“Nếu Uber sáp nhập vào Grab tại Việt Nam mà Uber vẫn còn nợ thuế thì công ty nhận sáp nhập là Grab phải chịu trách nhiệm”, Luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay.

Luật sư tiếp tục khẳng định Grab phải chịu khoản nợ thuế của Uber Việt Nam

Trí Lâm | 06/04/2018, 10:16

“Nếu Uber sáp nhập vào Grab tại Việt Nam mà Uber vẫn còn nợ thuế thì công ty nhận sáp nhập là Grab phải chịu trách nhiệm”, Luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về trách nhiệm của Grab đối với khoản nợ thuế của Uber tại Việt Nam sau khi sáp nhập, LS. Kiều Anh Vũ -Đoàn luật sư TP.HCM cho biếttheo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, sáp nhập là trường hợp một công ty chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Theo đósau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.

“Như vậy, công ty nhận sáp nhập phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán của công ty bị sáp nhập, kể các các khoản nợ thuế”, ông Vũ nói.

Theo LS. Vũ, luật Quản lý thuế hiện hành cũng quy định rõ doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

“Do đó, nếu Uber sáp nhập vào Grab tại Việt Nam mà Uber vẫn còn nợ thuế thì công ty nhận sáp nhập là Grab phải chịu trách nhiệm”, LS. Kiều Anh Vũ khẳng định.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng đây là theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều chỉnh đối với các công ty trong nước. Do đó, cũng cần xem xét việc sáp nhập cụ thể giữa Uber và Grab là như thế nào và các công ty sáp nhập ở đây là trong nước hay ngoài nước để xem xem hiệu lực áp dụng của quy định pháp luật của Việt Nam.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, Grab sau khi mua lại mảng hoạt động kinh doanh của Uber sẽ phải trả khoản thuế mà Uber đang nợ ngành thuế. Tuy nhiên, đại diện Grab mới đây cho rằng hãng này không có liên quan đến nợ của Uber. Việc nợ thuế là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, hoàn toàn không liên quan đến Grab.

"Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế", phía Grab nói với VNE ngày 5.4.

Trước đó vàongày 25.3, Grab công bố đã mua lại mảng kinh doanh Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber sẽ nắm giữ 27,5% cổ phần tại Grab. Uber sẽ hoạt động đến hết ngày 8.4 tại Đông Nam Á.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin vụ việc để làm rõ. Theo văn bản này, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.

Văn bản cũng nêu rõ để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ mua lại nêu trên, hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á. Thời hạn cuối cùng để cung cấp thông tin là trước ngày 3.4.

Tuy nhiên, đến hết ngày 3.4, Grab đã không nộp báo cáo tới Bộ Công Thương như quy định.

Liên quan đến số nợ thuế của Uber, ngày 13.12.2017, Cục Thuế TP.HCM ra "tối hậu thư" yêu cầu Uber nộp khoản thuế nợ hơn 66 tỉ đồng trong vòng 10 ngày. Hết thời hạn, Uber mới nộp 13,3 tỉ đồng nên cơ quan này áp dụng các biện pháp cưỡng chế truy thu.

Số tiền Uber đã nộp chỉ là đóng thuế nhà thầu, trong khi các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ thay tài xế vẫn chưa được doanh nghiệp này đóng.

Cụ thể, có 26,3 tỉ tiền thuế VAT khấu trừ nộp thay; 14,6 tỉ tiền thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay; 10,5 tỉ tiền thuế thu nhập cá nhân FDI; 4,9 tỉ tiền chậm nộp; 10,3 tỉ tiền phạt vì kê khai sai.

Uber cũng gửi văn bản đến Cục thuế TP.HCM khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, công ty này sẽ tiếp tục khiếu nại và cân nhắc việc khởi kiện cơ quan thuế ra tòa.

Tuy nhiên, đến ngày 31.12, việc tiến hành cưỡng chế, buộc Uber phải nộp đủ số tiền truy thu thuế của Cục Thuế TP.HCM phải tạm dừng vì tòa án đưa ra quyết định khẩn cấp yêu cầu chưa thực hiện.

Nói với Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc Uber lý luận chống đánh thuế 2 lần là không đúng. Uber phát sinh thu nhập trên đất Việt Nam thì phải nộp thuế ở Việt Nam.

“Tất cả nguyên tắc đánh thuế đều như thế, phát sinh khoản thu nhập tại quốc gia nào thì quốc gia đó được quyền đánh thuế chứ không phải là quốc gia xuất phát của doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
32 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư tiếp tục khẳng định Grab phải chịu khoản nợ thuế của Uber Việt Nam