Năm 2024 có nhiều cuộc bầu cử gây ảnh hưởng lớn tới toàn cầu, ở Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Pakistan, Nga, các nước khối Liên minh châu Âu... Nhưng có lẽ không cuộc bầu cử nào được chú ý, tạo ấn tượng mạnh như bầu cử tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Góc bình luận

Thấy gì xung quanh cuộc bầu Tổng thống Mỹ?

Nguyễn Văn Lạng 12/11/2024 12:25

Năm 2024 có nhiều cuộc bầu cử gây ảnh hưởng lớn tới toàn cầu, ở Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Pakistan, Nga, các nước khối Liên minh châu Âu... Nhưng có lẽ không cuộc bầu cử nào được chú ý, tạo ấn tượng mạnh như bầu cử tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng lớn nhất nước Mỹ là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bao giờ cũng quyết liệt, một mất một còn. Nhưng có lẽ trong xã hội Mỹ, vai trò các nhà tài phiệt và một thế giới siêu quyền lực mềm ở Washington đã tạo ra những gay cấn tới phút chót. Chỉ có thể nói rằng đầy kịch tính, căng thẳng và hồi hộp.

Với các cuộc thăm dò và qua truyền thông nhà nước, truyền thông chính thống trước khi kết quả ngã ngũ, đã rất nhiều người cả ở Mỹ lẫn trên thế giới đều nghĩ bà Kamala Harris sẽ thắng cựu tổng thống Donald Trump. Sau cuộc ám sát, viên đạn bắn chảy máu tai cựu tổng thống 45 của Mỹ ngày 13.7, thì ngay sau đó, ngày 16 - 17.7 tại Chicago, đảng Cộng hòa mới hoàn toàn tin tưởng, giới thiệu Donald Trump đại diện ra ứng cử tổng thống khi ông đã ở tuổi 78.

Ông Trump bị quá nhiều sức ép, nhất là đời tư với các vụ tranh chấp pháp lý, kiện tụng mà Bộ Tư pháp của chính quyền Biden liên tục réo tên và xử lý. Nhưng có lẽ các vụ ấy nằm ngoài thời gian khi ông Trump là tổng thống thứ 45 của Mỹ. Tư cách, tư chất quyết liệt của một doanh nhân, một tỷ phú và những gì ông để lại ở nhiệm kỳ trước đã khiến ông có thêm niềm tin với cử tri Mỹ. Đáng chú ý nhất là những vấn đề thể hiện "tính cách Trump" như phát triển kinh tế để đất nước hùng mạnh, kêu gọi đầu tư, nước Mỹ trên hết, nước Mỹ vĩ đại trở lại, cấm phá thai, ngăn cản bằng pháp lý và cả bỏ cả tỉ đô xây bức tường ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp...

Ông Trump có quyền tự hào và lợi thế của ông là 4 năm làm tổng thống nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 45), ông không phát động chiến tranh và không để xảy ra cuộc chiến tranh nào. Ông không ra mặt chống Nga. Ông chỉ ra Trung Quốc mới là đối thủ đáng gờm nhất đe dọa vị trí siêu cường số 1 về kinh tế, khoa học công nghệ và cả quân sự của Mỹ. Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra cuộc chiến kinh tế mà chủ yếu là thương mại. Mỹ sẽ dùng hàng rào thuế quan, hàng rào công nghệ, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ... để ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc, không cho vượt mặt Mỹ.

Rồi là các dung hòa ở Trung Đông, Đông Á; những xử lý ngoại giao thực dụng qua cách tiếp cận khá chuẩn với những nhà lãnh đạo Triều Tiên, Nga, Iran, Ấn Độ… Nhìn chung ông ấy khá thành công. Kinh tế Mỹ khá ổn. Ngay cả chuyện ông làm tổng thống nhưng chỉ nhận lương tượng trưng 1 đô la cũng gây thuyết phục trong xã hội. Đó là các lợi thế của ông Donald Trump trong cuộc đua căng thẳng và quyết liệt.

Đối thủ của ông Trump, bà Phó tổng thống Kamala Harris có nhiều lợi thế hơn. Bà đương tại vị phó tổng thống, là phụ nữ, là người da màu… Đã có nhiều tỷ phú hàng đầu nước Mỹ, cả những người đứng đầu giới truyền thông và nhiều hãng truyền thông lớn nhất nước Mỹ ủng hộ bà Harris, chống lại ông Trump...

Có điều, mãi tới khi tranh luận tay đôi với cựu tổng thống Donald Trump không thành công hồi tháng 6, mãi tới giữa tháng 7 Tổng thống Biden mới từ bỏ ý định tái tranh cử và giới thiệu bà Harris ra ứng cử. Bà Kamala Harris chỉ có quỹ thời gian tranh vận động tranh cử 4 tháng. Dù nhiều nhân vật nổi tiếng Mỹ như cựu Tổng thống Barack Obama, các cựu lãnh đạo Mỹ thuộc đảng Dân chủ, các nhân vật nổi tiếng ủng hộ cả tinh thần lẫn tiền bạc… nhưng sự rút lui của ông Biden quá chậm đã đẩy ứng cử viên Kamala Harris vào thế bất lợi.

Lúc đầu bà thắng thế ở gần như các bang chiến địa nước Mỹ, nhưng sau đó thế đã lật ngược ở gần cuối ván cờ lớn nhất này. Bà đương kim phó tổng thống phải tuyên bố thua cuộc và gửi lời chúc mừng ông Donald Trump thắng cử với 312 phiếu đại cử tri. Bà Kamala Harris thua cuộc vì còn non về chính trường và cả khách quan nữa khi gặp đối thủ già dơ và lão luyện với đội quân chuyên nghiệp và sự ủng hộ của các tỷ phú… trong đó đáng chú ý là Elon Musk. Nghe đâu bà phó tổng thống sau thất bại còn bị món nợ của cá nhân 20 triệu USD. Khổ! Theo các thông tin, dự án huy động tài chính cả tỉ đô la thất bại đang kéo theo sự chỉ trích và hăm dọa, trách móc, đòi lại tiền đã góp. Đúng là “tiền mất tật mang” với đương kim phó tướng của ông Biden.

Với thông tin đang lan truyền, chỉ sau 3 ngày ông Trump tuyên bố thắng cử tổng thống Mỹ, hàng loạt tác động trong nước và quốc tế đã cho thấy sự tích cực của việc ông trở lại Nhà Trắng, xem như rất đáng ghi nhận, khích lệ. Thị trường chứng khoán phố Wall đạt mức cao kỷ lục. Đoàn người di cư ở biên giới tự tan rã. Hamas kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Sau 27 phút ông Trump đắc cử, nhóm Houthi cầu xin ngừng bắn. Qatar trục xuất lãnh đạo Hamas. Một số công ty lớn của Mỹ muốn rời khỏi Trung Quốc. Trung Quốc muốn hòa bình với Mỹ. Khả năng Nga muốn chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, sẽ bán dầu-khí đốt khi EU muốn mua sớm để tránh thuế quan của Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ 3 khó có cơ hội xảy ra. 50 nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi lập thế trận quốc phòng, tránh phụ thuộc vào Mỹ (tại cuộc họp ở Budapest, Hungary ngày 7.11). Ông Donald Trump còn đưa ra 10 hành động để tiêu diệt nhà nước ngầm ở Mỹ. Tổng thống Biden đã chúc mừng ông Donald Trump thắng cử và ngày 13.11 mời ông vào Nhà Trắng để bắt đầu thảo luận kế hoạch bàn giao.

Thế giới vui vẻ, hào hứng, và không ít lo ngại, buồn lo. Tất nhiên thôi: Chính trị mà, nhất là lúc này quốc tế đang quá nhiều vấn đề đáng lo về chính trị, kinh tế, an ninh, quân sự, ngoại giao, tranh giành quyền lực, xung đột, chiến tranh.

Trong lịch sử hơn 300 năm nước Mỹ, đây là lần thứ 2 có một tổng thống tái đắc cử sau một nhiệm kỳ không trúng cử "nghỉ giải lao" chờ nhiệm kỳ sau. Và cũng không có ai như ông Donald Trump, trong khi chờ đợi, ứng cử, tranh cử mà 3 lần bị ám sát, 4 lần bị bắt giam, 3 lần bị luận tội, 91 lời cáo buộc… Ông sẽ ghi vào lịch sử nước Mỹ và nhân loại nếu sau ngày 20.1.2025 chính thức điều hành đất nước với các tuyên bố “tôi sẽ không khởi động chiến tranh mà sẽ ngừng các cuộc chiến tranh”, "Tôi sẽ đưa nước Mỹ mạnh trở lại”; “Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh tại Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ”…

Và chắc là các cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc bằng hàng rào thuế quan, công nghệ, xuất xứ hàng hóa... sẽ vô cùng gay gắt. Ông Trump cũng sẽ yêu cầu NATO tăng kinh phí quân sự lên 3% (trong khi hiện tại 2%, mà chỉ 23 thành viên có tiền đóng đủ), cả việc xem xét vai trò của tổ chức Bắc Đại Tây Dương này. Chắc chắn còn nhiều tuyên bố to tát nữa khi ông đang phấn chấn. Thế giới đua nhau chúc mừng tân tổng thống 47 của Mỹ, chúc mừng ngài Donald Trump!

Châu Âu đang nhao nhác bởi tình hình nước Đức. Khi mà 3 đảng Dân chủ xã hội, Tự do, Xanh - liên minh hình thành chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã bất đồng rút khỏi chính phủ. Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier tuyên bố giải tán quốc hội và chính phủ để sớm bầu lại, chậm nhất vào tháng 1.2025.

Nhiều đảng cánh tả, trung tả ở hàng chục nước châu Âu suy yếu, mất uy tín và phải nhường ngôi cho các đảng cực hữu. Nhiều mâu thuẫn quyền lợi hiện hữu và lịch sử đang làm châu Âu chia rẽ sâu sắc. Kinh tế châu Âu suy thoái trầm trọng lúc này là bất lợi. Nhiều nước người dân đang biểu tình….

Nước Mỹ năm 2025 có phát triển, thế giới cũng sẽ nhiều biến đổi? Chờ coi thế cuộc xoay vần.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'xé rào' bán hàng ở Việt Nam: Cần tăng cường phòng vệ thương mại
"Cơn bão" Temu không chỉ là hiện tượng mua sắm trực tuyến mà còn là lời cảnh báo về những thách thức trong quản lý và bảo vệ nền kinh tế nội địa.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì xung quanh cuộc bầu Tổng thống Mỹ?