Vào thập niên 1960, trên các tạp chí khoa học quốc tế (Anh ngữ) chỉ lác đác một vài công trình nghiên cứu từ Việt Nam. Đến đầu thập niên 1990, công bố ISI có địa chỉ Việt Nam mới ngấp nghé con số 100, phần lớn nhờ hợp tác với các đồng nghiệp phương Tây, số công trình nghiên cứu thực hiện ngay tại Việt Nam chỉ chưa đầy một nửa. Khoa học Việt Nam lúc này kể như mới chập chững đi theo thế giới. Nhiều nước trong khu vực đã đi trước ta khá xa.

Thầy Hoàng Tụy, ngọn đuốc khoa học tiên phong

Theo Người đô thị | 19/07/2019, 10:27

Vào thập niên 1960, trên các tạp chí khoa học quốc tế (Anh ngữ) chỉ lác đác một vài công trình nghiên cứu từ Việt Nam. Đến đầu thập niên 1990, công bố ISI có địa chỉ Việt Nam mới ngấp nghé con số 100, phần lớn nhờ hợp tác với các đồng nghiệp phương Tây, số công trình nghiên cứu thực hiện ngay tại Việt Nam chỉ chưa đầy một nửa. Khoa học Việt Nam lúc này kể như mới chập chững đi theo thế giới. Nhiều nước trong khu vực đã đi trước ta khá xa.

Song, cũng từ những năm 1960, một hiệp sĩ khoa học người Việt đã làm rạng danh đất nước trên mặt tiền khoa học thế giới qua những công trình nghiên cứu khai sinh ra toán học tối ưu toàn cục và lưu tên mình lên phát minh: “Tuy's cut”(lát cắt Tụy).

Đó là thầy Hoàng Tụy.

Bao thế hệ nghiên cứu toán học tối ưu trên thế giới hẳn không khỏi tò mò với cái tên lạ lẫm này. Làm sao họ hiểu được “Tuycut” được phát minh ra từ một đất nước đang mịt mù khói đạn chiến tranh, bởi một nhà khoa học chỉ được khẩu phần gạo 13kg hằng tháng, lại phải luôn đương đầu với những chỉ trích “thiếu quan điểm giai cấp đối với sinh viên” trên cương vị chủ nhiệm khoa toán lúc bấy giờ. Lần theo những năm tháng trước nữa, họ lại càng ngỡ ngàng hơn khi biết thầy chưa bao giờ được học qua trường đại học.

Thầy Tụy là tấm gương tự học.

Thầy tự học để lấy chứng chỉ toán đại cương năm 1950. Ở Liên khu V lúc này Thầy đã là đỉnh cao toán học, chẳng có ai giỏi hơn để học hỏi. Thầy đi bộ ra miền Bắc, rồi sang Khu học xá Nam Ninh, có làm việc với Giáo sư Lê Văn Thiêm mới từ Pháp về, nhưng không tham dự các lớp khoa học cơ bản ở đó. Năm 1957, Thầy sang Liên Xô làm thực tập sinh tại Đại học Lômônôxốp, lúc này Thầy mới chính thức có người hướng dẫn mình. Suốt đời tự học, nhưng Thầy không đồng tình với ý kiến tuyệt đối hóa phép mầu tự học: “Thế thì nhà trường để làm gì? Bản thân tôi, nhiều lúc lấy làm tiếc là mình không có cơ hội được học, nên phải tự học”.

GS.Hoàng Tụy và nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich - chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974 - Ảnh: tư liệu

Sau phát minh khoa học để đời “Tuy cut”, thầy vẫn liên tục sáng tạo. Đăng bài mới và viết sách tham khảo về tối ưu toàn cục. Các tác phẩm của thầy được trích dẫn rất nhiều, ở khắp nơi. Ở tuổi 90, nặng tai, đi lại khó khăn, thầy vẫn suốt ngày cặm cụi trước máy tính để gửi đi các bài mới, khi thì một mình, khi cùng học trò, đồng nghiệp trong và ngoài nước, Đây là lẽ sống… chừng nào mình còn sống, thầy nói.

Những năm gần đây, công bố ISI từ Việt Nam tăng tốc với hàng nghìn bài báo hằng năm. Giới trẻ gửi bài ngày càng nhiều, chiếm chỗ đứng rộng khắp trên mặt tiền khoa học thế giới. Nhưng ngọn đuốc Hoàng Tụy ở tuổi 90 vẫn sáng. Đến bao giờ một nhà khoa học Việt Nam nào đó mới phá được kỷ lục này của Thầy?

Chính cái lẽ sống ấy đã làm nên một Hoàng Tụy không thể khác được. Thành danh rất sớm, ngay từ thời chiến tranh chống Pháp ở Liên khu V, cả nhà năm anh em đều tham gia kháng chiến trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, tốt nghiệp tiến sĩ trong số một vài người ít ỏi từ năm 1958 ở trường đại học danh giá Lômônôxốp, rất quen thân với các bậc khai quốc công thần như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…, bao nhiêu thuận lợi để Thầy bước lên những nấc thang quan lộ ở Việt Nam, như nhiều trí thức nổi danh đương thời. Nhưng Hoàng Tụy đi theo lối khác. Quá đam mê toán học cộng với cái chất Quảng thấm đậm từ bao đời của những kiệt nhân xứ Quảng họ Hoàng, họ Phan, Thầy muốn yêu toán hết mình, mà không bị xúng xính trong cân đai áo mão để được tự do nói lên chính kiến về những điều cần cho dân, cho nước.

GS. Hoàng Tụy được coi là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng -Ảnh: tư liệu

Thầy luôn lên tiếng về các vấn đề khoa học và xã hội của đất nước. Và đây lại là một Hoàng Tụy rất độc đáo so với nhiều nhà khoa học khác ở nước ta. Với sức thu hút của mình, Thầy tập hợp nhiều nhà khoa học và trí thức có uy tín trong nước thảo luận về giáo dục và kiến nghị với nhà nước xem chấn hưng triệt để và toàn diện giáo dục là mệnh lệnh từ cuộc sống. Bộ trưởng Giáo dục đã mời nhóm về thảo luận ngay trong cơ quan Bộ để nhiều cán bộ quản lý được trực tiếp nghe ý kiến của các nhà khoa học. Thủ tướng Phan Văn Khải đã mời một số người trong nhóm tháp tùng Thầy đến báo cáo về kiến nghị.

Chuyên sâu về toán học tối ưu, Thầy thấu hiểu tính phức tạp trong quy luật phát triển của các hệ thống kinh tế, xã hội, nơi chỉ có lời giải tối ưu mà không hề có lời giải tuyệt đối đúng, do đó mọi ý kiến xây dựng, nghiêm túc cần được tôn trọng lắng nghe, phân tích. Thầy kiên trì cổ vũ và đi tiên phong trong các phản biện dân sự, lời lẽ dễ hiểu nhưng sắc bén, chỗ đứng vững chãi nhưng không vượt quá làn ranh đỏ để trở thành cực đoan, đối lập. Tuy tuổi cao, thầy vẫn nhận lời làm chủ tịch Hội đồng Viện Chiến lược Phát triển IDS, một viện nghiên cứu dân sự bao gồm nhiều trí thức tên tuổi do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xướng.

Cho dù đối với một số người trong chính quyền, những tiếng nói của Thầy nhiều lúc không dễ nghe, song thầy vẫn kiên trì. “… Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, cho dù lời nói làm bất bình bất cứ ai, có lẽ đó là ưu điểm của tôi, còn khuyết điểm thì chắc nhiều lắm…”.

Về cuối đời Thầy càng bị nặng tai. “Đã lâu rồi mình không thể tâm sự được với ai, mà cũng chẳng ai có thể tâm sự với mình, cô đơn lắm!”, Thầy bày tỏ nỗi buồn với người học trò này trong một dịp hội thảo ởHội An. Trách cho Ông Trời đã cho, mà không chịu cho hết!Ngẫm hay muôn sự tại Trời. Không cho ai hết để đời cân phân...

Thầy để lại một sự nghiệp khoa học đồ sộ, nhiều cung bậc công danh rạng ngời, hiếm ai đạt được. Song nền giáo dục mà Thầy là một trong những thợ xây ưu tú hơn 60 năm trước vẫn ngổn ngang bao vấn nạn. Còn bao nhiêu việc muốn làm, không làm được, mà phải ra đi. Âu cũng là ý Trời! May mắn thay, Thầy chiêm nghiệm ra ý Ông Trời “… công danh sự nghiệp chỉ là chuyện phù vân” để thanh thản ra đi.

Thầy trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ chiều 14.7.2019, thọ 92 tuổi.

Ngọn đuốc khoa học Hoàng Tụy đang le lói đâu đó ở cõi vĩnh hằng.

Theo Phạm Duy Hiển/Người đô thị
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy Hoàng Tụy, ngọn đuốc khoa học tiên phong