Cứ vào đầu tháng 9 hằng năm, khi nắng hanh hao trải dài trên các sườn đồi Tây Bắc cũng là thời điểm đồng bào thiểu số rộn ràng đón tết Độc Lập.

Tết Độc Lập trên rẻo cao Tây Bắc

02/09/2020, 14:34

Cứ vào đầu tháng 9 hằng năm, khi nắng hanh hao trải dài trên các sườn đồi Tây Bắc cũng là thời điểm đồng bào thiểu số rộn ràng đón tết Độc Lập.

Tết Độc Lập - cầu nối liên kết các dân tộc

Từ sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người dân tốc thiểu số miền núi phía Bắc đã bắt đầu xây dựng một nét văn hóa mới với một cái Tết mang tên "Tết Độc lập". Trong ngày Tết Độc lập, không khí rộn ràng phủ khắp các bản làng vùng cao, người dân cùng nhau tham gia vào hàng loạt những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương.

Tết Độc lập đối với nhiều dân tộc như Mông, Mường, Thái,... là cái Tết lớn trong năm. Họ đều làm mâm cỗ thịnh soạn với các món ăn truyền thống của dân tộc để cúng tổ tiên, sửa soạn đi chợ và đi hội với những trang phục bắt mắt, cầu kỳ. Ăn Tết Độc lập rộn ràng nhất là phải kể đến đồng bào người Mông ở Mộc Châu. Không khí rộn ràng của nơi đây về sau không chỉ thu hút đồng bào Mông ở các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên... của tỉnh Sơn La, và người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang,Thanh Hóa, Nghệ An...mà còn thu hút nhiều dân tộc khác như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Tày... ở các tỉnh lân cận và cả ở nước bạn Lào cũng về đây vui Tết.

Xôi 7 màu - món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết Độc lập của dân tộc Mông, Mường,...

Nếu như Tết truyền thống của người Mông chỉ gói gọn trong phạm vi của gia đình, họ hàng, hoặc giữa các bản làng với nhau thì Tết Độc lập lại diễn ra rộng rãi hơn bởi có sự liên kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền. Nét văn hóa đẹp này đến nay vẫn được đồng bào Mông ở Mộc Châu nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung gìn giữ và phát huy.

Trẩy hội tết độc lập với đồng bào Mông ở Mộc Châu

Tết Độc lập của đồng bào Mông thường kéo dài từ ngày 29/8 - 2/9. Trong những ngày này, người dân khắp các bản làng đều náo nức chuẩn bị dự hội. Những người phụ nữ mải miết cấy hái, chuẩn bị váy áo đẹp nhất để đến chợ mua sắm, những người đàn ông tranh thủ làm lụng để sớm được xuống chợ dự ngày hội.

Đầu tháng 9, thị trấn Mộc Châu rực rỡ sắc màu với dòng người đổ về ngày một đông

Trên khắp những con đường dẫn về trung tâm thị trấn Mộc Châu vào thời điểm này, không khí Tết đã ngập tràn với hàng loạt các hoạt động như: hội chợ thương mại, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má lẹ, đánh tu lu, ném pa pao, giã bánh dày, trò chơi rồng ấp trứng... Không chỉ có người dân từ các bản làng đi trẩy hội tại mà khách thập phương cũng đổ về Mộc Châu để vừa du lịch, vừa được hòa mình trong không không gian của văn hóa dân tộc vùng cao.

Không khí lễ tết rộn ràng nhất là "đêm trắng" trong ngày 1/9. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc phiên chợ tình duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu diễn ra. Chợ đẹp vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa. Trai gái người Mông ở tuổi cập kê được dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Các chàng trai thi nhau thổi khèn bên những cô gái trẻ đẹp, váy áo sặc sỡ. Trai gái tụ tập thành từng nhóm, trêu đùa, hát giao duyên cho đến sáng.

Có lẽ không ở đâu có sự tụ hội để mừng ngày Tết Độc lập như ở cao nguyên Mộc Châu. Với những lễ hội sôi động, náo nhiệt, độc đáo và những khoảnh khắc giao hòa cùng thiên nhiên và con người nơi cao nguyên với tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, tiếng khèn xao xuyến và những nếp váy xòe thổ cẩm… tạo ấn tượng không thể nào quên với du khách về với vùng đất này.

Bên cạnh việc tìm hiểu văn hóa của dân tộc Mông, cùng người Mông đón Tết Độc lập, du khách khi đến với Mộc Châu còn có thể du ngoạn cảnh sắc núi rừng nơi đây với các điểm du lịch như rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm hay đồi chè Mộc Châu,...

Theo Travellive Magazine

Bài liên quan
Ngắm đàn cá hải tượng ‘khủng’ tại khu du lịch Cồn Én
Tại khu du lịch sinh thái Cồn Én (ấp Tân Long, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nhiều du khách rất thích thú với hồ cá nuôi hơn 100 con hải tượng kích thước từ 1m - gần 2m, tương đương những con cá khủng ở sông Amazon Nam Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết Độc Lập trên rẻo cao Tây Bắc