Trên New York Times, nhà bình luận Thomas Friedman đã nhìn lại thực trạng con người đang tự hủy diệt sự sống của chính mình thông qua phá vỡ tính đa dạng sinh học

Thomas Friedman: Chúng ta vẫn chưa chuẩn bị tốt để ứng phó với đại dịch tiếp theo

Đoàn Thanh | 20/03/2021, 16:00

Trên New York Times, nhà bình luận Thomas Friedman đã nhìn lại thực trạng con người đang tự hủy diệt sự sống của chính mình thông qua phá vỡ tính đa dạng sinh học

nghi-van-trang-trai-dong-vat-hoang-da-o-trung-quoc-co-the-la-nguon-goc-gay-dai-dich-covid-19.-hinh-mot-trang-trai-nuoi-chon-o-huyen-changli-tinh-ha-bac.-anh-zhang-ke-yicai.jpg
Nghi vấn trang trại động vật hoang dã ở Trung Quốc có thể là nguồn gốc gây đại dịch COVID-19. Ảnh: Một trang trại nuôi chồn ở huyện Changli, tỉnh Hà Bắc - Ảnh: Yicai

Hãy tưởng tượng, tháng 12.2019 xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân ở một quốc gia nào đó: một vụ thử tên lửa gặp trục trặc dẫn đến một vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ nhưng một lượng lớn chất phóng xạ bay rải rác khắp thế giới làm 2,66 triệu người thiệt mạng, cộng thêm hàng nghìn tỉ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe, gây tổn thất thương mại toàn cầu. Bạn nghĩ hôm nay chúng ta sẽ thảo luận chuyện gì? Chúng ta sẽ thảo luận về cơ chế an toàn vũ khí hạt nhân toàn cầu mới để đảm bảo rằng những sự cố như vậy không xảy ra nữa.

Giờ đây chúng ta trải qua một biến cố liên quan đến giới tự nhiên. Người ta thường nghi ngờ rằng mầm bệnh từ dơi đã truyền sang một loài động vật khác rồi lại nhiễm vào người ở Trung Quốc, sau đó qua hệ thống giao thông lan khắp thế giới, gây ra vô số nỗi đau khổ và làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đô la. Trong những thập niên trước, những tương tác không lành mạnh giữa con người và động vật hoang dã cũng đã gây ra dịch bệnh: như hệ lụy của tiếp xúc với dơi hoặc cầy hương là nhiễm vi rút Ebola và SARS-CoV-1, và rất có thể HIV có nguồn gốc từ tinh tinh.

Chúng ta vừa qua ngày tròn năm đầu tiên kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo mầm bệnh SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, có nên tự hỏi: chúng ta đã có hành động tập thể khôn ngoan nào để ngăn chặn một thảm họa tương tự có thể xảy ra trong tương lai?

Dường như chưa thấy có gì, ít nhất là chưa có hành động thực sự ý nghĩa nào.

Nếu bạn trò chuyện với giới bác sĩ thú y động vật hoang dã và nhà bảo vệ môi trường, họ sẽ cho bạn biết rằng sự bùng phát của SARS-CoV-2 từ động vật hoang dã sang con người không chỉ không có gì đáng ngạc nhiên mà có thể sẽ rất nhanh lại xảy ra những tình huống tương tự.

Vì vậy, đừng vội vứt bỏ những chiếc khẩu trang còn lại!

Đây là gợi ý mà tôi có được từ một buổi hội thảo trực tuyến mà tôi tổ chức vài tuần trước, hội thảo có chủ đề “Các bệnh mới nổi, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã: Nhu cầu cấp thiết của toàn cầu trong quản trị”, và “Tìm kiếm cách ngăn chặn các đại dịch trong tương lai”. Hội thảo đã quy tụ một số chuyên gia giỏi nhất về sự tương tác giữa động vật, thiên nhiên hoang dã và con người, bài phát biểu gây hứng khởi của nhà linh trưởng học nổi tiếng Jane Goodall đã khuấy động hội nghị.

Tôi rất thích bài phát biểu của Steve Osofsky thuộc Đại học Cornell, một trong những người tổ chức sự kiện và là bác sĩ thú y động vật hoang dã, ông đã trình bày tóm tắt tại sao không thể tách rời sức khỏe của động vật hoang dã, sức khỏe của hệ sinh thái với sức khỏe của loài người.

Osovsky cho biết, khi cảnh báo hầu hết các loại vi rút mới đến từ động vật hoang dã không phải để đổ lỗi cho động vật hoang dã, mà hãy xem đó là để thức tỉnh hành vi của chính chúng ta: mang những vi rút đó vào tận nhà mình khi chúng ta ăn các bộ phận cơ thể của động vật hoang dã; chúng ta bắt các loài hoang dã, trộn chúng với nhau và bán trên thị trường; chúng ta phá hủy phần còn lại của thiên nhiên hoang dã với tốc độ chóng mặt - hãy nghĩ về nạn phá rừng.

Tất cả những điều đó đều làm gia tăng khả năng chúng ta tiếp xúc với mầm bệnh mới. Tất cả xuất phát từ một nguyên nhân là phá vỡ quan hệ giữa chúng ta với thiên nhiên hoang dã dựa trên một kiểu kiêu ngạo cho rằng ở một khía cạnh nào đó chúng ta tách biệt với các sinh mệnh khác trên Trái đất.

Lý do rất đơn giản: rừng, hệ thống nước ngọt, đại dương, đồng cỏ và sự đa dạng sinh học trong đó trên thực tế đã cung cấp cho chúng ta không khí sạch, nước sạch, vùng đệm khí hậu ổn định và thực phẩm lành mạnh, đồng thời cũng để bảo vệ thiên nhiên và giúp chúng ta tránh bị vi rút xâm hại.

Nếu chúng ta bảo vệ những hệ thống tự nhiên này thì chúng cũng sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta cần dựa theo thực tế này để chỉ dẫn cho mọi hành động của chúng ta trong tương lai nhằm ngăn chặn một đại dịch khác lây truyền từ loài vật sang loài người.

Có 3 điều phải được thực hiện ngay:

Thứ nhất, chúng ta phải nhận ra rằng nhiều loại vi rút lây truyền từ loài vật sang loài người tạo ra đại dịch có thể thông qua cái gọi là thị trường đồ tươi sống. Loại chợ này bày bán các loại động vật hoang dã từ trên cạn và dưới biển, chúng chứa mầm bệnh, được bày bán lẫn lộn với nhau.

1-11.jpg
Chợ đồ tươi sống Hoa Nam tại TP.Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Một báo cáo của Đài Phát thanh cộng đồng quốc gia Mỹ (NPR) công bố hôm thứ hai cho biết chính giới chức Trung Quốc tin rằng có thể một loài động vật có vú trong khu trang trại động vật hoang dã của Trung Quốc là cầu nối cho sự lây lan của coronavirus mới từ dơi sang người. Những trang trại đó nuôi cầy vòi mốc, nhím, tê tê, gấu trúc và chuột tre, đã cung cấp chúng cho thị trường tươi sống ở Vũ Hán. Bắc Kinh cần phải kiểm soát việc tiêu thụ động vật hoang dã.

Osovsky đặt câu hỏi: Mặc dù chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn sự xuất hiện của SARS-CoV-1 và bây giờ là SARS-CoV-2, nhưng chúng ta sẽ để cho điều đó lặp lại bao nhiêu lần? Đã đến lúc con người phải xem thị trường buôn bán động vật hoang dã (đặc biệt là động vật có vú và chim) là tuyệt đối không thể chấp nhận được.

Có thể khẳng định, vì vấn đề sinh kế mà các vùng trên khắp thế giới luôn có người muốn săn bắt và ăn thịt động vật hoang dã. Vì vậy, các quốc gia giàu có trên thế giới cần đoàn kết để giúp giải quyết tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực đã dẫn đến thực trạng như vậy, điều đó không chỉ vì lòng đồng cảm với nhau mà còn vì lợi ích của chính mình.

thit-thu-rung-gay-benh-ebola.jpg
Các nước giàu cần chung sức giải quyết nạn đói nghèo khiến hoạt động săn bắn buôn bán động vật hoang dã trầm trọng hơn

Thứ 2, các nước giàu có nên đoàn kết cùng nhau, hỗ trợ Interpol và các nỗ lực mới khác nhằm loại bỏ các chuỗi cung ứng bất hợp pháp liên quan đến động vật hoang dã, những chuối cung ứng đó cung cấp cho thị trường tươi sống các động vật hoang dã nguy cấp đang là nhu cầu cao về phương diện ăn uống và văn hóa.

Lâu nay giới buôn bán và kể cả giới quan quyền quản lý vô ý thức đã đồng lõa kiếm lợi từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã (chẳng hạn như nhu cầu về thịt và vảy tê tê), còn khi những con vật đó truyền vi rút cho chúng ta thì những thiệt hại do xã hội gánh chịu.

Nếu các quốc gia không ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Mỹ nên gây áp lực để ngăn chặn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các quốc gia đó. Khi bị mất kiểm soát, tê tê trong lồng cũng có thể gây thảm họa không khác gì vũ khí hạt nhân.

Cuối cùng là nạn phá rừng. Brazil đã xử lý rừng mưa ra sao, chúng ta xử lý việc mở rộng đô thị thế nào, Trung Quốc làm sao xử lý quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở các khu vực hoang vu, đây là những vấn đề của cả loài người. Tất cả biểu hiện đó đang xóa bỏ các vùng đệm tự nhiên và mở rộng các điểm tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người, những điểm đó là nguồn gây đại dịch. Tình trạng này phải chấm dứt.

pha-rung.jpg
Phá rừng là tự hủy hoại chính loài người

Osovsky cho biết nếu các công ty đa quốc gia vẫn có thể khai thác quặng hoặc gỗ trên diện rộng trong những khu rừng lớn còn lại trên thế giới mà không phải trả giá cho những rủi ro thực sự vì các hoạt động của họ gây ra cho tất cả chúng ta, thì tai họa sẽ đổ vào chúng ta; nhưng nếu các công ty đó phải trả giá cho những rủi ro đại dịch liên quan đến các hoạt động khai thác đó, có lẽ một số dự án đó sẽ không thể được tiếp diễn.

Như Russ Mittermeier, người phụ trách bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation) đã nói với tôi: Chúng tôi rất ngạc nhiên khi một con tàu vũ trụ đáp xuống sao Hỏa tìm kiếm những dấu vết nhỏ cho thấy có thể có sự sống hay không, đồng thời trên Trái đất này chúng ta đang không ngừng phá hủy và làm suy thoái các dạng hệ sinh thái khác nhau, chẳng hạn như rừng nhiệt đới và rạn san hô, trong khi chính những hệ sinh thái đó bảo đảm duy trì sự sống của chúng ta, làm phong phú của cuộc sống của chúng ta.

Việc ngăn chặn không cho điều đó xảy ra là liều vắc xin thực sự bền vững duy nhất chống lại đại dịch tiếp theo. Nói cách khác, thay vì tìm kiếm sự sống trí tuệ nào đó trên sao Hỏa, chẳng bằng hành động trí tuệ ngay trên Trái đất này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thomas Friedman: Chúng ta vẫn chưa chuẩn bị tốt để ứng phó với đại dịch tiếp theo