Trong lúc nhân loại đang ‘gồng mình’ chống chọi đại dịch COVID-19, khi xã hội đề cao thông điệp ‘giữ khoảng cách’ để đảm bảo an toàn cho mỗi người, hàng loạt nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới nỗ lực tường thuật qua ảnh nhiều giá trị thú vị về mối quan hệ nhân sinh giữa thời khắc đầy thử thách này.

Tình người giữa khủng hoảng dịch bệnh: những câu chuyện xúc động qua ảnh

09/04/2020, 09:15

Trong lúc nhân loại đang ‘gồng mình’ chống chọi đại dịch COVID-19, khi xã hội đề cao thông điệp ‘giữ khoảng cách’ để đảm bảo an toàn cho mỗi người, hàng loạt nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới nỗ lực tường thuật qua ảnh nhiều giá trị thú vị về mối quan hệ nhân sinh giữa thời khắc đầy thử thách này.

Liều mình rảo bước quanh New York trong khi cả thành phố phải chịu cảnh cách ly vì dịch viêm phổi, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Úc Ashley Gilberston bất chợp trông thấy một phụ nữ trẻ đứng nép sau một hốc tường giữa 2 cao ốc tại khu phố tài chính. Ông dừng lại, quan sát khoảnh khắc cô gái ngước đầu nhìn dáo dác ít lâu trước khi bước ra ngoài, cầm tay người đàn ông lớn tuổi đi cùng.

Cô gái – như đang cố tìm một lối đi an toàn – hộ tống người đàn ông, bấy giờ đang giữ chặt trong tay một cây gậy trắng, thường dùng để chỉ đường cho người mù hoặc thị lực kém, bước dọc con phố vắng lặng rồi dần mất dạng.

Cảnh tượng khiến Gilberston chạnh lòng đến nỗi ông nhanh chóng chụp lại vài shot hình. Ở một bối cảnh khác, nhiếp ảnh gia kỳ cựu có lẽ đã không ngần ngại tiến đến thăm hỏi 2 chủ thể trên tấm ảnh. Tuy nhiên, khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi coronavirus, và sự cần thiết của việc duy trì giãn cách xã hội, khiến Gilberston không còn chọn lựa nào hơn là đứng nhìn từ xa.

‘Cô gái và ông lão cầm gậy’ (Ảnh: Ashley Gilbertson/Redux)

“Không thể làm quen với những con người bạn ghi hình trước ống kính máy ảnh, với tôi, là điều khó khăn nhất”, Gilberston trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại. “Tôi đã quen chụp ảnh họ, sau đó giới thiệu về bản thân, lý do tôi thực hiện những bức ảnh, hỏi thăm tên tuổi người chụp, nơi họ đến, công việc họ đang làm, cảm xúc của họ … Cảm nhận gần gũi từ công việc chụp ảnh đột ngột không còn”, ông nói.

Tương tự vô số nhiếp ảnh gia trên thế giới, Gilberston đang đối mặt những đổi thay không mong muốn do tác động dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nghệ thuật của ông.

Với một số nghệ sĩ nhiếp ảnh, an toàn sức khỏe cùng nỗi sợ virus phát tán đang trở nên ‘thật’ hơn bao giờ hết. Với hầu hết nghệ sĩ, người làm nghề tự do, áp lực mất đi thu nhập, chí ít là tạm thời, vì khủng hoảng đại dịch, cũng đặc biệt nặng nề.

Một bé gái tại thủ đô London tham dự giờ học ballet trực tuyến khi đang tự cách ly ở nhà, do những trường học bản địa phải tạm đóng cửa trước khủng hoảng đại dịch (Ảnh: Suzanne Plunkett)

Những mối lo sợ thiết thực như thế càng làm dấy lên nhiều trăn trở mang tính xã hội: làm thế nào nghệ thuật nhiếp ảnh có thể phản ánh một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của lịch sử đương đại, giữa lúc cả thế giới bị ‘phong tỏa’, đường phố im vắng và mỗi người đều ẩn náu trong nhà? Làm thế nào người nghệ sĩ có thể thể hiện sự kết nối con người trên khung ảnh, khi mỗi chúng ta đều được khuyên giữ khoảng cách với nhau?

Tháng 3 vừa qua, nhà thiết kế kiêm nhiếp ảnh gia James Wrigley, đồng chủ quản tổ chức truyền thông và diễn đàn nhiếp ảnh Public Source (Anh), ra mắt một trang web đặc biệt tên gọi ’COVID-19 Archive’ (‘Kho lưu trữ về COVID-19’). Ông phối hợp cùng Jonathan Tomlinson – 2 nghệ sĩ đều hoạt động ở Anh – xây dựng ‘kho tài liệu’ điện tử gồm những hình ảnh liên quan đến cuộc sống con người trên khắp năm châu giữa giai đoạn dịch bệnh corona. Đến nay, họ đã thu nhận lượng tác phẩm ấn tượng đóng góp bởi hơn 30 nhiếp ảnh gia đến từ đa dạng quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Đây là vấn đề lớn nhất từng xảy đến với thế hệ chúng ta”, Wrigley cho biết. “Chúng tôi muốn tạo nên một dự án cộng đồng, thứ gì đó qua vài năm nữa, có thể giúp hồi tưởng về cuộc khủng hoảng này”.

Ảnh: Ashley Gilbertson/The New York Times/Redux

Khi virus lây lan, hoành hành với tốc độ ‘chóng mặt’ trên hàng loạt quốc gia, đang có ngày càng nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh mong muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng chú ý về COVID-19. Mỗi câu chuyện, mỗi trải nghiệm đều khác biệt.

Jeremy Cheung, một nghệ sĩ ở Hồng Kông, đã ‘tường thuật’ qua ảnh làn sóng đầu tiên của virus viêm phổi khi nó tấn công vào đô thị sầm uất nổi tiếng tại châu Á hồi tháng 1 năm nay. Giờ đây, Cheung đang chứng kiến làn sóng đại dịch thứ 2 khi số ca tử vong tiếp tục ‘leo thang’.

Từng trải qua thảm cảnh dịch SARS cách đây 17 năm, ông bày tỏ, người dân Hương Cảng đã ‘nhập cuộc’ sớm trước trận chiến mới chống COVID-19. Trong một email trả lời phỏng vấn, Cheung chỉ ra tinh thần đoàn kết lan tỏa khắp thành phố, theo đó mỗi công dân nơi đây đều giữ vững tâm thế ‘chống dịch’, điều họ đã phải rèn luyện trước đó với SARS.

Một phụ nữ đứng trước quầy bán giấy vệ sinh trong mùa đại dịch corona. Ảnh chụp ở Hương Cảng vào tháng 2.2020. (Ảnh: Jeremy Cheung)

Xuyên suốt khủng hoảng dịch bệnh ở Hồng Kông, muốn nỗ lực tác nghiệp, Cheung tiết lộ đã sử dụng ống kính dài vốn cho phép lấy nét từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, ông cũng hạn chế ra ngoài quá nhiều để chụp ảnh. “Tôi cố gắng làm một công dân có trách nhiệm”, ông nói.

Tại nhà, một số nhiếp ảnh gia chọn cách ‘ghi hình’ chính họ và gia đình, giữa lúc mọi người dành thời gian tự cách ly. Rất nhiều nghệ sĩ, bằng ống kính nghệ thuật, mong muốn phác họa cuộc sống hiện thực, lẫn tìm kiếm ý nghĩa – thông điệp về công cuộc giãn cách xã hội, kể cả khao khát ‘thoát ly’ khỏi lo ngại hiện thực của không ít người.

Ảnh: Camilla Ferrari

“Tôi dùng sức sáng tạo như một phương thức tự giải tỏa lo lắng, tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống như cách khiến tôi vơi đi áp lực trong tâm trí”, Camilla Ferrari, nữ nhiếp ảnh gia đang trải qua 15 ngày tự cách ly tại nhà ở Milan (Ý), chia sẻ. Ferrari nói, cô chuyển sự chú ý sang “tính giản đơn của đời sống thường nhật”. “Tôi ghi lại góc nhìn, cảm nhận về mái ấm gia đình, và hy vọng người xem sẽ thấy đồng điệu trước mỗi bức ảnh”.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Gail Albert Halaban từ lâu lại nổi tiếng bởi phong cách chụp ảnh về những ngôi nhà. Với ống kính tập trung vào dãy ô cửa sáng đèn ấm áp nhìn từ bên ngoài một căn hộ, nhiều sáng tác của bà mô tả sinh hoạt con người trong những thành phố khắp thế giới, trước cả khi dịch corona bùng phát. Giờ đây, ảnh chụp của Halaban mang tính tương thích một cách đáng sợ.

Nữ nghệ sĩ nhìn nhận, “Tôi nghĩ không gian cửa sổ là nơi chúng ta cho thấy vô số liên kết người với người, đặc biệt nơi một thành phố đông đúc”.

‘Sum họp sau những ngày chia xa’ - Gail Albert Halaban. Bức ảnh được chụp tại Lucca, Ý, trước khi dịch corona bùng phát. (Ảnh: Gail Albert Halaban)

“Nhìn sang cửa sổ nhà hàng xóm, lắm lúc bạn sẽ quan sát họ đang làm cùng một việc bạn làm … giữa lúc chúng ta đang cùng giãn cách xã hội, bạn có thể vững tâm hơn khi trông thấy một đứa trẻ sống ở ngôi nhà đối diện làm bài tập về nhà, một người đứng pha cà phê, hay ngồi đọc sách trước giờ đi ngủ”.

Theo Halaban, quyền năng của nghệ thuật nhiếp ảnh đến từ cách ống kính cho phép chúng ta nhập tâm vào một khoảnh khắc cụ thể. “Tôi nghĩ nhiếp ảnh là ‘nhịp cầu’ nối kết hiện thực nhất”, bà nói. “Như thể nhiếp ảnh lên tiếng thay bạn, ‘Tôi ở đây, tôi tạo nên bức ảnh này, trong khoảnh khắc tức thời này trên dòng chảy thời gian’”.

Trong lúc chúng ta chịu đựng sự chia cách nhằm bảo vệ bản thân, và dẫu phải hạn chế tối thiểu tiếp xúc trực tiếp, nhiều nhiếp ảnh gia bằng mọi phương thức khác nhau, vẫn phác họa dấu ấn tình người cùng giá trị kết nối xã hội ở những thời khắc mang tính biểu tượng.

Hàng người đứng chờ mua nhu yếu phẩm trước một siêu thị ở Cascais, Bồ Đào Nha, sau khi chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh (Ảnh: Bruno Taveira/Public Source)

“Những bức ảnh, trên hết, không phải về cơn đại dịch”, Wrigley chia sẻ. “Chúng là về cách chúng ta cư xử với nhau, ở mỗi quốc gia, vùng miền”.

Chân dung những thành viên gia đình quan sát từ phía ngoài khung cửa sổ, shot ảnh tĩnh vật cho thấy bữa ăn ấm cúng chế biến tại nhà, khung cảnh ánh sáng phản chiếu qua từng mái nhà rải rác khắp thế giới,… những hình ảnh tương đồng với chung một mục đích: lột tả cái muôn màu của đời sống giữa thời điểm khó khăn này.

Dẫu phải xa cách nhau, bằng cách nào đó, chúng ta luôn ở cạnh nhau.

“Mọi người đang cùng chung một ‘chiến tuyến’”, Wrigley kết luận.

Như Ý (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình người giữa khủng hoảng dịch bệnh: những câu chuyện xúc động qua ảnh