Trước những diễn biến mới nhất của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều người dân ở TP.HCM đã đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ khiến nhiều siêu thị luôn trong tình trạng kẹt cứng người.

TP.HCM: lượng người mua hàng tăng, hàng hóa vẫn dồi dào

08/03/2020, 21:23

Trước những diễn biến mới nhất của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều người dân ở TP.HCM đã đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ khiến nhiều siêu thị luôn trong tình trạng kẹt cứng người.

Siêu thị chật cứng người mua sắm - Ảnh: Phan Diệu

Khảo sát của Một Thế Giới cho thấy, ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi, số lượng khách đến mua hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày bình thường. Loại hàng được mua nhiều nhất là gạo, mì ăn liền, thịt, cá đóng hộp, đường, đậu, nước đóng chai…

Tại hệ thống Co.opmart TP.HCM, sức mua người dân tăng từ 30 - 40% so với ngày bình thường. Thậm chí, có nơi lượng người mua sắm tăng gấp 20 lần. Mặc dù lượng người mua sắm đông song hàng hóa luôn đầy ắp, không trống quầy. Hệ thống này cũng không ghi nhận tình trạng thu gom, đầu cơ. Các mặt hàng được mua nhiều như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên châm hàng liên tục.

Không chỉ mua sắm trực tiếp, kênh mua sắm qua điện thoại, qua website thương mại điện tử của Saigon Co.op cũng có hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường.

Theo đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM, hàng hóa Saigon Co.op dự trữ cho riêng dịch bệnh được so sánh tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên Đán vừa qua. Các mặt hàng này có thể kể như: gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa…

Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán. Thời gian hoạt động của toàn bộ hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op tiếp tục được đảm bảo, một số nơi còn linh hoạt chỉ đóng cửa cho đến khi người khách cuối cùng mua sắm xong; các cửa hàng tiện lợi Cheers thì hoạt động cả ngày trong tuần.

Do đó, đại diện hệ thống bán lẻ này nói rằng người dân không nên quá lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn mà chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hoá rất dồi dào và ổn định.

Một góc khu vực giao hàng trong siêu thị - Ảnh: Phan Diệu

Tương tự, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết, trước thông tin sức mua tại một số siêu thị tăng bất thường, cơ quan này đã làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall… để nắm tình hình.

Tại buổi làm việc, các hệ thống này khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM đến hết quý 2/2020. Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.

Đối với việc có một số thông tin về khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường TP.HCM cũng cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông tin, mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên liệu dự trữ cho sản xuất cũng đủ dùng đến tháng 3.2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo.

Còn mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định.

Đối với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp hàng đầu của TP.HCM cho biết sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đầy đủ đến hết quý 3/2020.

Chính vì vậy, Sở Công thương TP.HCM khuyến cáo người dân TP.HCM yên tâm không lo chuyện thiếu hàng, không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường.

Người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao lại không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: lượng người mua hàng tăng, hàng hóa vẫn dồi dào