"Cơn bão" Temu không chỉ là hiện tượng mua sắm trực tuyến mà còn là lời cảnh báo về những thách thức trong quản lý và bảo vệ nền kinh tế nội địa.
Quản lý sao cho đúng?
Trước làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn vào, nhiều quốc gia như Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam, các nước EU... đang nỗ lực thiết lập những biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước. Dù chưa hoàn tất đăng ký và chưa nộp thuế, thậm chí bị yêu cầu tạm dừng hoạt động, các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein hay 1688... vẫn cho phép người dùng Việt Nam vào giao dịch.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chính phủ chiều 9.11 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết bộ đã làm việc với đại diện pháp lý của các sàn Temu, Shein. Bộ Công Thương yêu cầu các sàn này khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trong tháng 11. Trong thời gian triển khai đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Đồng thời, Temu và Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.
"Sau các cảnh báo, nhắc nhở triển khai, nếu Temu và Shein không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như chặn việc tải các ứng dụng, chặn tên miền, hoặc tạm dừng thông quan hàng hóa...", ông Long khẳng định.
Trước động thái này, từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi khi truy cập vào website hay ứng dụng của Temu trên máy, người dùng đều nhận được thông báo cho biết nền tảng này đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Temu vẫn cho phép người dùng thực hiện các thao tác đặt hàng và thanh toán bình thường tại Việt Nam. Bằng chứng là khi xác nhận đặt hàng, người dùng Việt Nam vẫn bị trừ tiền qua thẻ tín dụng.
Thông tin thêm, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 4.9.2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử Temu ở Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và đã được cấp mã số thuế (MST: 90000001289). Theo quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai nộp thuế theo quý.
Theo đó, ngày 30.10.2024 Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã kê khai tờ khai thuế quý 3/2024, trong đó đang kê khai doanh thu bằng 0 và kèm theo giải trình là doanh thu phát sinh trong tháng 10 sẽ được khai toàn bộ vào tờ khai quý 4/2024. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu quý 4/2024 và hạn nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế là ngày 30.1.2025, đảm bảo thu ngân sách nhà nước, thu đủ theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện công tác quản lý thuế kịp thời và đầy đủ.
Về việc quản lý thuế của người bán hàng và hộ kinh doanh sàn thương mại điện tử nói chung, ông Sơn cho biết để hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn thương mại điện tử, bao gồm các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Khi luật được thông qua, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể và sẽ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số, đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sàn thương mại điện tử cũng như cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn.
Temu, Shein, 1688... đang là cơn "đau đầu" của thương mại điện tử ở nước ta. Trao đổi với Một Thế Giới về cách thức quản lý các sàn thương mại điện tử, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết hiện nay nhiều sàn thương mại điện tử đang quản lý rất lỏng lẻo, có những sản phẩm khuyến mãi tới 80 - 90%. Điều này đang đe dọa tới các doanh nghiệp sản xuất thông thường. Vì vậy cần phải xem xét quản lý một cách chặt chẽ.
Theo ông Thịnh, theo quyết định số 78/2010, không đánh thuế với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, những sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... lại chiếm 80% hàng hóa trị giá dưới 1 triệu đồng. Vì thế, số thuế họ đóng rất ít. Vì vậy, ông Thịnh đề xuất phải thay đổi ngay quyết định 78 này bằng việc đánh thuế GTGT với tất cả các loại hàng hóa ra vào quốc gia.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ông Thịnh cho rằng cần áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm cạnh tranh với hàng hóa khác. Đồng thời, phải kết nối với các doanh nghiệp thương mại và thông qua mạng internet và kinh tế số để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Như vậy, hàng hóa sẽ giảm được các chi phí về lưu thông. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao được khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau để có thể tạo ra mạng lưới sản xuất, chuỗi sản xuất tiết kiệm, xanh hóa, đáp ứng yêu cầu chung về xanh hóa của các quốc gia sản xuất trên thế giới; đồng thời có thể giảm thiểu được các chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận rằng ngoài thuế, phí luật định, việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong vấn đề chống phá giá sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. "Chưa kể cần tăng cường vấn đề bảo mật thông tin cho người dùng Việt Nam, trước bối cảnh hiện nay các nền tảng này chỉ cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử...", ông Thịnh nói.
Hàng hóa mua từ các sàn chưa đăng ký sẽ không được thông quan
Tổng cục Hải quan mới đây cũng có công văn yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không khai thông tin về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.
Ngoài ra cũng sẽ không thông quan với tờ khai có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử... nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.
Động thái trên của Tổng cục Hải quan diễn ra khi thời gian gần đây nhiều sàn thương mại điện tử như Temu, Shein, 1688... vẫn hoạt động dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan các địa phương tập trung thu thập thông tin, phân tích, xác định các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc khai sai giá trị để phù hợp với trị giá được miễn thuế hoặc kiểm tra chuyên ngành.
"Trường hợp phát hiện có hành vi lợi dụng khai sai trị giá để trốn thuế, né chính sách kiểm tra chuyên ngành thì xử lý vi phạm theo quy định", Tổng cục Hải quan yêu cầu.