Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sán lợn có thể sống trong đông lạnh 6 tháng, do vậy phải kiểm tra các sản phẩm đông lạnh ở các trung tâm, siêu thị, chợ để đảm bảo không lây lan.

Thái Nguyên: Dịch tả lợn châu Phi lan mạnh, phải kiểm tra cả thịt trong siêu thị

27/03/2019, 16:23

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sán lợn có thể sống trong đông lạnh 6 tháng, do vậy phải kiểm tra các sản phẩm đông lạnh ở các trung tâm, siêu thị, chợ để đảm bảo không lây lan.

Dịch tả lợn đang lan mạnh tại Thái Nguyên

Ổ dịch lây lan nhanh

Báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương, ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên vào ngày 5.3 và đến ngày 26.3, dịch bệnh đã xuất hiện tại 4 hộ của 4 xã thuộc 3 huyện Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố dịch tại huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công. Thực hiện lấy 70 mẫu giám sát với tất cả đàn lợn khi có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn... nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tiêu hủy gần 400 con lợn mắc bệnh với tổng khối lượng hơn 25.000 kg, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch như khử trùng tiêu độc, thông tin tuyên truyền, tập huấn, giám sát dịch vùng lân cận, giáp ranh.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 39 chốt kiểm dịch động vật tạm thời; 8 đội kiểm tra liên ngành. Thực hiện quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Với quan điểm “ngăn chặn mầm bệnh chứ không ngăn chặn lưu thông”.

Bên cạnh đó, tỉnh đã sử dụng gần 20.000 lít hóa chất, gần 300 tấn vôi bột để tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc ở cấp độ cao tại vùng có dịch, vùng uy hiếp và các vùng xung quanh hàng ngày, đồng thời rắc vôi bột tại các hộ chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, các hố tiêu hủy lợn.

Tỉnh đã chỉ đạo giám sát tình hình dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, cơ sở giết mổ động vật. Yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện việc khai báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn để kiểm tra, xử lý tiêu hủy triệt để.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Dũng cũng cho biết công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do Thái Nguyên là vùng chăn nuôi trọng điểm, việc giao thương lợn giống, lợn thương phẩm lớn. Công tác giám sát phát hiện, khai báo dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhận thức và hợp tác của người chăn nuôi còn hạn chế. Lực lượng cán bộ thú y tham gia công tác chống dịch còn ít. Việc quản lý hoạt động vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh còn khó khăn.

Giá lợn hơi sụt giảm mạnh

Theo ông Nghiêm Xuân Nguyên - Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, mặc dù dịch bệnh xuất hiện tại 3 hộ với số lượng tiêu hủy không lớn tuy nhiên đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ của người dân khiến cho giá bán giảm sâu, ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của bà con nông dân. "Giá lợn đã giảm từ 54.000 đồng/kg xuống còn 34.000 - 32.000 đồng/kg", ông Nguyên cho biết.

Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tham gia tất cả các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh, huyện và các đội kiểm tra liên ngành. Các chốt kiểm dịch thực hiện chế độ trực luân phiên, đảm bảo thời gian trực 24/24 giờ.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 25.3 vừa qua, tại 39 chốt kiểm dịch trên toàn tỉnh đã thực hiện dừng kiểm tra, phun sát trùng trên 7.000 phương tiện các loại; kiểm tra gần 82.000 con động vật các loại. Dừng kiểm tra 61 lượt phương tiện chở động vật, phát hiện có vi phạm đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm qua chốt đều phải xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Để phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với các lực lượng của tỉnh đảm bảo quân số tại các chốt kiểm tra, kiểm soát thị trường. Duy trì cán bộ tham gia phối hợp với cơ quan thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh khi có nghi vấn, đối với những trường hợp không có giấy tờ sẽ kiên quyết xử lý triệt để.

Ngoài kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra tại các trung tâm, siêu thị, chợ các sản phẩm đông lạnh để đảm bảo bệnh dịch không lây lan

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh: "Ở một số tỉnh, người dân đã không ăn thịt lợn, thậm chí có tỉnh, nhà trường đã nhắn tin cho phụ huynh về việc sẽ không dùng thịt lợn để chế biến thức ăn cho học sinh ăn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung cầu những sản phẩm thịt không bị nhiễm bệnh".

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ tăng cường kiểm tra thịt lợn tươi và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Cùng với đó, công tác đền bù thiệt hại cho bà con nông dân phải được thực hiện công khai, minh bạch đảm bảo cho người dân không giấu dịch khi vật nuôi bị nhiễm bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dập dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái Nguyên: Dịch tả lợn châu Phi lan mạnh, phải kiểm tra cả thịt trong siêu thị