Nếu tiêm mũi Pfizer hay Moderna tăng cường, những người từng nhận 2 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Vừa qua, Sandy Douglas, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), nói với tờ Financial Times rằng đã thực hiện các bước sơ bộ để phát triển loại vắc xin cập nhật để "đáp ứng với bất kỳ biến thể mới nào nhanh hơn".
Anh đã triển khai một đợt tiêm mũi vắc xin tăng cường để đối phó với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, với kỷ lục mới là gần 1 triệu mũi tiêm một ngày vào 18.12.
Nghiên cứu về 7 loại vắc xin COVID-19 khác nhau, được công bố trên tạp chí The Lancet vào đầu tháng này, cho thấy vắc xin Pfizer và Moderna (cùng công nghệ mRNA) là mũi tiêm tăng cường hiệu quả nhất. Thế nhưng, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm phức tạp mọi chuyện.
Mũi vắc xin Pfizer tăng cường
Các nhà nghiên cứu ở Israel phát hiện ra rằng tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ ba cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể chống lại biến thể Omicron.
Gili Regev-Yochay, Giám đốc Đơn vị Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba (Israel), nói với Reuters rằng mũi vắc xin Pfizer tăng cường sẽ tăng khả năng bảo vệ “khoảng 100 lần”.
Trong nghiên cứu trước đó được công bố trên Tạp chí The Lancet, những người nhận được hai liều AstraZeneca (công nghệ vector vi rút) và tiêm mũi Pfizer tăng cường có lượng kháng thể tăng gấp 25 lần.
Nếu tiêm mũi Pfizer tăng cường sau khi từng nhận hai liều cùng loại vắc xin này, mức kháng thể tăng gấp 8 lần.
Các phát hiện của Tạp chí The Lancet cũng cho thấy một nửa liều Pfizer có thể sử dụng như một mũi tăng cường và có thể hỗ trợ cho nguồn cung vắc xin, tờ The Washington Post đưa tin.
Hồi tháng 10, cuộc thử nghiệm đầy đủ đầu tiên về hiệu quả vắc xin cho thấy mũi vắc xin Pfizer thứ ba cung cấp khả năng miễn dịch tuyệt vời chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Cụ thể hơn, nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Clalit (Israel) thực hiện phân tích dữ liệu hồ sơ sức khỏe từ ngày 30.7 đến 23.9.2021.
Các nhà nghiên cứu sau đó đối sánh cẩn thận 728.321 người nhận hai mũi vắc xin Pfizer ít nhất 5 tháng trước đó, với 728.321 người đã được tiêm mũi thứ ba.
Kết quả cho thấy những người được tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ ba có nguy cơ nhập viện thấp hơn 93%, nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn 92% và nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn 81% so với những ai nhận hai mũi vắc xin này.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng hiệu quả của mũi vắc xin Pfizer tăng cường là tương tự nhau với giới tính, nhóm tuổi và số lượng bệnh đi kèm làm tăng nguy cơ sức khỏe.
Phát hiện này được đưa ra trước khi biến thể Omicron xuất hiện và lan rộng khắp thế giới.
Mũi vắc xin Moderna tăng cường
Trong diễn biến đáng khích lệ khác, Moderna thông báo rằng các thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho thấy mũi vắc xin tăng cường của họ giúp tăng mức độ kháng thể đáng kể và có thể chống lại Omicron.
Kết quả do Moderna công bố gần đây cho thấy mũi vắc xin tăng cường 50 microgam (bằng một nửa liều đầy đủ ở lần tiêm đầu tiên và thứ hai) giúp tăng mức độ kháng thể lên 37 lần.
Moderna cho biết mũi vắc xin tăng cường 100 microgam thậm chí còn hiệu quả hơn, tăng mức độ kháng thể lên khoảng 83 lần so.
Tờ The New York Times nhận xét: “Kết quả dựa trên các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm không nắm bắt được đầy đủ các đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại vi rút” và gợi ý rằng “dù vắc xin có thể không ngăn ngừa nhiễm biến thể Omicron nhưng chống lại mắc bệnh nặng”.
Nghiên cứu đang được xem xét bởi các chuyên gia độc lập.
Trong nghiên cứu trước đó, mũi vắc xin tăng cường Moderna 100 microgram giúp tăng mức độ kháng thể gấp 32 lần cho những người từng nhận hai liều AstraZeneca.
Cũng với mũi vắc xin Moderna tăng cường 100 microgram, kháng thể tăng lên gấp 11 lần ở những người từng nhận hai liều Pfizer. Nhìn chung, mũi vắc xin Moderna tăng cường được xem là hiệu quả nhất để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Từ kết quả của cuộc thử nghiệm, Anh đảm bảo có thêm nguồn cung 114 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna trong vòng 2 năm tới.
Mũi vắc xin AstraZeneca tăng cường
Báo cáo của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (NHS) đầu tháng này cho thấy những người tiêm hai liều AstraZeneca cách đây 25 tuần trở lên có khả năng chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng thấp hơn nhiều so với Delta, tờ The Guardian đưa tin.
Theo nghiên cứu trước đây, dù mũi AstraZeneca thứ ba làm tăng đáp ứng miễn dịch ở những người từng nhận hai liều vắc xin này, nhưng mức độ bảo vệ không cao như khi tiêm mũi Moderna và Pfizer tăng cường.
Thế nhưng, AstraZeneca hé lộ trong tuần này rằng cùng với Đại học Oxford thực hiện các bước sơ bộ trong việc sản xuất vắc xin nhắm vào biến thể Omicron trong trường hợp cần thiết và sẽ thông báo khi có dữ liệu mới.
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca không được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch tiêm mũi tăng cường của Anh. Mối quan tâm vẫn còn về các tác dụng phụ tiềm ẩn của nó, với nghiên cứu đang tiếp tục về mối liên hệ với quá trình đông máu hiếm gặp.
Tuy nhiên, NHS nói rằng một số người có thể nhận mũi vắc xin AstraZeneca tăng cường nếu họ không thể có vắc xin Pfizer - BioNTech hoặc Moderna.
Mũi vắc xin Johnson & Johnson tăng cường
Loại vắc xin COVID-19 công nghệ vector vi rút do tập đoàn dược phẩm khổng lồ Johnson & Johnson sản xuất khác thường ở chỗ chỉ tiêm một mũi. Tại Mỹ, mũi vắc xin Johnson & Johnson thứ hai đã được chấp thuận làm liều tăng cường.
Kết quả thử nghiệm được công bố vào tháng 9 cho thấy khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 trung bình đến nặng ở những người tiêm mũi Johnson & Johnson thứ hai trong 2 đến 6 tháng sau lần đầu đã tăng từ 74% lên 94%. Theo Maureen Ferran, Phó giáo sư sinh học tại Viện Công nghệ Rochester (Mỹ), lượng kháng thể trung hòa cũng tăng gấp 4 lần.
Nghiên cứu của Johnson & Johnson cho thấy nếu tiêm mũi tăng cường vắc xin này khoảng 2 tháng sau lần đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng 4-6 lần. Nếu tiêm mũi hai sau 6 tháng, lượng kháng thể tăng tới 12 lần.
Mũi vắc xin tăng cường của Pfizer, Moderna bảo vệ chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong bao lâu?
Nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.
Theo dữ liệu mới được tìm thấy trong thế giới thực, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron gây ra đã giảm tới 25% trong vòng 10 tuần.
UKHSA cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.
Trong cùng một phân tích được công bố mới đây, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần, dù không có nhiều người trong nghiên cứu tiêm ba mũi vắc xin kiểu này. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phát hiện.
Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.