Việc một số sản phẩm thép của Việt Nam bị điều tra, khởi kiện, áp thuế cao dẫn đến cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn, có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào liên quan cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Thép Việt bị điều tra, khởi kiện: Hậu quả kéo dài nhiều năm

10/03/2020, 15:25

Việc một số sản phẩm thép của Việt Nam bị điều tra, khởi kiện, áp thuế cao dẫn đến cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn, có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào liên quan cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhiều vụ thép Việt bị điều tra, khởi kiện bởi các nước nhập khẩu - Ảnh minh họa

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia (MITI) sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong thời gian 120 ngày, bắt đầu tính từ ngày 26.8.2019, với mức tương đương với biên độ bán phá giá sơ bộ dành cho Việt Nam là 3,7-20,13%.

Hay như với Canada, số liệu hải quan của Canada cho hay, các sản phẩm thép trong chương 72 xuất khẩu từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Trong đó, nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép phẳng mạ phủ với kim ngạch 6 tháng 2019 đạt khoảng 94 triệu đô la Canada. Việc này khiến thép Việt Nam đối mặt với nguy cơ kiện tụng từ nước này.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có trên 120 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, có đến trên 80% liên quan đến ngành thép, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá. Hiện đã có đến 11 thị trường đã khởi kiện thép Việt Nam là Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu và một số đang xem xét khởi kiện như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan...

Đáng nói, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 6 vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp trong lĩnh vực thép tính từ năm 2018 đến nay của các nước, Trung Quốc có mặt 5/6 vụ việc với cùng sản phẩm bị kiện tương tự như Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thép, việc gia tăng xuất khẩu thép vào Canada là do tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cũng như không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Canada.

Cục Phòng thương mại, Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị Hiệp hội Thép xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép sang thị trường Canada, tránh tăng trưởng quá nóng làm tăng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (bao gồm cả chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp); Tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại; thường xuyên liên lạc với Cục PVTM để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.

Theo Luật Sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, nguyên nhân của tình trạng sản phẩm thép bị điều tra, kiện tụng này xuất phát từ ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến tình trạng mượn xuất xứ, gian lận thương mại của các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính khiến cho nhiều sản phẩm thép Việt Nam bị đưa vào diện điều tra của nước nhập khẩu.

Cùng với đó, tiến trình tự do hóa thương mại và khó khăn kinh tế chung trên toàn cầu đã khiến xu hướng lạm dụng các biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước, do công suất ngành sản xuất thép trên thế giới đang bị dư thừa.

Theo ông Hà, việc này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép. Việc khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, để theo kiện, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan.

Cũng theo luật sư này, cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào liên quan và đầu tư nước ngoài trong ngành bị kiện cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

“Điều bất lợi rất lớn nữa là những hậu quả bất lợi này có thể kéo dài nhiều năm (bởi một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần). Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hàng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu”, ông Hà nói.

Điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh. Một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ.

Hoài Lam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thép Việt bị điều tra, khởi kiện: Hậu quả kéo dài nhiều năm