Tết Chol Chnam Thmey năm nay, đèn ông sao ít hẳn, không rộn vui như năm trước, vì người Khmer và cả thế giới đang tập trung nỗ lực dập tắt đại dịch Covid 19.

Tết Chol Chnam Thmey của Campuchia: Hẹn lại năm sau

13/04/2020, 12:00

Tết Chol Chnam Thmey năm nay, đèn ông sao ít hẳn, không rộn vui như năm trước, vì người Khmer và cả thế giới đang tập trung nỗ lực dập tắt đại dịch Covid 19.

Chol Chnam Thmey, theo tiếng Khmer: Chol là vào, Chnam là Năm, Thmey là Mới - là Tết của người Campuchia, thường diễn ra vào đầu tháng Chét (Phật lịch Khmer), vào ngày 13 hoặc 14. 4 Dương lịch; chung với một số quốc gia như Lào, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, Srilanca…

Tết Chol Chnam Thmey có đón giao thừa, cúng trời đất, các trò chơi và ẩm thực. Khác với Tết Nguyên đán, thời khắc giao thừa tết Campuchia thay đổi từng năm theo Phật lịch Khmer; có thể là sáng, trưa, chiều, tối. Bàn cúng giao thừa đặt trước cửa với cúc vàng, trái cây, thức ăn, nhang, đèn cầy.

Các món ăn dịp Tết Campuchia gồm num Kanhchop (bún cà ri cá lóc), B’hoc linh (mắm bò hóc chưng), T’ray amok (cà ri cá hấp dừa), num Bot loc (bột lọc), num Xoi nước (chè xôi nước)… Bánh bột lọc và chè xôi nước là món Việt, được Khmer hóa và gọi tên như tiếng Việt. Dù cách viết tiếng Khmer khác tiếng Việt; nhưng đánh vần có nhiều nét tương đồng. Một số tiếng Khmer có nguồn gốc Việt như ao (áo), mung (mùng), quay (heo, gà, vịt), kho (bò, cá), muek (con mực) …

Một trong những món ăn phổ biến của người Campuchia trong dịp Tết Chol Chnam Thmey là bún cà ri cá lóc
Món cá hấp dừa

Trò chơi dân gian có Teagn Pruot – Kéo co; Way Chnang Day – Bịt mắt đập nồi đất (chứa tiền, bánh, bột…); Chab Kon Kleng - giống Rồng rắn lên mây; Chol Chhuong - hai đội hàng ngang, ném Chhuong qua lại, đụng người là thua; Bay Khom - dạng ô ăn quan; Leak Kanseng - ngồi vòng tròn, hát và tìm chiếc khăn bí mật; Bos Angkunh – tựa chơi đáo, hai nhóm đối đầu… Phổ biến nhất là té nước.

Xưa, chì dùng thau, sô, gáo; nay, thêm “vũ khí” hiện đại. Nhiều nhất là các loại súng, giá từ vài đến vài chục usd. Khả năng “tấn công” và “sát thương” (làm ướt quần áo đối phương) cũng tùy giá tiền, từ vài đến vài chục mét; kèm đồ phụ tùng như nón, kính, mặt nạ, “áo giáp”, ba lô tiếp đạn nước, túi bảo vệ điện thoại, máy ảnh…và phấn thơm để thoa mặt. Có người dùng cả vòi xịt rửa xe, bịch ni long làm “lựu đạn nước” … náo nhiệt như chiến trận.

Trò chơi dân gian "rồng rắn lên mây" trong dịp tết cổ truyền của người Kh mer

Hào hứng nhất là các bạn trẻ và con nít. Thấy khách đi ngang là té nước. Gặp “đối phương có vũ khí” là chủ động tấn công nếu không muốn bị đánh úp. Nhiều du khách phấn khích trang bị súng nước, tham gia cuộc chơi, như một trải nghiệm văn hóa xứ sở chùa Tháp. Vui nhất ở Siem Reap, nơi có quần thể Angkor kỳ vỹ. Đường phố nhộn nhịp nhưng không xô bồ.

Từng tốp “chiến binh nước” lăm le vũ khí ngồi xe bán tải, xe tuk tuk, xe gắn máy, hành quân bộ; sẵn sàng “khai chiến” với số “bộ binh” chốt chặn ven đường. Hết “đạn”, có sẵn các trạm tiếp tế cho cả địch lẫn ta. Chơi tết Khmer, càng ướt càng hên nên tha hồ chiến đấu. Như một thỏa ước ngầm, chiến trường chỉ diễn ra ở lòng đường, đi trên lề thi thoảng bị văng miểng nước do các bên tấn công nhau.

Thành phố sáng rực bởi hàng trăm ngàn đèn ông sao kết nối. Từ trong nhà ra ngoài đường. Nhiều nhất là trên cây, đủ màu cầu vồng bảy sắc, đủ kiểu lớn nhỏ; đèn ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho sự may mắn phồn vinh. Xưa, đèn ông sao chỉ treo trước nhà. Mấy năm nay, đèn ông sao đồng khởi hùa nhau ra phố, vào tận từng khách sạn, nhà hàng, trạm xá, cây xăng, bệnh viện… và tràn lên khắp ngọn cây. Đèn xuống chơi đúng mấy ngày tết cổ truyền rồi lại “lên trời”; đợi năm sau, đến hẹn lại về.

Đèn ông sao treo trước cửa những ngôi nhà trong dịp tết

Đèn ông sao, cứ tưởng chỉ có ở Việt Nam vào dịp Tết Trung thu hoặc lễ Giáng sinh. Bây giờ, đèn ông sao thành phố không “địch” nổi đèn điện tử, đèn nhựa. Chỉ còn dịp Noel trong các nhà thờ, xóm đạo. Ngạc nhiên nhất là các khách sạn, nhà hàng của người Hoa ở Campuchia đều treo đèn ông sao, trong khi các khách sạn nhà hàng ở Việt Nam, toàn treo đèn lồng đỏ.

Chol Chnam Thmey diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là Maha Songkran, rước Đại lịch. Ngày thứ hai là Virak Wanabat, dâng hương và đắp núi cát. Ngày thứ ba là Virak Laeung Sak, tắm tượng Phật và tắm sư. Các hoạt động đều diễn ra ở chùa.

Trước tết, từng nhà được sửa sang, quét dọn, làm đẹp, chuẩn bị đồ ăn thức uống và quần áo mới. Công việc dừng lại, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò tự do. Giao thừa là thắp nhang, đốt đèn, cúng tiễn thần Theravada cũ, đón thần Theravada mới. Bàn thờ bày hoa, đèn cầy, nhang, thức ăn và trái cây. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ, khấn vái, mong và tin sẽ được thần ban phước lành.

Không thấy cảnh hồi hương “vĩ đại” như Việt Nam và Trung Quốc. Tết Khmer là dịp nghỉ ngơi, về quê thăm cha mẹ, người thân rồi lên chùa tạ ơn Phật và trời đất. Kế đến là vui chơi thoải mái. Tết chỉ đúng 3 ngày nhưng được nghỉ 5 ngày. Có người bảo “Tết thế thì chán quá”, không được quậy hết mình, không có cớ biện minh cho các thói tật.

Năm nay, cả lễ Phục Sinh (12.4) và Chol Chnam Thmey (13 – 15.4) đúng vào mùa đại dịch; cả thế giới “phong thành”. Ở Campuchia các tỉnh cách ly tại chỗ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và cấm tụ tập đông người. Chỉ còn chợ, siêu thị và các nhà máy được phép hoạt động. Chính phủ Campuchia cắt luôn 5 ngày nghỉ Tết vì đang giãn cách nên đương nhiên được ở nhà và sẽ nghỉ bù vào khác.

Chol Chnam Thmey 2020, vẫn cúng giao thừa trong từng gia đình nhưng không còn té nước, cũng không lễ chùa. Đèn ông sao ít hẳn, không rộn vui như năm trước, vì người Khmer và cả thế giới đang tập trung nỗ lực dập tắt đại dịch Covid 19.

Xin hẹn lại năm sau, sẽ đông vui náo nhiệt gấp đôi để bù lại.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết Chol Chnam Thmey của Campuchia: Hẹn lại năm sau