Trượt chân vào bụi cỏ lúc đang thả diều, bé trai bị một con rắn lục cắn gây nguy hiểm tính mạng, nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời.

Thả diều, bé trai 4 tuổi bị rắn lục cắn nguy đến tính mạng

Hồ Quang | 22/03/2021, 13:53

Trượt chân vào bụi cỏ lúc đang thả diều, bé trai bị một con rắn lục cắn gây nguy hiểm tính mạng, nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời.

Ngày 22.3, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho hay vừa cấp cứu và điều trị thành công một bé trai 4 tuổi bị rắn lục tre cắn rất nguy hiểm.

Bé trai là cháu Q.V (4 tuổi, ngụ Đồng Tháp) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn, bàn chân trái rỉ máu, dần chuyển sang màu xanh tím và sưng nề.

tha-dieu-be-trai-bi-ran-luc-tan-cong-phai-nhap-vien-cap-cuu-hinh-anh(1).png
Sau khi điều trị, hiện sức khỏe bé đã ổn định - Ảnh: BVCC

Qua khai thác bệnh sử, được biết trước đó khi đang thả diều trên đồng, bé V. vô tình trượt ngã vào bụi cỏ thì bị rắn cắn bàn chân trái. Nghe tiếng bé hét lên "mẹ ơi, rắn cắn con", người nhà vẫn nghĩ chắc bé giẫm phải cây nhọn nào đó rồi hét sảng. Đến lúc nhìn thấy con rắn lục tre xanh nằm lẫn giữa những chiếc lá và cành cây, gia đình lập tức đưa bé cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Tại đây, bé được xét nghiệm và truyền khẩn huyết thanh kháng độc tố rắn. Sau đó, bé V. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố để tiếp tục chữa trị.

Trong vòng vài chục phút trên đường chuyển viện, bàn chân chuyển sang màu xanh tím dần và sưng nề.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng thành phố) cho biết các bác sĩ đã tiến hành truyền khẩn cấp huyết thanh kháng độc tố rắn lục tre. Ngay sau đó, bệnh nhi đã ổn định, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã không bị ảnh hưởng chức năng gan thận và rối loạn đông máu.

“Rất may loại rắn lục cắn bé là rắn lục tre, chứ rắn lục đuôi đỏ siêu độc thì nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Vũ nói.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Vũ khuyến cáo nếu phát hiện trẻ bị rắn cắn cần gọi cấp cứu, ngay cả khi không nghĩ rắn có nọc độc.

Khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, thực hiện bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp. Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Nạn nhân cần được đưa nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị. Không nên buộc garo quá chặt, chỉ nên dùng băng ép.

Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu từ khi bị cắn. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như bị rắn độc cắn, ít nhất trong 12 tiếng đầu. Nếu sau 24-48 tiếng, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

Nếu nạn nhân bị liệt do nọc độc rắn thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo… Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thụ nọc và dễ chảy máu thêm. Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thả diều, bé trai 4 tuổi bị rắn lục cắn nguy đến tính mạng