Hàng loạt hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đã bị xử phạt ngay sau công văn số 8706 của Bộ NN & PTNN nhằm ngăn chặn tình trạng bơm nước vào động vật, heo bò bơm nước. Nhưng tình trạng này liệu có bớt đi, hay trở lên cực kỳ tinh vi và các cơ quan chức năng khó phát hiện hơn nhiều?

Thâm nhập “đại bản doanh” bò bơm nước ở Long An. Kỳ 1: Lò bơm “mạnh” nhất

Một Thế Giới | 24/11/2014, 16:57

Hàng loạt hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đã bị xử phạt ngay sau công văn số 8706 của Bộ NN & PTNN nhằm ngăn chặn tình trạng bơm nước vào động vật, heo bò bơm nước. Nhưng tình trạng này liệu có bớt đi, hay trở lên cực kỳ tinh vi và các cơ quan chức năng khó phát hiện hơn nhiều?

Sau khi một số lò giết mổ gia súc tại Đồng Nai, Long An, Tiền Giang bị “bể mánh”, mỗi ngày vẫn cứ khoảng 50-60 con bò được lái buôn đưa về cơ sở giết mổ gia súc Võ Thị Vân (thường gọi là lò Vũ Ngọc). Tại đây, các lái buôn có thể bơm nước ngay khi cán bộ thú y đang có mặt. Sau khi giết mổ, thịt bò được chuyển cho các đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM mà không hề bị xử lý.

Xỉu thì tắm cho tỉnh!

Một buổi tối tháng 11, trong vai một tài xế xe chở bò, chúng tôi có mặt trên đoạn đường cách đường vào chùa Long Tân ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ khoảng 200m. Đường vào lò Vũ Ngọc đã xuống cấp nghiêm trọng vì cả ngày cả trăm lượt xe tải qua lại. Thỉnh thoảng tiếng “ầm ầm” dội đến từ phía sau do xe đính ổ gà khiến gần chục con bò bị nhốt đứng loạn choạng va vào thùng xe. Thấy tôi chạy chậm, N. lái bò quê An Giang nói: “Cứ chạy bình thường đi, bò vào lò này có gãy chân cũng không bị trừ tiền”. Gần đến nơi, N. gọi điện cho một người của lò nói: “Ê cha nội, coi dùm cái ống nước bữa tui giấu trên máng xối còn đó không, hôm nay bò nhiều lắm nghe”.

Khoảng 20g xe chở bò vào đến lò Vũ Ngọc, một thanh niên ra mở cửa. Lò mổ có hai cổng được ngăn cách bởi một bức tường để chia đôi khu chuồng bò với khu giết mổ. Trong số bốn xe tải khác đã đậu từ trước, một xe 3,5 tấn chở trên hơn 10 con bò đến từ Đông Thuận. Thấy chúng tôi cho bò xuống xe, tài xế An Giang biển số 67C-0282x hỏi T.: “Bữa giờ có qua lò Thái (tên một lò mổ khác ở cùng huyện) không?”. T. trả lời: “Bên đó thú y “quần” (kiểm tra – PV) dữ quá, ổng phải kêu lính cắt nước hết rồi. Nghe nói mới hôm kia bị phát hiện bơm nước, bị đóng cửa rồi”. Tài xế xe tải biển số 60V-8055 đứng gần đó hưởng ứng: “Vô đây là đúng rồi, chứ không cho bơm nước ai mà mang bò tới”. Sau gần nửa tiếng sắp xếp cho bò ở khu chuồng phía bên phải từ ngoài cổng đi vào, N. dẫn tôi đi vòng qua khu vực giết mổ để vào phòng khách nghỉ ngơi. Trên đường đi, chúng tôi băng ngang một chuồng nhỏ nhốt gần 10 con bò Úc.
bo bom nuoc
 Mỗi ngày có hàng ngàn con bò được giết mổ tại các lò mổ tập trung
và đưa ra thị trường.Vậy bao nhiêu trong số đó trở thành "bò bơm nước" ?

Khu vực giết mổ của lò Vũ Ngọc rộng gần 300m² nhưng do còn sớm nên vắng vẻ, năm nhân viên giết mổ tập trung ở phòng khách xem tivi. Toàn bộ khu vực lò mổ đều được quan sát qua camera, trước khu vực giết mổ là tấm bảng “cấm quay phim, chụp ảnh”. Cách chúng tôi khoảng 3m, một nữ cán bộ thú y tên Phạm Thị Tám bước đến, đi vòng ra khu vực chuồng bò. Thấy vậy, một lái bò tên Út tỏ vẻ bực bội: “Giờ này cón đi ra đó thì sao mà bơm”. Người đàn ông tên Út đủng đỉnh: “Ngày nào cũng vậy, mà ngày nào tôi cũng bơm được”.

Khoảng 20g45, cán bộ Tám đứng ngay trước chuồng T. đang nhốt bò nói chuyện với Út. Út năn nỉ: “Tám đi vô đi, đứng đây muỗi cắn”. Bà Tám nói: “Tui đi vô cho mấy người bơm nước hả, rồi lỡ mà bị nhà báo quay phim thì sao, mấy người thương giùm tui, hai năm nữa tui nghỉ hưu rồi, mà ở trên lệnh vậy đó, phải làm chớ”. Thấy Út xìu mặt, bà Tám nói tiếp: “Hồi xưa đâu có mấy cái vụ bơm nước này đâu, làm gì mà ác quá, mấy con heo, con bò bị bơm nước xong, mổ ra bộ lòng bầm dập hết, tui làm cái nghề này gần 20 năm rồi, mỗi lần nhìn thấy còn buồn ói đó”. Khoảng 21g30, chủ lò mổ xuất hiện trên chiếc Mercerdes C300 màu trắng. 30 phút sau, bà Tám đi qua khu giết mổ. Út nói với N.: “Ê bả đi rồi kìa, tranh thủ bơm nước đi”.

Năm lái bò chỉ chờ có thế, nhanh nhẹn buộc bò vào sát các thanh sắt ngang cửa chuồng. Những người còn lại chạy đi lấy ống nước để nối với ống có sẵn ở vòi bơm. Sau khi xả van nước, các lại buôn một tay túm đầu con bò, một tay cầm đoạn ống dài gần 2m thọc vào họng bò. Đứng cách N. khoảng 10m, lái bò tên Út rất thành thạo, liên tục ra lệnh cho hai thanh niên đi cùng “mở van:, “tắt đi”. Con bò đầu tiên bị Út bơm nước sau năm phút bắt đầu ói nhưng Út không dừng lại. Khi con bò bắt đầu ói ra nước lẫn cỏ khô và thở hồng hộc, Út chuyển ống sang con bò khác. Lúc Út  đang bơm dở dang thì con bò đầu tiên đã căng phình bụng, miệng trào bọt, bất ngờ ngã đập đầu xuống nền xi măng. Hai thanh niên đi cùng Út nói: “Ê, nó xỉu rồi kìa”. Út cười: “Cứ để đó, tắm xíu là nó tỉnh”. Chỉ trong vòng 20 phút, Út bơm cho năm con bò. Đến khoảng 10g, N. cũng bơm nước xong cho hơn 10 con bò chở từ Chợ Mới, An Giang lên. Hai thanh niên là người của lò mổ, trong đó người tên Phú tỏ ra rất thận trọng, lúc bơm nước cho bò anh ta tắt hết bóng đèn.

(Còn tiếp)

Vinh Quốc / Theo Phụ Nữ


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hơn 3.000 diễn viên tham gia Festival múa sạp 'Rực rỡ sắc màu Tây Bắc'
2 giờ trước Văn hóa
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7.5.1945 – 7.5.2024), 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024), tối 5.5, tại Quảng trường 19.8 trung tâm Km5, thành phố Yên Bái diễn ra Festival múa sạp “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thâm nhập “đại bản doanh” bò bơm nước ở Long An. Kỳ 1: Lò bơm “mạnh” nhất