Dự báo với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá thịt lợn sẽ giảm sâu trong thời gian tới.

Nguy cơ giá thịt lợn tiếp tục giảm sâu thời gian tới vì dịch tả lợn châu Phi

26/03/2019, 19:30

Dự báo với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá thịt lợn sẽ giảm sâu trong thời gian tới.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 21 tỉnh thành của Việt Nam - Ảnh: Internet

Báo cáo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và thống kê của Bộ NN-PT-NT cho biết trong 20 ngày đầu tháng 3, giá lợn hơi trên cả nước giảm mạnh so với cuối tháng 2.

Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg. Giá lợn tại công ty chăn nuôi lớn dao động trong khoảng 34.000 - 36.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giao dịch trong mức 32.000 - 41.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 39.000 - 45.000 đồng/kg.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo: "Với diễn biến dịch bệnh như hiện tại, khả năng giá thịt lợn sẽ giảm sâu trong thời gian tới".

Về lượng tiêu thụ, Cục Xuất nhập khẩu cho biết lượng tiêu thụ thịt lợn tại nhiều nơi đã giảm 50% so với bình thường, trong khi lượng lợn về các chợ đầu mối gia tăng vì người chăn nuôi chạy dịch.

Cập nhật tình hình dịch, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PT-NT) Nguyễn Văn Long cho biết đến ngày 25.3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 440 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành với gần 65.000 con lợn đã bị tiêu hủy. Trong đó, Bắc Giang là địa phương mới nhất ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó là các khu vực như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Lai Châu.

Theo Cục Thú y, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100% và bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng chăn nuôi lợn. Virus dịch sẽ còn tồn tại lâu dài tại Việt Nam, vì vậy việc phòng chống phải theo phương châm lâu dài, chưa thể dập được dịch trong ngày một ngày hai.

Bên cạnh chống dịch, ngành nông nghiệp còn phải tổ chức sản xuất chăn nuôi, sẵn sàng các phương án để tái đàn, nhất là không để người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn.

Sáng nay (26.3), Bộ NN-PT-NT đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Cục Thú y là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.

Ngoài 11 bộ, ngành T.Ư, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch còn có sự tham gia của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đại diện Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Báo cáo từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết tính đến hết tháng 2.2019, tổng cộng có 1.233 trường hợp chưa được dập tắt và 264 ổ dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện. Trong giai đoạn này, tổng cộng có 13 quốc gia mới báo cáo bùng phát hoặc vẫn đang đấu tranh với virus tả lợn châu Phi, trong đó có 3 quốc gia tại châu Á là Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam.

Khoảng 99,5% tổng thiệt hại (27.393 trong tổng số 27.510 con lợn) được ghi nhận tại châu Á, với Trung Quốc thông báo tiêu hủy 25.371 con lợn, trong khi Việt Nam công bố thiệt hại 2.022 con lợn.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ giá thịt lợn tiếp tục giảm sâu thời gian tới vì dịch tả lợn châu Phi