Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện trực thuộc và sở y tế các tỉnh thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp khắc phục.

Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở bệnh viện: Nỗi lo không chỉ riêng ai

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 15/07/2022, 12:10

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện trực thuộc và sở y tế các tỉnh thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp khắc phục.

Thiếu thuốc và vật tư y tế: Các văn bản chỉ đạo không còn phù hợp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay ngành y tế đang phải đối diện với những thách thức lớn khi: Dịch COVID-19 có biến thể mới lây lan nhanh hơn; bệnh sốt xuất huyết ở các tỉnh thành đang có những diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan rộng; các bệnh nguy hiểm khác như đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em… đang diễn biến phức tạp. Công tác mua sắm vật tư hóa chất còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ trong thẩm định giá vì việc thẩm định kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế còn kéo dài. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, ảnh hưởng không tốt đến người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh của ngành.

Điển hình tại tỉnh Lào Cai, một số bệnh viện đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị cục bộ trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán, nhiều người đã phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế để chữa bệnh. Đơn giản nhất như thuốc kháng sinh, thuốc trị đau đầu, máy test, que test tiểu đường, dây chuyền... cũng thiếu thốn ở ngay trong Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

dieu-tri-benh-nhan-covid-yen-4.jpg
Tình trạng khan hiếm và thiếu thuốc chữa bệnh xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước sau đợt dịch COVID-19

Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, tình trạng khan hiếm thuốc cục bộ trên địa bàn xảy ra ở một số chủng loại thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, vị thuốc cổ truyền. Đại diện Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc tại địa phương là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số đơn vị y tế. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn. Đơn cử như ở Viện Y học cổ truyền tỉnh Lào Cai đã tổ chức gói thầu mua vị thuốc y học cổ truyền phục vụ khám bệnh, chữa bệnh trong tháng 6.2022 thế nhưng không có nhà thầu có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia, do vậy đã phải hủy bỏ gói thầu này.

Nhiều chuyên gia y tế nhận định hiện nay việc thiếu thuốc và vật tư y tế ở các tỉnh thành đa số đều do những bất cập ở các văn bản chỉ đạo đến thời điểm này là không còn phù hợp. Liên quan đến thuốc, vật tư thì vấn đề đấu giá là chính, giá xây dựng kết hoạch lần sau buộc phải thấp hơn lần trước mà muốn đấu giá thuốc tốt thì lại không đảm bảo yêu cầu "giá rẻ". Các thông tư chỉ đạo liên quan đến việc đấu thầu thuốc, vật tư mặc dù mới ban hành nhưng đến bây giờ đã có những bất cập. Đơn cử nhất là việc lựa chọn các mặt hàng nhóm thuốc, vật tư y tế giữa châu Âu, châu Á tương đương nhau nên đấu giá rất khó khăn. Đến ngay cả các bệnh viện tuyến trung ương cũng còn thiếu thuốc, thiếu vật tư thì ở các bệnh viện tỉnh thành, điều đó còn xảy ra một cách nặng nề hơn.

tiem.jpg
Các nhân viên y tế đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) đến nay đã có 28 sở y tế báo cáo hiện tình trạng thiếu thuốc tại địa phương. Có 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Cùng với đó, có 26 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm. Đồng thời, có 14 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu: thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Trước tình trạng thiếu thốn về vật tư, trang thiết bị y tế, sở y tế các tỉnh thành cũng đã có mở những lớp tập huấn đấu thầu cho các đơn vị trong ngành. Thành lập những tổ hỗ trợ về hành lang pháp lý, chuyên ngành bao gồm các dược sĩ có kinh nghiệm đấu thầu để hỗ trợ các bệnh viện. Xây dựng các quy trình đấu thầu mẫu để các đơn vị thực hiện. Ngoài việc kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ sửa đổi các văn bản chỉ đạo thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị một cách phù hợp, các sở y tế cũng đã có những dự trù về tài chính để có thể chủ động hơn trong việc đấu thấu. 

Ngày 29.6 vừa qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã tổ chức buổi mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 đã được Bộ Y tế phê duyệt. Dự kiến trong tháng 7.2022, trung tâm sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét, kiến nghị… Dù ngành y tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng mỗi nhân viên y tế cần nỗ lực và chủ động hơn nữa để vượt qua khó khăn này, thực hiện sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở bệnh viện: Nỗi lo không chỉ riêng ai