Đứng trên quan điểm của Úc, nhà phân tích chính trị thế giới Stan Grant có bài viết về Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ hiện giờ và nỗi lo của các nước xung quanh.

Thái độ và toan tính của Nhật, Úc và Ấn Độ trước Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ

Anh Tú (theo ABC) | 21/03/2021, 07:29

Đứng trên quan điểm của Úc, nhà phân tích chính trị thế giới Stan Grant có bài viết về Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ hiện giờ và nỗi lo của các nước xung quanh.

Hằng năm, Trung Quốc ăn mừng chiến thắng trước Mỹ. Phương Tây gọi nó là Chiến tranh Triều Tiên, người Trung Quốc gọi nó là "Cuộc chiến viện Triều, kháng Mỹ".

Khi Chí nguyện quân của Mao Trạch Đông đánh lui Tập đoàn quân số 8 của Mỹ vào tháng 12.1950, nó đã khởi đầu một cuộc rút lui ngày nay vẫn được gọi là cuộc rút lui dài nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Trận chiến Ch'ongch'on (Chiến dịch Thanh xuyên giang) thậm chí còn có ý nghĩa hơn khi nhịp trống của một cuộc xung đột khác giữa Trung Quốc và Mỹ lại vang lên.

Năm ngoái, tại lễ kỷ niệm “70 năm Trung Quốc đại thắng”, ông Tập Cận Bình đã nhắc nhở người dân Trung Quốc "con đường phía trước sẽ không bằng phẳng". Ông kêu gọi mọi người làm sống lại tinh thần của Chiến tranh Triều Tiên, "nói với những kẻ xâm lược cho họ biết điều... sử dụng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh". Hay nói một cách đơn giản: hãy nhắc người Mỹ rằng Trung Quốc không sợ, họ đã chiến thắng một lần và sẽ còn thắng nữa.

Ông Tập nói, Trung Quốc đã giành chiến thắng "với ít thép hơn và nhiều tinh thần hơn". Ông nói, các lực lượng của Trung Quốc và Triều Tiên đã "đánh bại đối thủ được trang bị vũ khí tận răng và phá vỡ huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Quân đội Mỹ".

Chiến tranh Triều Tiên được mệnh danh là "cuộc chiến bị lãng quên". Mỹ và các đồng minh thích kỷ niệm các chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới I và II. Nhưng ở Trung Quốc, trận Ch'ongch'on được tôn sùng như D-Day.

Một bài báo phản ánh quan điểm của truyền thông nhà nước Trung Quốc năm ngoái đã cảnh báo Mỹ rằng chiến thắng ở Triều Tiên "là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc chưa bao giờ sợ hãi".

Chiến tranh đã từng là điều không tưởng

Đừng nhầm lẫn: chúng ta đang trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến tranh. Trung Quốc đang trở nên huyên náo hơn trong giọng điệu và hành động, trong khi Mỹ đang củng cố các liên minh trong khu vực.

Chiến tranh từng là điều không tưởng thì nay khó có thể xảy ra - nhưng không phải là không thể. Kể từ khi Mỹ tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" vào năm 2017, căng thẳng đã dâng cao.

Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra chiến tranh thương mại; họ đang tiến hành chiến tranh trong không gian mạng và có những lằn ranh đỏ có thể gây ra một cuộc đối đầu toàn diện.

Thời báo Hoàn cầu năm ngoái đã có bài xã luận cảnh báo Mỹ không nên "đùa với lửa" và rằng Mỹ nên tránh xa "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Những lợi ích cốt lõi đó là các đảo tranh chấp ở Biển Đông – mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa phi pháp - và Đài Loan.

Chủ tịch Tập đã cam kết sẽ thống nhất hòn đảo với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Tập không thể lùi bước và Mỹ không thể tỏ ra yếu thế vì sợ rằng nếu làm vậy, họ sẽ từ bỏ vị thế thống trị trong khu vực. Như người Trung Quốc nói: hai con hổ không thể sống trên cùng một ngọn núi.

Mọi xung đột sẽ 'trở nên tồi tệ trước khi nó trở nên tồi tệ hơn'

Nhà sử gia quân sự thuộc Đại học Harvard Graham Allison cho biết bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ "trở nên tồi tệ trước khi nó trở nên tồi tệ hơn", có nghĩa là nó sẽ leo thang và kéo theo các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thậm chí có thể trên toàn cầu.

Tác giả của cuốn sách Destined for War, Allison còn lo ngại rằng nó có thể trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Úc nằm trong ranh giới của sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc này: một bên là Mỹ, đồng minh chiến lược quan trọng và một bên là Trung Quốc đối tác thương mại lớn nhất.

Úc đã chọn Mỹ. Úc đang phải trả giá bằng mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc và các nhà xuất khẩu của Úc đang phải gánh chịu thiệt hại kinh tế.

Úc đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng khi thúc đẩy chi tiêu quân sự lên 270 tỉ USD trong thập kỷ tới. Đó là sự phản ánh của một cái nhìn ngày càng cảnh giá.

Thủ tướng Scott Morrison đã mô tả thời điểm này là thời điểm "mong manh hơn, nguy hiểm hơn và mất trật tự hơn".

Cái gọi là nhóm Quad (Bộ Tứ) - Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - đang đẩy mạnh hợp tác để cố gắng kiềm chế hoặc ngăn cản tham vọng và sự huyên náo ngày càng tăng của Trung Quốc.

Quad đã được ca ngợi khắp nơi như một ví dụ về một liên minh dân chủ đang trỗi dậy ở châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi, đặc biệt là về Ấn Độ và Nhật Bản.

Câu hỏi về Bộ Tứ

Cho đến nay, Tokyo đã thành công (thành công hơn Úc) trong việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật - bất chấp sự thù địch trong lịch sử và các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra.

Nhật Bản đã không dính vào các loại lệnh cấm thương mại mà Trung Quốc đã áp dụng với Úc. Liệu Nhật có mạo hiểm lợi ích của mình để bảo vệ Úc không?

Tất nhiên, Nhật Bản liên kết chặt chẽ với Mỹ. Nhưng có những người đã đặt câu hỏi về quyết tâm của Mỹ và trong những năm gần đây - đặc biệt là dưới thời cựu Thủ tướng Abe - đã thúc đẩy Nhật Bản cải cách hiến pháp vốn theo chủ nghĩa hòa bình và củng cố thế trận quân sự.

Và Ấn Độ thì sao? Ấn Độ đã đụng độ với Trung Quốc vào năm ngoái dọc theo biên giới tranh chấp của họ, với thương vong cho cả hai bên. Ấn Độ có một lịch sử lâu dài về việc tham gia phong trào không liên kết. Ấn Độ phải đối mặt với một nước láng giềng thù địch có vũ trang hạt nhân, Pakistan vốn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Ấn Độ phải đối mặt với những mối đe dọa tức thời và nguy hiểm hơn nhiều so với Úc. Điều đó sẽ tiếp tục nếu căng thẳng leo thang?

Và, khi tìm cách chống lại Trung Quốc, hãy thử bàn về Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modhi. Một nhân vật từng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, người cổ vũ chủ nghĩa dân tộc Hindu, ông ta bị cáo buộc nhiều vấn đề liên quan người Hồi giáo, các nhóm thiểu số khác và cản trở tự do truyền thông. (Ý tác giả Modi không phải là người thỏa mãn các tiêu chuẩn Mỹ)

Ấn Độ và Nhật Bản cũng theo đuổi các mối quan hệ quốc tế của riêng mình và có quan hệ chặt chẽ với các nước thù địch với Mỹ. Ấn Độ đã dựa vào Nga với tư cách là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và ngầm ủng hộ việc Vladimir Putin sáp nhập Crimea.

Delhi đã làm trung gian cho thỏa thuận ba bên của riêng Ấn Độ với Moscow và Tokyo một phần để xoa dịu mối quan ngại của Nga về Bộ Tứ.

Nhật Bản vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với Iran, một điều mà nước này có chung quan điểm với Trung Quốc.

Một 'quan điểm hiện thực' về trật tự thế giới

Bộ Tứ không kín tiếng như người ta trông đợi.

Đối với Trung Quốc, Bộ tứ là một khối theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Nó dường như là một giải pháp của thế kỷ 20 - duy trì quyền bá chủ của Mỹ - cho một vấn đề của thế kỷ 21 là kết hợp và cân bằng quyền lực chuyên chế đang gia tăng của Trung Quốc. Rõ ràng đây là một thời khắc lịch sử mà lịch sử nhắc nhở chúng ta: nếu xử lý sai có thể kết thúc bằng thảm họa.

Sự xuất hiện của các cường quốc lớn gây bất ổn thế giới. Đế chế của Anh được xây dựng trên thực dân và chiến tranh tàn bạo, gồm cả chiến tranh với Trung Quốc.

Mỹ cũng sáp nhập lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Caribbean, tuyên bố chủ quyền những nơi như Hawaii, Philippines, Guam và American Samoa.

Chúng ta không bất ngờ về các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc hoặc sự xâm lược của họ. Không thể bỏ qua tham vọng vô lối của Bắc Kinh và các quốc gia như Úc có lý khi bảo vệ lợi ích của mình.

Vậy cần làm gi?

Cựu thủ tướng Úc, nhà ngoại giao từng làm việc với Trung Quốc và hiện là người đứng đầu Tổ chức tư vấn của Hiệp hội Châu Á, Kevin Rudd, đã đưa ra lập luận cho cái mà ông gọi là "chiến lược cạnh tranh được quản lý". Rudd gọi đó là "quan điểm hiện thực" về trật tự thế giới.

Ông viết: "Hãy chấp nhận rằng các quốc gia sẽ tiếp tục tìm kiếm an ninh bằng cách xây dựng sự cân bằng quyền lực có lợi cho họ... Mẹo trong trường hợp này là giảm rủi ro cho cả hai bên khi sự cạnh tranh giữa họ bộc lộ bằng cách cùng nhau xây dựng một số quy tắc giúp ngăn chặn chiến tranh".

Rudd thừa nhận điều này nói thì dễ hơn làm, vì "lòng tin gần như hoàn toàn bị xói mòn". Ông lặp lại cảm xúc của một cựu thủ tướng khác, Paul Keating, người trong một bài phát biểu vào năm 2014 đã hỏi liệu đã đến lúc xây dựng một trật tự chiến lược mới hay chưa.

Keating lập luận rằng sức mạnh của Mỹ không còn là điều không thể kiểm chứng và sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể phủ nhận. Ông nói, vấn đề là cả Trung Quốc và Mỹ đều có quan điểm khác biệt sâu sắc về sức mạnh khu vực và đàm phán vẫn chưa thực sự bắt đầu.

Vì vậy, nguy cơ vẫn còn vào năm 2021

Thay vào đó, những gì chúng ta có là cuộc nói chuyện hiếu chiến, ra sức xây dựng quân đội và các liên minh trong Chiến tranh Lạnh. Trận chiến Ch'ongch'on cách đây 70 năm có thể được coi là dấu hiệu báo trước sự suy tàn của nước Mỹ.

Những gì tiếp theo là chiến tranh và sự rút lui ở Việt Nam, xung đột bất tận ở Afghanistan - nơi Taliban vẫn cố thủ, cuộc đổ quân vào Iraq để loại bỏ một nhà độc tài Saddam Hussein nhưng để lại một đất nước mất ổn định, tàn phá đã làm bùng các cuộc nổi dậy khủng bố như phong trào Nhà nước Hồi giáo, khủng hoảng tài chính, chia rẽ xã hội và chính trị sâu sắc và biến động cùng tổn thương.

Đối với tất cả sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, nước này là một quốc gia bị tổn hại sâu sắc khi đang tìm cách giành lại vinh quang trước đây của mình trong một thế giới mà Mỹ gặp một đối thủ có sức mạnh to lớn và ngày càng phát triển.

Trung Quốc luôn nhớ về Chiến tranh Triều Tiên trong khi Mỹ cố gắng quên nó đi. Những bóng ma của quá khứ chiến tranh đang khuấy động trở lại.

Tuy nhiên, có một bài học lịch sử khác: Mỹ đã giúp mở cửa Trung Quốc với thị trường thế giới và đã làm cho Trung Quốc trở nên giàu có.

Trung Quốc ngay cả khi huyên náo và hiếu chiến nhất cũng ý thức rằng chiến tranh với Mỹ sẽ là một thảm họa. Hãy là bạn bè hơn là kẻ thù.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái độ và toan tính của Nhật, Úc và Ấn Độ trước Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ