Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4.11 đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên đến Bắc Kinh.

Thấy gì từ việc Thủ tướng Đức lần đầu sang thăm Trung Quốc?

Hoàng Vũ | 03/11/2022, 11:47

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4.11 đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên đến Bắc Kinh.

Theo Reuters, quan hệ thương mại sâu sắc đang ràng buộc hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á và châu Âu. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc khiến nhu cầu mua ô tô, máy móc của Đức cũng tăng mạnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của Đức trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2016.

Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức nghiên cứu Ifo có trụ sở tại Đức thực hiện cho thấy gần một nửa các công ty công nghiệp Đức hiện nay đang phụ thuộc đáng kể đầu vào từ Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra vào thời điểm phương Tây - đặc biệt là ở đồng minh an ninh hàng đầu của Đức, Mỹ - ngày càng lo ngại về các hoạt động trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc. Người dân Đức cũng lo lắng về trình trạng phụ thuộc của Đức vào các quốc gia khác vì vấn đề năng lượng.

"Điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi không bao giờ để mình phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia không chia sẻ các giá trị của chúng tôi", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với đài truyền hình ARD khi được hỏi về Trung Quốc.

Thủ tướng Olaf Scholz, người sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sẽ thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cũng như thảo luận về những lo ngại của Đức, theo một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết vào tuần trước.

Ông Scholz cũng hy vọng Bắc Kinh có thể giúp thuyết phục Nga chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, một quan chức chính phủ Đức nói với Reuters hôm 2.11. “Chuyến đi này là một chuyến đi khám phá để tìm hiểu quan điểm và hướng đi của Trung Quốc cùng những hình thức hợp tác có thể triển khai”, quan chức này nói.

Đức đã bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, chẳng hạn bằng cách cử một tàu chiến đến Biển Đông đang tranh chấp lần đầu tiên sau hai thập kỷ vào năm ngoái. Chính phủ của Thủ tướng Scholz hiện nay đang soạn thảo chiến lược Trung Quốc đầu tiên có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Scholz sẽ được tháp tùng bởi một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Đức bao gồm các giám đốc điều hành của các nhà sản xuất ô tô lớn như Volkswagen và BMW, hãng thiết bị công nghiệp Siemens, tập đoàn ngân hàng tư nhân Deutsche Bank, công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, theo các nguồn thạo tin.

Quyết định của nhà lãnh đạo Đức khi đi cùng một phái đoàn kinh doanh đến Trung Quốc cho thấy rằng Berlin đang tập trung vào hợp tác thương mại với Bắc Kinh. Tuần trước, Thủ tướng Đức cũng đã thông qua quyết định nội các cho phép Tập đoàn Vận tải biển Cosco của Trung Quốc đầu tư vào một nhà ga tại cảng Hamburg bất chấp sự phản đối từ các đối tác liên minh.

Các đối tác liên minh cấp dưới của Scholz gồm đảng Dân chủ Tự do và đảng Xanh (FDP), từ lâu đã tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn các thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức và quyết định hợp tác với Cosco đã gây ra phản đối kịch liệt.

Hơn nữa, các nguồn tin chính phủ Pháp và Đức nói với Reuters rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị với ông Scholz rằng họ sẽ cùng nhau tới Bắc Kinh để gửi tín hiệu về sự thống nhất cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) tới Bắc Kinh và phản đối việc Trung Quốc chỉ ưu tiên hợp tác với một số nước chứ không phải toàn khối. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức đã từ chối lời đề nghị của ông Macron, các nguồn tin cho biết.

Bài liên quan
Hai quân nhân Ukraine bị đâm tại Đức
Đài CNN đưa tin vào tối 27.4 có hai quân nhân Ukraine bị đâm thiệt mạng ở trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Murnau miền nam nước Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ việc Thủ tướng Đức lần đầu sang thăm Trung Quốc?