“Năm nay thu hồi tài sản từ tham nhũng rất nhiều, cổ phần hóa cũng rất nhiều. Nếu tiếp diễn đà này chúng ta không lo lắm về bội chi ngân sách; có dư địa để thanh toán nợ, cải cách tiền lương”, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ.
Bức tranh kinh tế quý 1/2018 rất sáng
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPPchiều 5.4, GS Nguyễn Mại đánh giá bức tranh kinh tế quý 1/2018 tích cực hơn nhiều so với quý 1/2017.
“Nếu tính từ năm 2014 đến năm 2016, đầu năm nào cũng lo. Đến năm 2017 kinh tế quý 1, 2 thấp, tăng trưởng thấp, thu ngân sách ít, bội chi ngân sách nhiều, nợ công nhiều… nhưng đầu năm 2018, cái lo ấy bớt đi rất nhiều”, ông Mại nói.
“Thành tích này có phần thừa hưởng đà tăng trưởng 2 quý cuối năm ngoái. Khi đó, rất nhiều người nghĩ rằng có lẽ bóp méo con số tăng trưởng, nhưng thực tế đấy là con số sau này không chỉ chúng ta mà cả các cơ quan quốc tế cũng thừa nhận”, ông Mại khẳng định.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ vượt quá 60 tỉ USD. Con số này chưa thấm vào đâu với thế giớinhưng tăng lên 5-6 lần so với dự trữ ngoại tệ của năm 2014. “Qua con số này, chúng ta được quyền hy vọng rằng tỷ giá hối đoái có thể tăng khoảng 1-1,5%”, đồng tiền Việt Nam và kinh tế vĩ mô sẽ ổn định.
Tiếp theo, GS. Mại cho biếtthu ngân sách quý 1/2018 khá cao. “Hôm trước tôi có gặp ông Phó chủ tịch tỉnh Điện Biên, ông ấy ca cẩm về cái chuyện hiện nay chưa có đường cao tốc lên Điện Biên mặc dù đã hoạch định. Tôi bảo năm nay Chính phủ thu được rất nhiều tiền về tham nhũng, chỉ xin Chính phủ trích 10% cái tham nhũng đấy làm đường cao tốc lên Điện Biên là tốt”.
“Năm nay thu hồi tiền từ tham nhũng rất nhiều, cổ phần hóa cũng rất nhiều. Sabeco đã thu 5 tỉ USD rồi, sữa cũng thu mấy tỉ rồi. Cho nên năm nay, nếu tiếp diễn cái đà này thì chúng ta không lo lắm về bội chi ngân sách; có dư địa để thanh toán nợ, cải cách tiền lương”, ông Mại hào hứng.
Theo ông, để công chức làm việc tốt thì không thể để lương ba cọc ba đồng. “Như TP.HCM từ ngày 1.4 đã tăng lương lên 60%và dự kiến sẽ tăng lên hơn 2 lần, cả nước cũng sẽ phải làm”.
Một điểm sáng khác được ông Mại đề cập là doanh nghiệp cũng như lượng vốn đầu tư trong quý 1 tăng nhanh. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng rất khả quan.
“Đầu tư nước ngoài có nhiều người lo quý 1 nhưng tôi không lo. Có thể lấy 18-19 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài là hoàn toàn được, vấn đề là chất lượng”, ông Mại nhận định.
Cán bộ nên hỗ trợ chứ đừng hại doanh nghiệp
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng. Việc tham gia vào các FTA mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiẹp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn.
Ông Mại cho rằngtoàn cầu hóa là một xu hướng khách quan không ai cản được. Còn hội nhập kinh tế quốc tế thì phụ thuộc vào chủ quan của từng nước. Khi tiếp cận, lựa chọn việc gì để làm trong một quốc gia bao giờ cũng phải nhìn thấy cơ hội trước.
“Bất cứ cái gì cũng có hai mặt. Vấn đề là anh tranh thủ cơ hội thì anh sẽ vượt qua thách thức, anh không tranh thủ cơ hội thì thách thức càng lớn và anh càng nguy hiểm”, ông Mại nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, từ thấp đến cao. Ở khu vực có cộng đồng ASEAN, APEC, giờ có thêm CPTPP và sắp tới sẽ ký kết hiệp định Việt Nam - EU, cơ hội lại càng rộng mở hơn.
“Nếu Mỹ quay trở lạivào CPTPP thì tốt. Nếu khôngcũng có một cơ hội nữa là Việt Nam sẽ cùng với Mỹ bàn về dự án FTA song phương. Đây cũng là dự án rất tốt thay cho PTA từ năm 2000”, ông Mại cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều quan trọng không phải từ bên ngoài mà chính từ nội lực đất nước, then chốt nhất vẫn là hai cái cấp: Nhà nước và doanh nghiệp.
Cấp Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải có sự thay đổi để thích ứng với điều kiện mớivà đòi hỏi công chức phải có trình độ cao hơn. Nếu không thì không thể nào đưa lại kết quả tốt.
Cấp thứ 2 là doanh nghiệp. “Các chuyên gia kinh tế cứ lo về doanh nghiệp, bày cho họ phải đầu tư thế này, tìm nguồn nhân lực thế khác. Tuy nhiên, người ta đã đặc biệt bỏ vốn vào rồi thì cần gì mình phải bày cho người ta”, ông Mại nêu.
Theo đó, vấn đề chính là phải tạo ra môi trường để cho doanh nghiệp Việt Nam lớn nhanh nhất. Nhà nước cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp Việt Nam từ siêu nhỏ dần dần lên nhỏ, nhỏ lên vừa, vừa lên lớn.
Ông Mại hi vọng rằng, khoảng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chỉ cần có khoảng tầm vài trăm tập đoàn lớn. Rồi chừng vài trăm nghìn doanh nghiệp cỡ vừa, còn lại là nhỏ và siêu nhỏ thì rất tốt.
“Hiện nay doanh nghiệp người ta rất quan tâm đến việc tìm người tài để làm, tìm nơi nào có thiết bị để đầu tư. Đấy là điều Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Theo số liệu dự báo quốc gia công bố, khoảng 70% số công nghệ và máy móc của Việt Nam hiện nay là từ năm 2007, từ 2011 đến nay khoảng 55%. Những con số này cho thấy, doanh nghiệp họ đang lo về công nghệ”, ông Mại nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng, cái chính của Nhà nước là tạo ra môi trường cho doanh nghiệp. “Cán bộ, công chức nên hỗ trợ chứ đừng làm hại doanh nghiệp. Thay đổi như vậy chúng ta có thể vượt qua thách thức và nắm lấy cơ hội. Mà cơ hội thì rất lớn”.
Lê Oanh