dịch bệnh do coronavirus cũng đã chỉ ra những lỗi sâu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Tây Ban Nha. Những viện dưỡng lão tư nhân bị áp giá tương đương trợ cấp cơ bản là khoảng gần 10.000 USD. Kết quả là ngân sách viện dưỡng lão bị thiếu hụt, không có nguồn lực để chuẩn bị và nhanh chóng bị vỡ trận, với tỷ lệ tử vong lên tới 20%. Có viện dưỡng lão khi quân đội đến nơi thì chứng kiến cảnh tượng một số người bị bỏ mặc nằm chết trên giường.
Tây Ban Nha từng có một hệ thống chăm sóc cơ bản tuyệt vời, nhưng sau khủng hoảng tài chính cuối thập niên trước, các bệnh viện đã bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách thắt lưng buộc bụng. Số giường bệnh trên đầu người ở Tây Ban Nha chỉ bằng 1/3 Áo hoặc Đức dù vẫn còn nhiều hơn khi so với Anh, New Zealand hay Mỹ.
Phối hợp giữa trung ương và địa phương khi triển khai phòng chống dịch khá kém và thành ra làm khó lẫn nhau. Chính quyền khu vực Madrid đã đóng cửa các trường đại học và trường học theo thẩm quyền khi Tây Ban Nha chớm dịch. Nhưng chính phủ nước này chưa ra lệnh phong tỏa nên việc nghỉ học làm các công viên và quán bar thêm nhiều người tụ tập, các gia đình có dịp nghỉ hè ở bãi biển đông nghịt người. Khi Thủ tướng Sanchez tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông đã báo trước 24 giờ - khoảng thời gian đủ giúp dân số của Madrid và các thành phố khác tỏa ra khắp nước.
Phải đến giữa tháng 3, việc phong tỏa toàn quốc mới được thực thi một cách hiệu quả nhờ cảnh sát mạnh tay xử phạt và áp lực phổ biến từ cộng đồng (bao gồm cả ném trứng từ ban công xuống những người lang thang). Chính quyền hy vọng lệnh phong tỏa giúp đường cong đồ thị tử vong khủng khiếp của Tây Ban Nha sẽ dần phẳng lại. Một số bộ trưởng lạc quan nói rằng các biện pháp phong tỏa sẽ bắt đầu được nới lỏng sau khi kết thúc việc cách ly xã hội kéo dài một tháng, dự kiến là vào ngày 11.4. Tuy nhiên, không ai dám mong đợi khi ấy mọi sự sẽ trở lại bình thường.
Ngay cả khi phong tỏa kết thúc, Tây Ban Nha vẫn sẽ vô cùng mong manh, dễ tổn thương. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 27%, nợ công tăng vọt và tình trạng suy thoái kinh tế là một trong những điều tồi tệ nhất ở châu Âu. Những ám ảnh như thế có thể tái diễn trong năm nay.
Các giải pháp mang tính áp đặt một thập niên trước - thắt lưng buộc bụng, cắt giảm việc làm và cắt giảm lương - sẽ không làm ai vui nếu tái diễn. Nhà kinh tế học Toni Roldan đã tính toán rằng Tây Ban Nha cần nhận khoản vay 200 tỉ euro từ Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) để bình ổn lại nền kinh tế. Nhưng trước khi nghĩ đến việc vay nổi khoản tiền đầy khó khăn trên, Tây Ban Nha trước hết phải đánh bại vi rút. Cho đến lúc này, Tây Ban Nha vẫn chưa thể biết họ đã rơi xuống đáy vực khủng hoảng chưa hay vẫn còn rơi tiếp.
Giá như họ đừng chủ quan.
Anh Tú