Một bé trai 12 tuổi (ngụ tỉnh Kon Tum) mắc bệnh bạch hầu ác tính bị biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao suy thận, chỉ chưa đầy 1 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhi đã tử vong.
Đã có 68 ca dương tính: Vì sao dịch bệnh bạch hầu bất ngờ gia tăng?
Bệnh bạch hầu bùng phát, Bộ Y tế ra công điện khẩn
Người mắc bệnh bạch hầu xin về nhà chờ... chết vì không được bảo hiểm y tế
Chiều 14.9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay, sau 1 ngày điều trị căn bệnh bạch hầu ác tính bị biến chứng suy tim, suy thận, bệnh nhi A.N. (nam, 12 tuổi, ngụ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã tử vong.
Bệnh nhi N. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào sáng 13.9, trong tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhi này mắc bệnh bạch hầu được 7 ngày, và bệnh nhi này cũng chưa tiêm ngừa vắc xin bạch hầu.
TS.BS Phan Tứ Quí - Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết ngay khi nhập viện, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị hoại tử cơ tim rất nặng.
Ngay lập tức bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc vận mạch. Tuy nhiên tình trạng bệnh vẫn tiếp tục diễn biến xấu, các bác sĩ phải lên phương án cho bệnh nhân ECMO (máy tạo tim phổi nhân tạo). “Khi chúng tôi đang tiến hành chuẩn bị chạy ECMO thì bệnh nhi đã tử vong”, bác sĩ Quí nói.
Theo bác sĩ Quí, tính từ tháng 6.2020 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 3 tử vong vì căn bệnh bạch hầu. Tất cả các bệnh nhân tử vong đều có thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương, và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết, hiện bệnh viện này còn đang điều trị một bệnh nhi mắc bạch hầu trong tình trạng khá nặng. Bệnh nhi này là cháu A.P. (nam, 6 tuổi, ngụ huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) đang điều trị tại Khoa Khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em.
Bệnh nhi này lúc nhập viện rối loạn nhịp tim, men tim cao, viêm cơ tim suy thận. Tại đây, các bác sĩ tiến hành điều trị nội khoa dùng thuốc vận mạch. Sau một tháng, bệnh nhi ổn định nhưng lại xuất hiện biến chứng thần kinh gây liệt chân tay, cơ hô hấp, phải thở máy. Tuy nhiên đến sáng nay (14.9) bệnh nhi đã cai máy thở, phản xạ và nhận thức tốt. “Khả năng cứu sống bệnh nhi P là khá cao, vì bé đã vượt qua giai đoạn biến chứng tim. Hiện bệnh nhi chỉ còn biến chứng thần kinh, nhưng điều này không đáng ngại”, bác sĩ Quí chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng có mức độ nguy hiểm được gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan chóng mặt có thể tạo ra đại dịch. Đây là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xuất hiện giả mạc tại hạnh nhân, hầu họng, dây thanh quản... Ngoài ra, bạch hầu còn xuất hiện ở những nơi khác như da, niêm mạc mắt hay cơ quan sinh dục.
Bệnh nhân mắc bạch hầu thường có triệu chứng diễn ra trong khoảng 2 đến 5 ngày, kể từ khi phơi nhiễm. Giai đoạn đầu bệnh nhân có dấu hiệu đau họng, ho và sốt nhẹ kèm theo ớn lạnh và diễn biến trầm trọng hơn theo thời gian. Đây là những khá giống với cảm lạnh, nên nhiều bậc phụ huynh không nhận biết trẻ đang bị phơi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Trước tình hình nhiều ca mắc bệnh bạch hầu thể ác tính, nhiều biến chứng nguy hiểm, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh cần đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch, khi phát bệnh cần khẩn trương cấp cứu.
Hồ Quang