Về Củ Chi, người dân và học trò nghèo ở đây hay kể câu chuyện những thầy giáo ở Trường THPT Quang Trung chuyên đi xây nhà, giúp đỡ học trò nghèo đến lớp.
Đó là căn nhà đầu tiên khởi đầu hành trình xây nhà tình thương cho học trò nghèo Củ Chi của thầy trò Trường THPT Quang Trung. Mới lo xong căn nhà cho Cải, lại có một học trò khác cha bệnh nặng, nhà sập không có chỗ trú mưa. Thầy Lê Đình Hoe sau giờ dạy lại rong ruổi đạp xe đi xin tiền sửa nhà cho đứa học trò khốn khó. Thêm một em nữa nhà bị tốc mái, thầy lại kiếm thêm vài triệu để sửa nhà... Tiếng lành đồn xa, người dân và học trò ở xã nghèo xung quanh cứ truyền nhau câu nói: Không có nhà thì gắng học giỏi, vô trường Quang Trung, thấy Hoe cất nhà cho!
Với cương vị là Chủ tịch Hội khuyến học, thầy Hoe cùng đồng nghiệp bắt tay tạo mái ấm cho học trò nghèo. Từ những căn nhà năm triệu đồng, dần dà có những căn nhà khang trang trị giá hơn 80 triệu đồng lần lượt được trao. Cứ đều đặn mỗi năm, thầy Hoe và Hội Khuyến học vận động được một - hai căn nhà. Không chỉ riêng học sinh Trường THPT Quang Trung, học sinh nghèo ở các trường thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng được giúp đỡ.
Vận động, góp tiền xong, thầy Hoe còn trực tiếp đi khảo sát đất đai, vị trí xây nhà, theo dõi việc xây dựng, thậm chí kiêm luôn vai trò... kiến trúc sư. "Tôi thiết kế tay ngang nên kiến trúc sư đọc không nổi đâu, chỉ có thợ biết xây thôi" thầy Hoe dí dỏm. Một ngày trước khi nhập viện phẫu thuật, thầy vẫn đi khảo sát nền móng kịp xây nhà cho học trò trước mùa mưa đến. Xuất viện về nhà chưa được mấy ngày, thầy đã thấy lo lắng không yên. Bác sĩ cấm không cho chạy xe vận động mạnh, thầy bèn kêu thầy Cải chở đi xem tiến độ xây dựng vì chỉ lo làm không kịp giao nhà cho gia đình tránh mưa.
Thầy trăn trở: "Một ngôi nhà trao đi gói ghém cả tình thương, niềm tin của xã hội dành cho các em. Khó khăn cũng có nhưng với chúng tôi, mọi chuyện rồi sẽ qua. Học trò nghèo thì nhiều nhưng khả năng của chúng tôi có hạn. Nhìn những căn nhà tranh vách lá biến thành ngôi nhà kiên cố, những giọt nước mắt hạnh phúc ngày nhận nhà, lòng tôi và các giáo viên thấy ấm áp. Tôi nguyện dù đã nghỉ hưu hay già hơn nữa, tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ, không để học trò nghỉ học chỉ vì không có tiền".
Nối nghiệp
Thầy Cải nhẩm tính: "Từ năm 2000 bắt đầu triển khai mô hình này đến nay, Hội Khuyến học của trường đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ xây tặng 39 căn nhà tình thương trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Sắp tới là căn thứ 40 cho một em hoàn cảnh rất ngặt nghèo". Khi thầy Cải đầu quân về trường, mẹ thầy vẫn nửa tỉnh nửa mê, người chị gái lâm bệnh rồi qua đời để lại hai đứa con cho thầy gồng gánh. Nhà nghèo nhưng thầy Cải vẫn lao vào lo... chuyện bao đồng. Đóng góp tiền lương chưa đủ, thầy còn tìm kiếm, giới thiệu học sinh khó khăn cho chương trình Ngôi nhà mơ ước, để xây nhà tình thương cho học trò. Người không thích thì ngọt nhạt, người thân tình thì khuyên thầy nên lo cho gia đình đầy đủ rồi hãy tính, nhưng thầy khẳng khái trả lời: "Chỉ có người trong cuộc mới hiểu, có mặc áo rách mới thương người rách áo.Từng sống trong căn chòi dột nát mới biết một mái nhà lành lặn cần thiết đến mức nào".
Cuộc sống của thầy Cải từ nhỏ đã không êm đềm. Bản thân thầy một buổi đi học, buổi còn lại phải đi chăn trâu, bán báo, mò cua bắt ốc để có cái ăn qua ngày.
Ngay từ những ngày đầu về trường, ý định thành lập Hội Khuyến học khuyến tài giúp đỡ học sinh trong trường nung nấu trong lòng thầy Cải. Chưa đầy nửa năm, ý tưởng thành hiện thực. Từ đó đến nay, có gần 3.000 học sinh vượt khó học giỏi được cấp học bổng gần ba tỷ đồng; hàng trăm học sinh được hỗ trợ xe đạp, học bổng để đi học cao hơn... Bản thân thầy Cải cũng được học trò gọi bằng cách gọi thân thương: Thầy Cải của học trò nghèo. Khi học trò có khó khăn, bất kể ngày đêm, chỉ cần các em gọi, thầy đều đến để san sẻ khó khăn. Thầy cũng nghèo nên tấm lòng của thầy là bịch đường, vài ký gạo, là những lời động viên lúc khốn khó.
Đa phần những học sinh nhận được sự giúp đỡ của thầy Hoe, thầy Cải đều có sự thành đạt nhất định. Có người theo nghiệp đưa đò của các thầy, tiếp tục giúp đỡ học sinh nghèo. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, thầy Hoe, thầy Cải kể tên và hoàn cảnh của từng em. Trần Thị Kim Liên và Trần Minh Trực nhận nhà năm 2003 có mẹ bị bệnh tâm thần, hai chị em phải đi hái rau, bắt ốc, phụ bán hàng cho hàng xóm để có cơm đem về cho gia đình. Bây giờ, Kim Liên là giáo viên dạy văn tại Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), đoạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu của TP; Trực trở thành điều dưỡng ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Rồi Trần Thị Thảo Nguyên sau khi du học đã định cư và công tác ở Hàn Quốc... Khi thành công, họ lại tiếp tục nối nghiệp những người thầy "đa mang" của mình, đóng góp xây dựng nhà tình thương cho những học sinh nghèo khác.
15 năm kể từ căn nhà tình thương đầu tiên, những ngày này, căn nhà thứ 40 đang được thầy Hoe, thầy Cải gấp rút khảo sát, vận động để kịp xây cho học sinh mái ấm tươm tất.
Tiêu Hà/ Theo Phụ nữ TP.HCM