Sau câu chuyện Grab "thâu tóm" Uber và nỗi lo độc quyền thị trường của taxi công nghệ, Tổng Giám đốc Mai Linh Miền Bắc - ông Hồ Quốc Phi thừa nhận "không thể đấu lại Uber, Grab vì không mạnh về tài chính".
Câu hỏi "vì sao các hãng taxi truyền thống cũng như các ứng dụng gọi xe Việt rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các hãng nước ngoài ngay tại thị trường nội?"Liệu hậu câu chuyện Grab thâu tóm Uber có là cơ hội cho các ứng dụng gọi xe điện tử thuần Việt chinh phục khách hàng?... đang là bài toán với các chuyên gia, nhà quản lý vàdoanh nghiệp Việt tại Tọa đàm: "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" diễn ra ngày 6.4.
Ông Hồ Quốc Phi - Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho rằng Uber hiện chỉ thua Didi tại Trung Quốc chứ không thua tại Việt Nam. "Ông chủ" thực sự của Uber tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là Softbank. Nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ, đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi, nhưng giờ đâyhai công ty cực mạnh này kết hợp lại thì dự kiến sẽ còn khó khăn hơn.
Ông Phi cho biết Mai Linh là 1 trong 7 hãng taxi được Bộ GTVT cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng không thể địch lại được vì Uber, Grab khuyến mại kinh khủng (chẳng hạn: Đi liên tục trong 5 cuốc thì được giảm giá, thậm chí miễn phí chuyến đi).
"Cách khuyến mại như vậy chúng tôi không thể chạy theo. Chúng tôi thua ở năng lực tài chính. Khi Uber - Grab cạnh tranh mạnh, ngay lập tức các hãng taxi khác đã mất một lượng lớn người lao động cho hai công ty này. Hình ảnh rất nhiều xe taxi hiện nay phải nằm bãi chính là câu trả lời rõ nhất", ông Phi thừa nhận.
Ông Phi cũng bày tỏ lo ngại nếu Uber, Grab triệt tiêu được toàn bộ taxi, một mình một thị trường thì không biết câu chuyện sẽ đến đâu. Chẳng hạn, trong giờ cao điểm, taxi căng mình cũng không đủ khả năng để phục vụ vì Uber - Grab tăng giá. Nếu chỉ còn Grab, thì người đi sẽ không còn lựa chọn nào khác.
Ông Phi cũng cho biết thêm sau khi Grab thâu tómUber, có 4 câu hỏi cần trả lời lúc này đó là: Grab có vi phạm luật độc quyền hay không? Toàn bộ dữ liệu của khách hàng và lái xe mà Uber đang quản lý tại Hà Lan khi chuyển sang Grab có được lái xe và khách hàng quản lý hay không?Các lái xe đã mua xe để đầu tư chạy cho Uber hiện nay ra sao? Nạn kẹt xe giải quyết hệ lụyra sao?
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Mai Linh miền Bắc mong muốn Chính phủ theo dõi sát sao, học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trong khu vực để bảo vệ quyền lợi của ngành taxi Việt Nam.
Hoạt động của Uber và Grab tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt trong 2 năm gần đây, gây thiệt hại lớn tới kết quả kinh doanh của hãng taxi Mai Linh. Cụ thể, năm 2016 cũng là năm Mai Linh ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp nhất trong 5 năm gần đây khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất của hãng giảm gần 70%, còn gần 43 tỉ đồng.
Mai Linh miền Bắc - doanh nghiệp do tập đoàn sở hữu 47,86% cũng chịu cảnh tương tự. Năm 2016, mặc dù doanh thu của Mai Linh miền Bắc đạt gần 1.120 tỉ đồng, tăng hơn 4% cùng kỳ nhưng lợi nhuận hợp nhất giảm hơn 22% còn gần 34 tỉ. Theo kết quả về tình hình hoạt động kinh doanh mới nhất, trong quý 3/2017, doanh thu của Mai Linh miền Bắc đạt 230 tỉ đồng, giảm tới hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng từ đầu năm đến hết quý 3/2017, số lỗ của Mai Linh miền Bắc đã tăng lên 52 tỉ đồng, vượt qua số lỗ trong cả năm 2016.
Mai Linh Group hiện là công ty mẹ nắm giữ 47,79% vốn điều lệ của Mai Linh miền Trung và 47,86% vốn điều lệ của Mai Linh miền Bắc. Trong 6 tháng đầu năm 2017, gần 6.000 nhân viên Mai Linh đã mất việc do áp lực cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab, trong đó con số tại Mai Linh miền Bắc là 1.600 người.
Để đối đầu với Uber và Grab, Mai Linh miền Bắc vừa qua đã quyết định mở rộng kinh doanh thêm ngành nghề "xe ôm, xe lôi".
Tuyết Nhung