Chiều 8.2, Bộ Y tế ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước.

Thêm 21.909 ca nhiễm mới, Hà Nội có hơn 2.900 ca COVID-19

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 08/02/2022, 18:06

Chiều 8.2, Bộ Y tế ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.903), Nghệ An (1.717), Hải Dương (1.245), Thanh Hóa (998), Hòa Bình (944), Bắc Ninh (897), Vĩnh Phúc (891), Nam Định (886), Đà Nẵng (854), Hải Phòng (830), Phú Thọ (769), Thái Nguyên (649), Bình Định (571), Bắc Giang (498), Thái Bình (398), Quảng Nam (364), Lâm Đồng (352), Quảng Ninh (336), Ninh Bình (332), Đắk Lắk (313), Hà Tĩnh (299), Tuyên Quang (265), Thừa Thiên Huế (252), Quảng Bình (242), Hưng Yên (240), Cà Mau (227), Quảng Trị (225), Gia Lai (220), Kon Tum (207), Hà Nam (189), Khánh Hòa (183), Lào Cai (183), Bình Phước (181), Quảng Ngãi (177), Sơn La (175), Lạng Sơn (166), Bà Rịa - Vũng Tàu (161), Yên Bái (158), Đắk Nông (146), Phú Yên (137), TP.HCM (116), Hà Giang (107), Cao Bằng (105), Lai Châu (99), Vĩnh Long (88), Bình Thuận (72), Bến Tre (70), Tây Ninh (67), Kiên Giang (59), Trà Vinh (57), Bạc Liêu (52), Bắc Kạn (39), Đồng Tháp (34), Sóc Trăng (30), Cần Thơ (28), Điện Biên (21), Bình Dương (19), Tiền Giang (17), Ninh Thuận (9), Long An (9), An Giang (9), Hậu Giang (9), Đồng Nai (5).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.380.695 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).

tiem-tai-nha-18.jpg
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân ở Hà Nội

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 4.397 ca và số bệnh nhân tử vong là 97 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.521 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tại Hà Nội ghi nhận 2.903 ca bệnh mới trong đó có 569 ca cộng đồng. Bệnh nhân COVID-19 mới phát hiện phân bố tại 486 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (109), Chương Mỹ (106), Nam Từ Liêm (95), Long Biên (91), Đông Anh (89). Như vậy từ ngày 29.4.2021 đến nay Hà Nội có 157.073 ca bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tới hết ngày 7.2, thành phố không còn điểm phong tỏa. Có 51.224 bệnh nhân đang điều trị, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 158 ca, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 173 ca, các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị 2.254 ca. Ngoài ra, các cơ sở thu dung thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện chỉ còn hơn 550 ca bệnh. Số F0 theo dõi, điều trị tại nhà là 48.081 người.

Hôm qua, có 16 ca bệnh ở Hà Nội tử vong, nâng tổng số tử vong từ 29.4.2021 đến nay là 779 ca. Phòng khám hậu COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) ngay sau Tết tiếp nhận nhiều F0 khỏi bệnh tới khám, trong đó có nhiều người trẻ tuổi và trẻ em. Nhiều người đi khám chỉ vì lo lắng, dù không có dấu hiệu quá nặng.

Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa. Trước việc học sinh quay trở lại trường học, công nhân trở lại nhà máy, cơ quan, công sở... sau dịp Tết, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... nhất là khi đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường, người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT-DL, Bộ GD-ĐT triển khai các hoạt động liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho cấp phép nhập cảnh, mở cửa du lịch và mở cửa trường học an toàn cho học sinh trở lại trường.

Cũng trong ngày 8.2, Bộ Y tế yêu cầu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế từ 15.3.2022. Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01.01.2022 đến trước ngày 15.3.2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Quy định này áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; các tổ chức, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm 21.909 ca nhiễm mới, Hà Nội có hơn 2.900 ca COVID-19