Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, dự kiến sẽ tăng thêm biên chế công chức và viên chức cho cơ quan này.

Thành lập Ủy ban Cạnh tranh có làm 'phình to' biên chế của Bộ Công Thương?

tuyetnhung | 06/04/2019, 22:01

Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, dự kiến sẽ tăng thêm biên chế công chức và viên chức cho cơ quan này.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo thường kỳ ngày 5.4, lãnh đạo Bộ Công Thương đã lên tiếng giải thích về việc “phình to” biên chế khi lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong khi chỉ thị của Chính phủ là các bộngành cần tinh giản biên chế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, tháng 6.2018, Quốc hội đã thông qua Đạo luật quan trọng là Luật Cạnh tranh 2018, thay thế Luật Cạnh tranh 2014, có hiệu lực từ 1.7.2019, tức là 3 tháng nữa có hiệu lực. Trong Luật này có nhiều nội hàm liên quan điều chỉnh các hành vi bị cấm, tác động đến quản lý cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát tập trung kinh tế…

Cũng tại đây, Quốc hội nhận thấy rằng cần có một mô hình cơ quan có đủ năng lực, trình độ, đủ khả năng để thực thi Luật Cạnh tranh 2018. Tại Quốc hội, các đại biểu đã bấm nút thông qua điều 46, quy định rõ về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này đã được định danh rõ và khi Luật cạnh tranh có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG) có thể được ra đời để thực thi Luật Cạnh tranh 2018.

Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ chức năng nhiệm vụ cơ quan UBCTQG (tại điều 46 đã quy định 2) chức năng cơ bản là giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Thứ hai, thực hiện chức năng tài phán, quy trình thủ tục tố tụng cạnh tranh để xử lý, điều tra các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh… Đó là 2 chức năng cơ bản đã được quy định rõ trong Luật Cạnh tranh 2018.

Luật Cạnh tranh 2018 đã giao Chính phủ có quy định hướng dẫn chi tiết về bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sau khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh 2018: Nghị định hướng dẫn nội dung (Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Chính phủ); Những quy định xử lý vi phạm về Luật Cạnh tranh (Bộ Công Thương đã hoàn thiện); Xây dựng mô hình UBCTQG.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện nay, các thông tin liên quan đến Ủy ban, các nội dung qua Website Chính phủ đã được báo chí phản ánh đúng mực, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

"Chúng tôi sẽ triển khai đúng các văn bản quy phạm pháp luật, trình các cấp thẩm quyền xem xét thông qua. Khi Nghị định này được Chính phủ đồng ý thông qua sẽ là cơ sở ra đời UBCTQG", ông Tân khẳng định.

Uỷ ban không chỉ thực hiện 1 việc theo Luật Cạnh tranh mà còn liên quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, ông Tân nhấn mạnh: "Chúng tôi đang thực hiện các nội dung liên quan đến bảo vệ quyềnlợi người tiêu dùng. Đó cũng là nhiệm vụ được gửi gắm tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Việc một cơ quan phải nhận nhiều nhiệm vụ chính là cách thu gọn đầu mối, một đầu mối làm nhiều việc".

Cơ sở thứ 4 là UBCTQG được thành lập trên cơ sở kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ và tổ chức trên cơ sỏ hiện trạng. Cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay có 2 cơ quan là Hội đồng Cạnh tranh quốc gia và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi đang thành lập đề án thành lập UBCTQG, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị này. Đó chính là đáp ứng yêu cầu thu gọn bộ máy để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, tăng biên chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chỉ là luân chuyển cán bộ trong nội bộ của Bộ Công Thương, về cơ bản, vẫn đảm bảo con số tổng, do đó, không "phình to" biên chế.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được dự kiến thành lập trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng Cạnh tranh.

Chủ tịch Ủy ban sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bộ máy giúp việc cho Ủy ban gồm 8 đơn vị: Cục Điều tra và Giám sát cạnh tranh (dự kiến 25-30 biên chế); Cục Bảo vệ người tiêu dùng (dự kiến 25-30 biên chế); Vụ Thư ký xử lý vụ việc cạnh tranh: 10-15 biên chế;

Vụ Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: 10-15 biên chế; Vụ Hợp tác quốc tế: 10-15 biên chế; Vụ Thanh tra pháp chế: 10-15 biên chế; Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng: 10-15 biên chế;

Văn phòng Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tại TP HCM: 8-10 biên chế. Ngoài ra còn có 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin tư vấn và đào tạo: 20-25 biên chế.

Như vậy, tổng biên chế, nhân sự dự kiến của các đơn vị sau khi thành lập Ủy ban là khoảng 130 biên chế công chức và 25 biên chế viên chức.

Bộ Công Thương cho biết, hiện tổng biên chế được giao của 2 cơ quan trước khi hợp nhất là 58 công chức và 10 viên chức biên chế. Trong giai đoạn 2020-2025, việc thành lập Ủy ban sẽ giúp tăng khoảng 70-80 biên chế công chức; 15 biên chế viên chức.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành lập Ủy ban Cạnh tranh có làm 'phình to' biên chế của Bộ Công Thương?