“Cò về” - đứa cháu nội ông Tư Phát reo lên. Những tiếng rì rào của các nhánh cây trong vườn, tiếng đập cánh và tiếng kêu xao xác. Những ngọn cây bắt đầu trĩu nặng và trắng cánh cò. Chúng tôi chạy ra xa và nhìn về phía khu vườn toàn một mảng trắng toàn cánh cò...
Bảo vệ môi trường

'Thân cò' lặn lội canh giữ vườn cò

Tô Văn 14/03/2024 20:12

“Cò về” - đứa cháu nội ông Tư Phát reo lên. Những tiếng rì rào của các nhánh cây trong vườn, tiếng đập cánh và tiếng kêu xao xác. Những ngọn cây bắt đầu trĩu nặng và trắng cánh cò. Chúng tôi chạy ra xa và nhìn về phía khu vườn toàn một mảng trắng toàn cánh cò...

Ông Nguyễn Kỳ Phát (Tư Phát, 63 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ban ngày cặm cụi trồng rau, vừa trông giữ vườn cò đông đến hàng ngàn con, vừa lam lũ nuôi mấy đứa cháu thơ dại. Việc trông giữ vườn cò này đã 13 năm.

Vì nuôi cò nên ông Phát còn có biệt danh là “Ba cò”. Không biết gọi vậy ông Tư Phát có phật lòng không, nhưng cuộc sống của ông chẳng hơn gì “thân cò lặn lội”. Thời thanh niên trai tráng ông đã một lần làm ăn thất bại phải bán hết tài sản, ra đường với hai bàn tay trắng. Đến gần hết đời mới được một người tốt bụng cho ở nhờ ở đậu để sống, trông giữ vườn cò này tới nay.

“Khu vườn nằm trên địa bàn thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, có diện tích khá rộng. Chiều chiều, đàn cò hoang dã kéo về trú ngụ và xây tổ, đẻ trứng, đậu kín trên ngọn các cây cao, lùm cây trong vườn.

Hồi trước, nơi đây rất vắng, từ khi ông Tư Phát về giữ vườn là đàn chim, cò bỗng nhiên bay tới làm tổ đông nghịt”, một người dân thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, nơi ông Tư Phát ở và trông giữ vườn cò nói vậy.

1-co.jpg
4-co.jpg
Vườn cò ông Tư Phát nằm ven quốc lộ 91, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - Ảnh: Anh Duy

Nằm ven quốc lộ 91, vườn cò ông Tư Phát rộng khoảng 5ha, trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó có tràm. Cổng rào khóa kín, khó có thể vào bên trong, phía trong khu vườn có một căn nhà nhỏ. Ông Tư Phát đang cặm cụi cuốc đất, còn bọn trẻ phải trông nhà. Những đứa trẻ vô tư, lem luốc, xinh xắn và nghịch ngợm.

Bọn trẻ dường như không biết ông của chúng đã phải trải qua bao vất vả, đau thương. Năm tháng và nỗi đau đã se thắt lại trong tâm hồn cứng cỏi và thể xác cằn cỗi của ông Tư Phát.

“Bây giờ đã là năm thứ 13 cò làm tổ ở khu vườn này”, ông kể. 13 năm cũng là quãng thời gian ông Tư Phát gắn với những con cò như định mệnh. Ông nói: “Không hiểu sao cò lại chỉ ở đây. Cò về từ năm tôi 50 tuổi, và theo năm theo tháng, chúng đông dần lên. Mùa cò đẻ, cò về đây làm tổ, chúng đậu trên khắp các ngọn tràm, ngọn tre. Chúng tràn sang cả cây nhãn, cây mít, cây đu đủ…".

“Cò về”, đứa cháu nội ông Tư Phát reo lên. Những tiếng rì rào của các nhánh cây trong vườn, tiếng đập cánh và tiếng kêu xao xác. Những ngọn cây bắt đầu trĩu nặng và trắng cánh cò. Chúng tôi chạy ra xa và nhìn về phía khu vườn toàn một mảng trắng toàn cánh cò.

Tiếng cò kêu, đập cánh như gió. Ông Tư Phát xem đồng hồ rồi bảo: “Hôm nào cũng vậy, sáng ra chúng bay đi kiếm ăn và gọi tôi thức giấc. Rồi đến 6 giờ tối chúng lại bay về reo vui và tìm chốn ngủ”.

Theo tìm hiểu, chúng tôi biết khu vườn này có rất nhiều loại chim gồm cò lửa, cò bợ, còng cọc, cò trắng. Cò chiếm đa số. Chúng đến hàng ngàn con, sống trên những ngọn cây cũng như tận cửa nhà. Đêm nay cũng như bao đêm, ông Tư Phát xua chó, rào lại những góc vườn trống và chuẩn bị cho việc giữ và chống “cò tặc”.

13 năm, ông Phát không nhớ có bao nhiêu đêm ông mất ngủ để trông giữ vườn cò? Ông chỉ nhớ rằng, tận mắt gặp một bà cụ khoảng 70 tuổi, dắt chiếc xe đạp từ ngoài cổng vào rồi len lén dùng cây rượt đuổi bắt cò từ lúc mờ sáng.

Con nào khỏe thì nhanh chân chạy thoát. Những con cò yếu ớt không tìm được đường trở lên cây cao thì bị bắt bỏ vô bao tải. Nhiều con cò “ra ràng” (cò mới mọc lông tơ) bị rớt xuống đất cũng bị bà ta bắt. Tôi hỏi: “Sao nỡ lòng nào bắt chim cò?”. Bà ta nói: “Thấy mấy con cò này yếu nên bắt bán để chúng hóa kiếp”.

Ngoài bà cụ bắt trộm cò, còn có cả những thanh niên vào vườn bắt trộm cò mang đi khiến lòng ông Tư Phát xót xa. Có khi bọn thanh niên này còn hăm dọa, phá phách. Nhiều hôm cò kêu tao tác, sáng ra vườn rơi vỡ đầy trứng cò. Cò chỉ biết kêu, còn ông Tư Phát chỉ biết đứng nhìn.

2-co.jpg
Hàng ngàn con cò trú ngụ trong vườn - Ảnh: Anh Duy

Ông Tư Phát bảo tôi: “Khu vườn rộng 5ha và bấy nhiêu năm trời là bao nhiêu cây tràm, cây ăn trái”. Tôi chưa kịp nói thì ông lại hỏi “13 năm trời là bao nhiêu hôi tanh của mùi phân cò?”. Ông kể: “Mùa hè đến, con cháu nhà người ta có nhãn, có mít để ăn, còn con cháu mình thì nhịn vì nhãn, mít đã bị cò làm hỏng không đậu nổi cánh hoa, không kết thành quả. Ngoài ra, khu vườn này cây cứ mọc lên rồi “ngã quỵ”, cũng không dám động nhát dao vì sợ cò sẽ bỏ đi hết. Rồi mùa cò đẻ, mùi hôi nồng, tanh tưởi của phân cò cứ như vương khắp nhà, như bám chặt vào áo quần”.

Cũng theo ông Tư Phát, nhiều khi nhìn thấy bản thân, con cháu, nhà cửa bẩn thỉu vì phân cò mà rất bức bối, khó chịu.

“Lúc đó, tôi như điên dại mang dao chặt cây quanh nhà cho cò khỏi làm tổ để đỡ mùi hôi tanh của phân cò, đồng thời xua cò khỏi cây trái đang mùa ra hoa cho cây đậu quả. Vậy là hôm sau cò đập cánh sớm và bay đi. Lúc đầu là vài chục con, hàng trăm con, rồi đến cả ngàn con, cò cứ bay đi vô tình mà tôi thì không có cách nào giữ lại.

Khi đó, tôi lại khóc. Tôi mất ăn, mất ngủ vì sợ mất cò. Ba tháng, rồi 5 tháng, thấy yên ổn, cò lại bay về. Lúc này, tôi rất vui, chấp nhận định mệnh sống trong nghèo khó và làm “Ba cò” bảo vệ đàn con”, ông Tư Phát tâm tình.

Vườn cò cần được sự quan tâm, bảo vệ

Hôm ấy, ngoài chúng tôi, ông Tư Phát còn tiếp một thanh niên ngụ địa phương đến xem đàn cò. Anh ta tự giới thiệu tên là Ba Công và cho biết những loài chim hoang dã khi gặp người từ xa thì chúng đã bay mất hút. Riêng, đàn chim, cò này rất dạn dĩ, thân thiện với con người.

“Tôi thấy rất lạ tại đây rất ồn ào vì kế bên có tiệm hàn sắt hoạt động liên tục, cộng với xe của nông dân thăm đồng chạy qua lại mỗi ngày. Vậy mà đàn chim, cò vẫn ung dung bay, đậu, làm tổ sinh sản ngày càng tăng. Thường ngày, đàn cò bay ra đồng từ lúc 5 giờ sáng để tìm thức ăn. Hôm tôi ra ruộng lúc bình minh thì phát hiện đàn chim, cò bay lờn vờn tại những đám ruộng gần đó tìm thức ăn. Sau vài phút, chúng bay trở lại khu vườn này”, anh Công nói.

Cũng theo anh Công, có vài người lạ mặt lân la đến đây rủ vài thanh niên địa phương cùng nhau đi bắt trộm cò đem bán. “Tôi phát hiện liền răn đe, và nói rằng nhất cử nhất động của tụi bây đều có tai mắt quan sát biết hết”, anh Công nói.

Với ông Tư Phát, việc có được một vườn cò hàng ngàn con và tồn tại 13 năm thì đằng sau đó biết bao là chuyện buồn nhưng ông không nản chí. Ông Tư Phát chia sẻ: “Vườn cò vốn quý của thiên nhiên, của đất trời. Đây là trách nhiệm chung, vườn cò cần sự quan tâm để thứ tài sản ấy có lấy một chỗ đất lành mà trú ngụ chứ”.

Dù vậy, đâu đó trong ánh mắt của ông Tư Phát vẫn đọng lại nhiều nỗi lo. Nay ông Tư đã 63 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, biết còn sống bao lâu để gắn bó với đàn cò. Khi ông Tư Phát không còn là người trông giữ thì ai sẽ thay ông gánh lấy công việc âm thầm bảo vệ đàn cò?

Clip đàn cò bay về đậu kín ở vườn nhà ông Tư Phát


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thân cò' lặn lội canh giữ vườn cò