Trên địa bàn TP.HCM tình trạng xả thải rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa như bịch nylon, ly, chai nhựa, hộp xốp... diễn ra tràn lan. Từ trung tâm thành phố tới ngoại thành, từ các con đường lớn cũng như hẻm nhỏ, từ quán ăn cho đến kênh rạch, đâu đâu cũng thấy rác.
Bảo vệ môi trường

TP.HCM: Rác thải chất đống ven đường, ngập kênh, nơi công cộng bốc mùi hôi thối

Tú Viên 17:23 12/03/2024

Trên địa bàn TP.HCM tình trạng xả thải rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa như bịch nylon, ly, chai nhựa, hộp xốp... diễn ra tràn lan. Từ trung tâm thành phố tới ngoại thành, từ các con đường lớn cũng như hẻm nhỏ, từ quán ăn cho đến kênh rạch, đâu đâu cũng thấy rác.

Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới chiều 11.3, hàng tấn rác thải chất đống thành hàng dài hơn trăm mét trên đường CN1 (Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Đủ các loại rác thải sinh hoạt được chất đống thành hàng dài, tràn cả xuống đường CN1, kéo dài từ đường M1 đến gần cầu Bưng nằm sát dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đáng nói, nhiều loại rác thải đang phân hủy, bốc mùi hôi thối đã thu hút nhiều ruồi, bọ, côn trùng.

z5241402628305_c589ff3d6d677ad05cad03148a0e7fb8.jpg
Rác thải chất thành hàng dài hơn 100 mét gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường - Ảnh: TTXVN

“Trước đây, dọc tuyến đường CN1 nằm ven kênh Tham Lương có hàng rào tôn bao bọc nên không có hiện tượng người dân đổ trộm rác. Thời gian gần đây, sau khi lớp hàng rào tôn được tháo dỡ phục vụ cho thi công dự án thì người dân bắt đầu đổ trộm, đặc biệt vào ban đêm. Rác thải chất đống kéo dài, bốc mùi hôi thối đã làm ảnh hưởng đến vấn đề thi công hạ tầng của dự án”, một đại diện của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chia sẻ.

Tình trạng rác thải bừa bãi không chỉ ở Khu công nghiệp Tân Bình, dọc khắp các tuyến đường từ nội ô ra ngoại thành TP.HCM, không kể ngày hay đêm, đều có thể bắt gặp những túi rác, bao nylon, ly nhựa, hộp xốp... nằm ngổn ngang trên lề và cả lòng đường. Đáng nói, rác thải nhựa còn được chất thành đống tại nhiều vỉa hè và nhiều kênh, rạch, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

rac-thai-5.jpeg
Rác tràn xuống mặt đường CN1 - Ảnh: TTXVN

Dễ thấy nhất tình trạng xả rác thải nhựa tràn lan là tại các khu chợ truyền thống, khi tại đây thường tiêu thụ lượng lớn sản phẩm từ nhựa như bao nylon, ly nhựa... Do sự tiện dụng, giá thành rẻ và dễ mua nên nó đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Thử nhẩm tính, trung bình một người đi chợ mua bao nhiêu món hàng sẽ có bấy nhiêu bịch nylon; thậm chí các loại thịt, cá người bán còn "khuyến mãi" thêm bịch tròng bên ngoài vì sợ có mùi.

Ngay cả tại nhiều công viên, nơi vui chơi giải trí, do nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên sau khi uống ly trà sữa, cà phê hay ăn uống, họ thản nhiên thải rác ngay tại chỗ ngồi, mặc dù thùng rác cách đó không xa.

Bên cạnh đó, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ quận Tân Bình đến quận 3 rác thải, lục bình dày đặc, phủ kín trên đoạn dài. Rác thải xuất hiện nhiều tại khu vực chân cầu số 1 và số 2 (quận Tân Bình). Ngoài lục bình, các loại rác như thùng xốp, bao nylon, chai nhựa, nệm, tivi hỏng, đồ điện tử cũ (rác cồng kềnh), xác chết động vật, cá chết… bốc mùi hôi thối dồn lại thành từng mảng lớn trôi dọc tuyến kênh.

z5234834546340_f54771facf7915f10b8075ddc42b05ff.jpeg
Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh - Ảnh: CTMTĐT

Thông thường, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh. Lượng rác tồn đọng ở kênh đến nay ước đã hơn 100 tấn. Nếu có hợp đồng mới, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc phải mất khoảng nửa tháng để xử lý.

Với thực trạng chất thải nhựa đáng lo ngại như hiện nay không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố, làm ảnh hưởng tới môi trường nước mà rác thải nhựa còn đang khiến TP.HCM phải chi ra rất nhiều ngân sách để thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất lâu, gây ảnh hưởng không chỉ tới cuộc sống trước mắt mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của con em chúng ta.

Do đó, vấn đề tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết nhất để người dân nhận biết và thay đổi lối sống sinh hoạt hằng ngày, hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường.

Người sử dụng nên hạn chế dùng sản phẩm tiện lợi từ nhựa để bảo vệ môi trường. Theo đó, người đi chợ nên mang theo giỏ xách để đựng thực phẩm, còn người bán có thể buộc người mua phải trả tiền cho các bao bì... Có như thế mới mong hạn chế được rác thải nhựa.

"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa là cuộc chiến dài hơi, không hề đơn giản. Mỗi người dân hãy nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Rác thải chất đống ven đường, ngập kênh, nơi công cộng bốc mùi hôi thối