WTO mới đây đưa ra phán quyết rằng các mức thuế mà Mỹ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018, trị giá 400 tỷ USD, là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia, phán quyết này có thể không được thi hành nhưng đem lại nhiều lợi thế tinh thần cho Bắc Kinh.

Thấy gì từ việc WTO phán quyết chống Mỹ áp thuế với Trung Quốc?

18/09/2020, 17:37

WTO mới đây đưa ra phán quyết rằng các mức thuế mà Mỹ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018, trị giá 400 tỷ USD, là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu. Theo nhiều chuyên gia, phán quyết này có thể không được thi hành nhưng đem lại nhiều lợi thế tinh thần cho Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: CNN

Trung Quốc hồi tháng 7.2018 nộp đơn khiếu nại yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp với Mỹ liên quan đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh thuế hơn 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, dẫn tới chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày 15.9, WTO chính thức đưa ra phán quyết về khiếu nại của Trung Quốc liên quan đến các mức thuế bổ sung mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ USD.

Cụ thể, Ủy ban chuyên gia, do Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO (DSB) thành lập, đã phán quyết rằng các mức thuế mà Mỹ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018, trị giá 400 tỉ USD, là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu, đồng thời "khuyến cáo Mỹ cần đưa ra các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết của mình".

Dù phán quyết trên ủng hộ các khiếu nại của Trung Quốc, Washington có thể phủ quyết quyết định này bằng cách đưa ra kháng cáo trong vòng 60 ngày tới. Trong một phản ứng đầu tiên, Mỹ đã tuyên bố phán quyết trên là không công bằng và WTO đã thiên vị Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định đây là một chiến thắng hiếm hoi của Trung Quốc trước Mỹ tại WTO, tổ chức thường được cho là "thiên vị" Mỹ trong các tranh chấp thương mại. Thời gian vừa qua, Mỹ đã kiện Trung Quốc 23 lần tại WTO, trong đó 20 lần giành chiến thắng và 3 đơn kiện đang chờ xem xét.

"Trung Quốc cảm thấy được minh oan nhưng họ nhận được rất ít từ phán quyết này. Mỹ chắc đã lường trước kết quả này, vì vậy nó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các hành động trong tương lai của họ", John Gong, giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (UIBE) ở Bắc Kinh, cho biết.

Sau khi nhận được phán quyết, Mỹ đã từ chối đề cử thẩm phán mới thay thế các thẩm phán hết nhiệm kỳ của hội đồng phúc thẩm WTO. Điều ngày đồng nghĩa với nếu quyết định kháng cáo, như dự kiến, phán quyết của WTO sẽ bị vướng vào tình trạng lấp lửng về thủ tục và chưa thể thi hành.

Theo chuyên gia WTO tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, Kong Qingjiang, các quan chức Trung Quốc mà ông từng tiếp xúc “chắc chắn rất vui”, nhưng “biết rằng chiến thắng sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả pháp lý cụ thể nào". Ông Kong Qingjiang nhận định đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc phải đối mặt.

Các chuyên gia thương mại đã dự đoán trước được phán quyết này, vì cả đòn áp thuế của Mỹ lẫn hành động trả đũa từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước bị nhiều người coi là nằm ngoài quy tắc của hệ thống thương mại toàn cầu.

“Cộng đồng thương mại luôn biết các biện pháp của Mỹ không phù hợp với các quy định của WTO và kết luận của DBS khẳng định điều đó. Nó thực sự không có cơ sở pháp lý”, Tatiana Prazeres, cựu cố vấn cấp cao tại WTO và cựu Bộ trưởng Ngoại thương Brazil, hiện là chuyên gia tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (UIBE), cho hay.

Mỹ đã đưa ra lời biện hộ nói rằng thuế quan là “các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ”, thay vì phản đối rằng họ không đi ngược lại các quy định của WTO. Tuy nhiên, DSB đã không ủng hộ lời bào chữa vì không tìm thấy đủ bằng chứng hỗ trợ cho các tuyên bố này.

Phản ứng phát quyết của WTO, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bày tỏ sự hoan nghênh, nói rằng họ hy vọng phía Mỹ "sẽ hoàn toàn tôn trọng phán quyết của hội đồng và hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, đồng thời thực hiện các hành động thiết thực để cùng Trung Quốc và các thành viên WTO khác duy trì hệ thống thương mại đa phương".

Tổng thống Donald Trump hôm 15.9 nhắc lại lập trường rằng ông “không phải là người ủng hộ tuyệt đối với WTO”.

“Chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO vì họ đã quá dễ dãi với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét điều đó”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Các nhà phân tích nhận định phản ứng của Bắc Kinh mang tính ngoại giao và không có ngôn từ gay gắt, cho thấy họ đánh giá rằng sẽ không đạt được lợi ích gì nếu tiếp tục chọc giận ông Trump. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nền kinh tế lớn nhất đã đạt được hồi đầu năm nay, vốn là yếu tố mang tính xây dựng duy nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Qingyi Su, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho biết: "Trung Quốc không thể thực hiện các biện pháp trả đũa có thể làm xấu đi quan hệ song phương. Tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng chỉ có thể được giải quyết song phương".

Siqi Li, giáo sư tại Viện Trung Quốc về Nghiên cứu WTO về Trung Quốc, nói thêm rằng Bắc Kinh coi phán quyết của DBS là "giải pháp song song với các cuộc đàm phán song phương" nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.

"Phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO có thể cung cấp cơ sở pháp lý, trong khi các cuộc đàm phán song phương Mỹ - Trung có thể giải quyết các mối quan ngại chính trị và kinh tế nhất định. Vì hội đồng phúc thẩm của WTO đang tê liệt, kết quả cuối cùng của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào cách thức hai bên thỏa thuận thương mại giai đoạn một", Siqi Li nhận định.

Trong khi đó, mọi ánh mắt ở Bắc Kinh sẽ vẫn đổ dồn vào việc liệu Mỹ có quyết định rút khỏi WTO hay không. Tổng thống Donald Trump trước đây không ít lần công kích WTO và dọa sẽ rút khỏi tổ chức vì cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng và Washington không nhất thiết phải tuân thủ các quy định của WTO. Hồi đầu năm ngoái, Trump còn gọi WTO là "thảm họa".

Ông chủ Nhà Trắng đặc biệt chỉ trích những điều khoản WTO dành cho Trung Quốc khi họ gia nhập tổ chức, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ. Song thực tế, Mỹ từng nhiều lần giành chiến thắng trong các tranh chấp thương mại nhờ WTO.

"Không chỉ Trung Quốc, mọi thành viên tại WTO đều lo lắng rằng ông Trump sẽ rút khỏi tổ chức. Đây có thể là thảm họa đối với WTO", Sun Lei, người từng đại diện cho Chính phủ Trung Quốc trong các vụ kiện WTO, nói.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Một cơ sở thẩm mỹ bị đóng cửa đã cố tình thay tên để tiếp tục hoạt động trái phép
Sau khi bị xử phạt, đóng cửa 18 tháng, một cơ sở thẩm mỹ tại địa chỉ 57 Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10, TP.HCM đã thay tên công ty và mở phòng khám chuyên khoa da liễu mang tên “An Nhi” nhằm né việc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ việc WTO phán quyết chống Mỹ áp thuế với Trung Quốc?