Một nghiên cứu nhỏ cho thấy, khi lên 6 tháng tuổi, trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer hay Moderna trong khi mang thai có nhiều kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 hơn trẻ sinh ra từ những thai phụ từng là F0.

Thai phụ nhiễm SARS-COV-2 không mang đến nhiều kháng thể cho con như khi tiêm vắc xin mRNA

Sơn Vân | 08/02/2022, 08:50

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy, khi lên 6 tháng tuổi, trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer hay Moderna trong khi mang thai có nhiều kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 hơn trẻ sinh ra từ những thai phụ từng là F0.

Nhiều trẻ sơ sinh lên 6 tháng tuổi có kháng thể nhờ mẹ tiêm vắc xin mRNA

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên Tạp chí JAMA về 28 trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi được sinh ra từ những phụ nữ đã tiêm hai liều vắc xin mRNA ở tuổi thai 20 đến 32 tuần (thời điểm việc truyền kháng thể của mẹ sang thai nhi qua nhau thai là cao nhất) và 12 trẻ sơ sinh cùng độ tuổi có mẹ mắc COVID-19 trong cùng khung thời gian đó. Họ tìm thấy mức độ có thể phát hiện được của immunoglobulin G (IgG), kháng thể phổ biến nhất trong máu, ở 57% trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhận hai liều vắc xin mRNA nhưng chỉ ở 8% trẻ từ những bà mẹ mắc COVID-19 chưa tiêm vắc xin.

Chưa rõ mức độ kháng thể phải cao như thế nào để bảo vệ chống lại nhiễm SARS-CoV-2. Kháng thể không phải là cơ chế bảo vệ duy nhất của cơ thể, mà còn có tế bào T giúp ngăn bệnh trở nặng và tử vong.

“Nhiều cha mẹ đến bác sĩ nhi khoa muốn biết kháng thể mẹ truyền cho trẻ sơ sinh tồn tại trong bao lâu sau khi tiêm vắc xin và bây giờ chúng tôi có thể cung cấp một số câu trả lời. Chúng tôi hy vọng những phát hiện này sẽ tạo thêm động lực cho những người mang thai đi tiêm phòng COVID-19", Tiến sĩ Andrea Edlow của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở thành phố Boston (Mỹ) cho biết.

thai-phu-nhiem-sars-covid-2-khong-mang-den-nhieu-khang-the-cho-con-nhu-tiem-vac-xin-mrna.jpg
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho một phụ nữ mang thai ở thành phố Johannesburg, Nam Phi - Ảnh; Reuters

Mắc COVID-19 trung bình và nặng gắn liền với nguy cơ khi sinh con cao hơn

Dữ liệu mới cho thấy việc mắc COVID-19 vào cuối thai kỳ có liên quan đến nguy cơ biến chứng sản khoa cao hơn.

Trong số 14.104 phụ nữ sinh con trước khi có vắc xin, 586 người mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nặng khi sinh hoặc trong vòng 6 tuần trước đó có nhiều khả năng cần phải mổ lấy thai, sinh non, chết trong thời gian sinh, hoặc bị bệnh nghiêm trọng do huyết áp cao, chảy máu cùng các bệnh nhiễm trùng không phải do SARS-CoV-2.

Tỷ lệ tổng hợp của những sự kiện này là 9,2% ở phụ nữ không nhiễm SARS-CoV-2, so với 26,1% ở phụ nữ mắc COVID-19 vừa hoặc nặng gần đây và hiện tại, các nhà nghiên cứu báo cáo hôm trên Tạp chí JAMA.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, tỷ lệ gặp ít nhất một trong những biến chứng đó cao hơn gấp đôi ở nhóm mắc COVID-19 vừa và nặng. Phụ nữ trong nhóm này cũng có nhiều khả năng bị sảy thai hoặc con chết trẻ trong thời kỳ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu cho biết nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhẹ hoặc không có triệu chứng không liên quan đến việc gia tăng các biến chứng.

Dữ liệu của họ được thu thập trước khi các biến thể Delta, Omicron xuất hiện và chưa có phụ nữ nào được tiêm vắc xin COVID-19, vì vậy kết quả không thể dẫn đến dự đoán điều gì có thể xảy ra trong điều kiện hiện tại. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh sự cần thiết của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và những người đang mang thai phải được tiêm vắc xin cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác chống lại COVID-19, theo Tiến sĩ Diana Bianchi thuộc Viện Sức khỏe trẻ em và phát triển con người Eunice Kennedy Shriver, tổ chức tài trợ nghiên cứu.

Những người cao tuổi dễ bị tổn thương ở Mỹ thường không nhận được kháng thể đơn dòng

Một nghiên cứu trên toàn quốc cho thấy những người mắc COVID-19 ở Mỹ trên 65 tuổi phải đối mặt với một số nguy cơ cao nhất về bệnh nặng nhưng thường không được điều trị bằng kháng thể đơn dòng hiệu quả cao.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ hơn 1,9 triệu người thụ hưởng Medicare (chương trình bảo hiểm y tế quốc gia ở Mỹ) mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 11.2020 đến tháng 8.2021. Đây là những người không phải nhập viện và sống sót ít nhất một tuần sau khi chẩn đoán mắc COVID-19.

Chỉ có 7,2% được điều trị bằng kháng thể đơn dòng từ Regeneron Pharmaceuticals hoặc Eli Lilly and Co để giữ cho tình trạng nhiễm trùng của họ không trở nên tồi tệ hơn.

Khoảng 23% những người không có bệnh mãn tính được điều trị bằng kháng thể đơn dòng, so với 6,3%, 6,0% và 4,7% những người mắc 1 - 3, 4 - 5 và 6 bệnh mãn tính trở lên. Người da đen ít có khả năng nhận được kháng thể đơn dòng hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những bệnh nhân nguy cơ cao có thể gặp khó khăn trong việc điều hướng nhiều bước cần thiết để nhận thuốc tại bệnh viện hoặc trung tâm truyền dịch, từ nhận chẩn đoán kịp thời đến chuyển tuyến và lên lịch truyền dịch trong vòng 10 ngày.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Michael Barnett của Harvard T.H. Chan School of Public Health, nói: "Những loại thuốc này nên được ưu tiên đến với những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nhất do COVID-19, nhưng điều ngược lại đã xảy ra là những bệnh nhân khỏe mạnh nhất có khả năng được điều trị nhiều nhất. Thật không may, hệ thống liên bang và tiểu bang của chúng tôi để phân phối những loại thuốc này đã thất bại trong việc bảo vệ những bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất".

Bài liên quan
Thai phụ nhiễm biến thể Delta có nguy cơ bị thai chết lưu cao gấp 4 lần
Theo nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hôm 19.11, những thai phụ mắc COVID-19 có nguy cơ chết lưu khi sinh con cao gần gấp đôi những phụ nữ khỏe mạnh khác, thậm chí cao gấp 4 lúc biến thể Delta thống trị thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thai phụ nhiễm SARS-COV-2 không mang đến nhiều kháng thể cho con như khi tiêm vắc xin mRNA