Nhiều nước trên thế giới đang triển khai tiêm chủng rộng rãi các loại vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, nhưng vắc xin hiện tại không thể bảo vệ con người mãi mãi.
May mắn là giới nghiên cứu đã bắt tay phát triển và thử nghiệm liều vắc xin tăng cường (booster shot). Vắc xin tăng cường là gì? Khi nào cần đến?
Lần đầu tiên tiêm 1 liều vắc xin đối phó bệnh nào đó được tính là liều chính. Cơ thể người sẽ sẵn sàng hình thành phản ứng miễn dịch ngay sau liều này.
Mỗi lần tiêm thêm 1 liều vắc xin chống lại cùng một loại bệnh được xem như liều tăng cường – cải thiện miễn dịch tạo nên từ liều chính.
Chia nhiều lần tiêm với liều lượng nhỏ thường tốt hơn liều lớn trong một lần tiêm, vì hệ miễn dịch hình thành miễn dịch theo kiểu “xây tường gạch”: đặt lần lượt từng “viên gạch” từ thấp lên cao.
Liều tăng cường tận dụng một hiện tượng gọi là “trí nhớ miễn dịch”. Tế bào miễn dịch của người về cơ bản ghi nhớ các loại vắc xin đã tiêm, phản ứng nhanh và mạnh mẽ hơn với mũi tiêm tiếp theo qua đó xây dựng miễn dịch đến mức con người tin rằng mình sẽ được bảo vệ.
Khi nào cần liều tăng cường?
Có 3 tình huống cần tiêm liều tăng cường:
Đầu tiên, những mũi tiêm của một loại vắc xin có thể nhanh chóng tiêm lần lượt – ví dụ điển hình là vắc xin ho gà. Lúc đầu vắc xin này được tiêm ở khoảng 2 - 4 hoặc 6 tháng tuổi để hình thành khả năng miễn dịch cho trẻ sơ sinh vốn dễ mắc ho gà nhất.
Hầu hết vắc xin COVID-19 áp dụng cách tiếp cận tương tự. Mũi đầu tiên kích hoạt miễn dịch nhưng khả năng miễn dịch chưa đáng tin, mũi thứ hai đem lại sự bảo vệ chắc chắn hơn.
Thứ hai, tiêm nhắc lại nếu khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian. Liều tăng cường giúp đưa khả năng miễn dịch trở về mức tối ưu. Ví dụ vắc xin uốn ván, giới chuyên gia khuyên mọi người nên tiêm lại sau mỗi 10 năm.
Thứ ba, tiêm tăng cường nếu vi rút đột biến hoặc thay đổi đáng kể theo thời gian. Biến thể vi rút có thể khiến tế bào miễn dịch khó nhận ra nên làm giảm khả năng miễn dịch một lần nữa. Tiêu biểu là vi rút cúm thay đổi rất nhiều từ năm này sang năm khác, nên con người cần đảm bảo duy trì sự bảo vệ bằng liều tăng cường điều chỉnh phù hợp với biến thể mới.
Biến thể vi rút COVID-19
Vi rút SARS-CoV-2 gây COVID-19 đã và đang thay đổi. Giới khoa học vẫn phải nghiên cứu xem những thay đổi ảnh hưởng hiệu quả vắc xin thế nào.
Nhưng các hãng sản xuất cũng rất nhanh chóng điều chỉnh theo. Moderna vừa tiêm mũi đầu vắc xin COVID-19 “bản cập nhật” cho tình nguyện viên trong thử nghiệm lâm sàng mới, tìm hiểu hiệu quả với biến thể B.1.351 tìm thấy tại Nam Phi.
Vắc xin “bản cập nhập” điều chỉnh kháng nguyên (antigen) – phân tử được tế bào miễn dịch dùng nhắm vào một loại vi rút cụ thể, thiết kế cơ bản cùng cách thức sản xuất không đổi nên có thể không phải trải qua toàn bộ quá trình kiểm tra lâm sàng nữa. Phát triển nhanh giúp đem lại lợi thế trước vi rút.
Tiêm tăng cường cùng loại hay khác loại
Mức độ miễn dịch sẽ cao hơn nếu thời gian giữa 2 lần tiêm dài. Thời gian dài cho phép tế bào miễn dịch nghỉ ngơ trước khi phản ứng với liều tăng cường.
Ngoài ra, dùng lần loạt vắc xin khác loại cũng có thể tạo miễn dịch mạnh hơn thay vì chỉ dùng một loại.
Giới khoa học chưa thể giải thích rõ tại sao như vậy. Có khả năng là do cung cấp cùng một mục tiêu kháng nguyên nhưng kích hoạt miễn dịch theo cách khác nhau, khiến tế bào tập trung nhắm mục tiêu tốt hơn.
Con người chưa tận dụng được lợi thế từ việc tiêm vắc xin khác loại trong thực tế. Tuy nhiên vắc xin COVID-19 có thể đem lại thay đổi.
Triển khai vắc xin COVID-19 hiện còn gặp nhiều thách thức, nên một số chính quyền muốn thử nghiệm tiêm khác loại. Anh đang thử nghiệm kết hợp vắc xin của Pfizer và của AstraZeneca, nếu thành công thì đây sẽ là tin vui cho nỗ lực xây dựng - duy trì miễn dịch cộng đồng.