Năm lên 8 tuối, chừng 23 tháng chạp, chiều nào tôi cũng ngồi ở bến nước. Từ chỗ đó nhìn qua là thấy cây cầu sắt trên đường tỉnh lộ. Anh Hai tôi từ Sài Gòn về quê ăn Tết nhất định sẽ qua cây cầu đó…
Đấy cũng là cái thú. Xe đò chạy ngang tôi mặc kệ,vì tôi biết xe Sài Gòn bỏ khách ngoài đường quốc lộ, anh tôi chỉ có cách đi bộ qua cầu sắt mà về nhà. Cứ thế, thấy dáng thanh niên nào quảy ba lô qua cầu, tôi lại đứng ngóng. Chừng biết không phải, lại xịu lơ ngồi xuống, thất vọng.
Nhưng háo hức lắm, cái cảm giác không thể tả. Vừa đón anh, chút lại chạy lên nhà coi má làm mứt tết. Những miếng khoai lang, bí đao xắt dày cộm, dùng kim đâm nhiều lỗcho thấm đường rồi bỏ vào chảo mà ngào… Chộn rộn hết sức, dù chỉ là chuyện coi ngó, ngóng Tết của thằng con nít.
Anh tôi không năm nào về đúng 1 ngày nhất định, chỉ biết từ 23 đến 25 tháng chạp, mà về buổi chiều… Hết ngóng anh, lại ngắm sông, nhìn mấy cái bông mận rơi trắngtrên mặt nước, gió tết lành lạnh, thỉnh thoảng tiếng pháo kim ai đó đốt nổ tì tạch. Hóa ra cũng là cái thú…
Rồi anh tôi cũng về. Anh Haihọc đại học Bách Khoa trên Sài Gòn. Và cái “thế giới Sài Gòn” mà anh tôi mang về cho thằng em út gầy còm là những cái rạp chiếu bóng chỉ cần mua 1 vé là có thể ngồi từ sáng đến tối, là những con đường xe cộ tấp nập mà ngơ ngác là có thể đứng từ sáng đến trưa không qua đường được.
Đấylà cái sở thú, có những chú heo rừng nhe răng nhọn hoắt, những chú cọp gầm gừ nhìn khách. Và trên vỉa hè, đấy là những gánh hàng rong đầy màu sắc, những sạp đồ chơi mà đứa bé nào cũng tít mắt - nơi mà anh tôi mua về cục rubic 6 mặt, đủ màu xoay xoay ngồ ngộ...
“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ…”. Tôi mê Sài Gòn, mê những chuyến đi xa từ dạo ấy.Tôi chán cái xứ quê này…
Rồi tôi cũng được lên Sài Gòn học. Những gì anh tôi kể, những gì anh tôi mang về, tôi biết hết, thậm chí còn biết nhiều hơn anh tôi, vì thời anh tôi đã… lạc hậu. Tôi còn biết cả Thanh Đa, nơi có những phòng karaoke, những cái quán mà bước vào muốn tìm ghế ngồi phải có người soi đèn, vốn chỉ dành cho các cặp tình nhân…
Buổi sáng trên xứ quê
Nhưng tôi lại nhớ quê! Và cái nỗi nhớ ấy day dứt, cào xé nhất là mỗi bận lập đông. Tôi nhớ mái nhà lá nhỏ ngay ngã ba sông của mình, nhớ cây mận sát bến nước, nhớ cái sân đất bắn bi, nhớ mấy thằng bạn hay chơi trò trốn tìm.
Con đường đất từ tỉnh lộ vào nhà, tôi nhắm mắt cũng đi băng băng, không va vào đâu, nhớ lắm! Tôi nhớ quê,và tôi khóc, không chỉ một lần!
Có lần, buổi học cuối cùng trước kỳ nghỉ tết kết thúc lúc 5 giờ chiều. Mặc, tôi đạp xe vội về nhà, nắm mớ quần áo nhét vào giỏ, còn những thứ cần thiết tôi đã soi nắn, tỉ mỉ nhét từng món vào giỏ xáchtừ cả tháng trước. Tất cả chỉ chờ chuyến về quê ăn Tết, mong lắm mà!
Đi đêm, xui rủi gặp chuyến xe chuyền (tức bắt khách vòng vo, rồi “bán” khách sang xe khác, thậm chí sang 2-3 xeđể đủ khách về miền Tây), 12 giờ đêm mới đến phà Mỹ Thuận (lúc đó chưa có cầu). Gom hết tiền trong túi, tôi chẳng chờ trời sáng, thuê luôn chiếc honda ôm về Cần Thơ, ngồi chò hỏ ngoài sân chờ sáng, vì nhà khóa cửa hết. Nôn lắm…
Giờ làm ở quê, sống ở quê, ngày tết cũng ở quê, chẳng còn gì mà nôn nao. Ngày nào cũng như ngày đó rồi. Tết giờ cũng chán. Bởi vậy, gần tết, thấy mấy sinh viên tay nải đón xe về quê, tôi ước mình lại được như họ, ước còn được cái gì đó mà trông ngóng. Thèm có một chốn đi về.
Tôi ghét những kẻ hay mở miệng: “Quê nghèocó gì mà về”,“Sợ về quê quá, ở quê nhậu quá trời”. Tôi không nói họ xấu, cũng không khen họ tốt, vì họ muốn sống theo họ muốn, và với họ vậy là hạnh phúc, ai dám nói gì. Nhưng ai cũng có cái quê cha đất tổ, dù tốt, dù xấu, nó cũng là quê mình.
Chỉ ước gì những ngày này lại chạy lăng xăng, sắm sửa đủ thứ, chuẩn bị cho chuyến về quê…
Hồ Hùng