Ngày 20.10, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Với những thành quả trong nhiều năm qua, giới lãnh đạo tỉnh tiếp tục xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển tỉnh nhà.

Tháo gỡ rào cản, mở rộng đường mời gọi các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi

Lê Đình Dũng | 18/10/2017, 11:35

Ngày 20.10, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Với những thành quả trong nhiều năm qua, giới lãnh đạo tỉnh tiếp tục xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển tỉnh nhà.

Với chủ đề “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2017 được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh và cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là dịp gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng mối quan hệ và kết nối hợp tác đầu tư.

Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi để nắm rõ hơn về những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với tỉnh.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

- Thưa ông, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay có tiềm năng, lợi thế phát triển như thế nào?

- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng: Tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam, với diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,3 triệu người, với 14 huyện, thành phố. Tỉnh Quảng Ngãi có một số tiềm năng, thế mạnh cơ bản như sau. Trước hết, Quảng Ngãi có một hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến quốc lộ 1A nối liền Bắc - Nam; hệ thống đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018, quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; trung tâm thành phố Quảng Ngãi cách sân bay Chu Lai khoảng 40km về phía bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đã hình thành khu kinh tế (KKT), và các khu công nghiệp (KCN) với KKT Dung Quất đã được quy hoạch với diện tích 45.300 ha. Đây là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và là một trong những KKT có những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 KCN tập trung, KCN - Dịch vụ - Đô thị VSIP và 15 cụm công nghiệp, làng nghề.

Với ngư trường rộng lớn trên 11.000km2 và với đường bờ biển dài 130km Quảng Ngãi đã được chọn là một trong những địa bàn trọng điểm trong triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đặc biệt là phát triển về du lịch. Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn, nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của KKT Dung Quất, cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Lý Sơn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, nhiều lễ hội truyền thống với những nét hoang sơ vẫn còn lưu giữ thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có các bãi tắm sạch đẹp, nên thơ như: Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai, bãi biển Bình Châu và các khu du lịch sinh thái: Khu du lịch Thác Trắng- Minh Long, Khu du lịch Cà Đam- Trà Bồng…

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều vùng đất rộng lớn, trù phú trải dài rộng khắp trên địa bàn với hơn 300.000ha đất nông nghiệp, Quảng Ngãi đang có lợi thế để phát triển và mở rộng đa dạng hóa ngành nông nghiệp, tạo điều kiện để nhà đầu tư và người dân thuần nông cùng song hành phát triển trên chính ngành nghề vốn là cái nôi, là nền tảng lâu đời của tỉnh.

- Tỉnh xác định vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

- Cộng đồng doanh nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Điều này thể hiện khá rõ trong các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài việc đóng góp lớn vào nguồn ngân sách cho tỉnh, các dự án đầu tư đi vào hoạt động sẽ giải quyết được phần lớn lao động địa phương tạo điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện, Quảng Ngãi đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với số lượng dự án đầu tư tăng lên đáng kể trong 5 năm trở lại đây, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực. Trong đó, đáng kể là các dự án FDI. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 45 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,4 tỉ USD. Các dự án nổi bật như: dự án công nghiệp nặng Doosan Vina (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 310 triệu USD; dự án Khu phức hợp công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, sau 4 năm hoạt động đã thu hút được 14 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 199 triệu USD, hiện đã có một số dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động tại địa phương, đóng góp đáng kể vào tiến trình công nghiệp hóa - đô thị hóa tại Quảng Ngãi.

Tiến trình hội nhập đã và đang tạo ra sự năng động trong tình hình thu hút đầu tư của tỉnh, một số dự án lớn của Quảng Ngãi gần đây cũng đóng góp rất lớn trong sự phát triển của địa phương như: Dự án Khách sạn 4 sao Mường Thanh – Lý Sơn của Tập đoàn Mường Thanh, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát và một số tập đoàn lớn đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Central Thái Lan, Tập đoàn Vingroup, Công ty Saigontourist, Tập đoàn Triple Win (Thái Lan), Tập đoàn Kimin Power (Anh)...

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạiKhu công nghiệp Dung Quất là động lực phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi

- Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, Quảng Ngãi đã có những chủ trương, chính sách như thế nào, thưa ông?

- Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong việc kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư. Trong thu hút đầu tư sẽ chuyển nhận thức và hành động từ "quản lý doanh nghiệp" sang "hỗ trợ doanh nghiệp" thông qua việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường hoạt động quảng bá và xúc tiến đầu tư, phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước. Kêu gọi các dự án FDI vào KKT Dung Quất và các KCN trong tỉnh; các khu vực còn lại chủ yếu kêu gọi các dự án trong nước, các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, công nghiệp chế biến có quy mô hợp lý. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép để giúp các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án thuận lợi, tạo niềm tin và sự hài lòng của nhà đầu tư về môi trường đầu tư của tỉnh; đồng thời tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong việc kêu gọi các nhà đầu tư mới đến với Quảng Ngãi.

- Hiện nay, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Quảng Ngãi đang từng bước nỗ lực cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Trong những giải pháp để nâng cao PCI của địa phương, công tác cải cách thủ tục hành chính được nhà đầu tư rất quan tâm. Vậy Quảng Ngãi đã thực hiện công tác này như thế nào?

- Tỉnh Quảng Ngãi xác định việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp là động lực quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, những năm qua, tỉnh luôn quán triệt công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đơn giản hóa và kiên quyết loại bỏ những thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, niêm yết công khai tại bộ phận một cửa. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và xử lý thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tỉnh tập trung hơn nữa đến công tác nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức, viên chức trong việc xúc tiến đầu tư, trình quyết định chủ trương đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng bộ máy tổ chức thân thiện và chuyên nghiệp. Tỉnh xác định cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Song song đó, UBND tỉnh đã ban hành một số quy định có liên quan nhằm mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 31.7.2014 về Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh; Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 26.8.2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10.6.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những ưu đãi đầu tư chung của chính phủ, mới đây, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 36/2016/QĐ-UBND ngày 29.7.2016 ban hành quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại địa phương. Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 31.5.2016, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính, bảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước…

Hiện nay công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đang được tỉnh rất quan tâm, chú trọng, Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi rất tích cực triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổ chức đối thoại và trả lời trực tiếp với doanh nghiệp; thăm hỏi, chia sẻ, động viên doanh nghiệp, tôn vinh doanh nghiệp; tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân định kỳ hằng tháng để lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi, tiếp nhận những kiên nghị đề xuất những khó khắn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất xuất kinh doanh, từ đó có hướng chỉ đạo giải quyết.

Ngoài phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mà tiêu biểu là huyện đảo Lý Sơn

- Một trong những sự kiện mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đang rất quan tâm đó là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi 2017 sẽ được tỉnh tổ chức trong đợt này. Vậy tại hội nghị, những lĩnh vực đầu tư nào sẽ được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng kêu gọi?

- Trong năm 2017 và những năm tới, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thu hút những ngành nghề, lĩnh vực mà Quảng Ngãi có lợi thế, trong đó đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 cũng đã nêu rõ cần phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tích cực xúc tiến đầu tư, nhất là có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án; chú trọng dự án tạo giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ chú trọng thu hút kêu gọi trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, đô thị, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu có quy mô lớn, công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, ngành công nghiệp nặng; tiếp tục phát huy cơ chế lan tỏa thông tin thông qua các nhà đầu tư truyền thống của tỉnh để thu hút đầu tư. Ưu tiên khai thác các dự án của ngành dầu khí để từng bước phát triển KKT Dung Quất trở thành Trung tâm lọc - hóa dầu quốc gia theo quy hoạch được duyệt; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra một cơ cấu kinh tế phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi năm 2017 sẽ diễn ra vào ngày 20.10.2017 tại TP.Quảng Ngãi với sự tham dự của hơn 450 đại biểu.

Hội nghị với chủ đề “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và phát triển” sẽ giới thiệu những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư tại các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Các đại biểu tham gia hội nghị còn được tham quan triển lãm hình ảnh về những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh.

Dự kiến tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án gồm: Trang trại bò sữa Vinamilk, Trung tâm thương mại và siêu thị Hùng Cường Big C, Nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp Intersack Quảng Ngãi, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp, Nhà máy nhựa Phúc Hà-Dung Quất, Nhà máy sản xuất vải Xindadong TEXTILES-Dung Quất…

Với những cơ chế ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, cùng với thế mạnh của địa phương, ngoài 12 dự án được trao quyết định trong hội nghị lần này, tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực thực sự đầu tư vào địa bàn.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ rào cản, mở rộng đường mời gọi các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi