Thái Lan được xem là quốc gia tiên phong ở châu Á trong phong trào quyền của cộng đồng LGBT, khi dự luật Hôn nhân bình đẳng đang được xem xét để đệ trình lên quốc hội. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng chính trị, bất đồng chính kiến giữa các đảng phái và sự thiếu thống nhất trong quốc hội đã khiến chính phủ nước này không thể đề xuất được bất kỳ dự luật mới nào.
|
Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan khiến dự luật Hôn nhân bình đẳng bị ngưng trệ (Nguồn Internet) |
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đang xem xét khả năng phế truất thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng việc giải thể nội các, vì các cáo buộc bà có hành động vi hiến trong thời gian nắm quyền. “Đây chính là nguyên nhân khiến dự luật Hôn nhân bình đẳng không thể tiến thêm được bước nào nữa” - các nhà hoạt động quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới cho biết.
Thái Lan được thế giới biết đến như là một điểm du lịch thân thiện với người LGBT, điều mà không có bất kỳ quốc gia châu Á nào trừ Israel làm được. Thái Lan cũng dẫn đầu thế giới với số lượng các ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Trong cuộc vận động bầu cử Quốc hội hồi đầu năm, một trong những đảng lớn ở nước này đã đưa ra thông điệp ủng hộ sự đa dạng tính dục.
Để từ một bản thảo thành một dự luật được đề xuất cần sự hỗ trợ rất nhiều từ các đảng phái. Đây là điều mà dự luật hôn nhân bình đẳng tại Thái Lan đã đạt được trước khi bị ngừng lại vì lý do kể trên.
|
Xã hội Thái Lan có cái nhìn bao dung về người LGBT (Nguồn Internet) |
“Đó là những thay đổi lớn trong nhận thức của công chúng nhưng có vẻ như dự luật này sẽ còn phải mất nhiều thời gian để theo kịp với (sự đồng ý của) xã hội” – Tờ Bankokpost nhận xét.
Hiện Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đang xem xét bảo vệ quyền của người LGBT, cũng như khả năng cho phép người đồng tính được kết hôn hoặc kết hợp dân sự. Nước nào sẽ ‘về đích’ trước không quan trọng bằng có một thực tế rằng mọi thứ đang dần tốt đẹp hơn với chính cộng đồng LGBT.
Anh Khang (Theo Fridae)