Những câu chuyện về ngành giáo dục gây nhức nhối, dậy sóng dư luận như "dạy 37 năm lương hưu nhận được là 1,3 triệu đồng", hay điểm đầu vào các trường sư phạm chỉ trên 9 điểm khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho ngành giáo dục trong tương lai.
Nghề dạy họcrất cần các thầy cô giỏi, tâm huyết mới đủ sức đào tạo nên những thế hệ học trò có năng lực, tư duy tốt, có phẩm chất đạo đức tốt. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh năm 2016-2017 đã cho thấyđiểm chuẩn vào trường sư phạm khá thấp, thậm chí có nhiều người so sánh bức tranh xét tuyển ngành sư phạm theo kiểu "vơ bèo vạt tép". Rất nhiều sinh viên đã ngó lơ ngành sư phạm, coi ngành sư phạm là "bước đường cùng trong việc xét tuyển".
Rất nhiều nguyên nhân được nêu ra lý giải cho vấn đề này như lương giáo viên thấp, trường sư phạm "mọc lên như nấm" ở các địa phương dẫn đến "vơ vét" thí sinh, cũng như Bộ GD-ĐT chưa có bước đi rõ ràng, quyết liệt để cải thiện tình hình tồn tại nhiều năm. Và liệu ngành sư phạm có thật sự trở thành "nghề bạc bẽo khiến nhiều học sinh quay lưng"?
Vào học sư phạm nhưng vẫn đầy băn khoăn
Chia sẻ với phóng viên, bạn Lê Ngọc Anh - sinh viên năm thứ 3 khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: "Trở thành một sinh viên khoa Văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nộilà ước mơ của mình, tuy nhiên với áp lực từ bố mẹ lo lắng cho việc sau này ra trường xin việc khó khăn nên mình cũng khá chần chừ. Nhưng mình vẫn muốn theo ngành sư phạm và sẽ cố gắng để thực hiện ước mơ đó. Mặc dù hiện nay người ta vẫn gọi nó bằng cái tên "nghề bạc bẽo", mình vẫn yêu ngành sư phạm lắm".
Thẳng thắn hơn về suy nghĩ của mình, sinh viên Việt Niên nêu quan điểm về việc "giáo viên dạy 37 năm mà lương hưu chỉ nhận được là 1,3 triệu" cho rằng: "Thật ra cứ nói nghề giáo là nghề cao quý nhất nhưng cũng chính là nghề áp lực nhất, nếu xét về mặt kinh tế thì lương ngành giáo không bao giờ đủ so với mặt bằng xã hội. Dù là sinh viên nhưng ngoài việc học mình vẫn nhận đi làm thêm, dạy thêm, quan trọng nhất là sự năng động trong công việc của mình chứ không chỉ chăm chú vào lương. Có thể sau này ra trường mình không theo nghề nhưng mình sẽ vận dụng những kiến thức học được để phục vụ cho công việc một cách tốt nhất".
Có rất nhiều sinh viên ngành sư phạm khi được hỏi đều mong muốn hoàn thành tốt công việc học tập đã rồi tìm kiếm cơ hội việc làm sau nhưng với một số sinh viên đã bày tỏ sự chán nản khi theo ngành sư phạm và không còn có ý định đi theo nghề nữa mà muốn tìm đến một con đường khả thi hơn.
Chia sẻ của bạn Trần Thị Thảo, sinh viên năm thứ 3 Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương: “Lúc bắt đầu theo học cũng do mình rất thích trẻ con và muốn được dạy cho các con hát, nhưng đến bây giờ đã là năm cuối,mình thực sự rất lo lắng về công việc sau này. Dạy ở các trường tư ở ngoài Hà Nội thì rất nhiều nhưng mức lương rất thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ngoài này .Mình muốn về quê để được vào biên chế nhưng cơ hội đó rất khó và phải tốn rất nhiều tiền để xin việc. Thực sự điều này đã làm mình nhụt chí, mình đã từng nghĩ chắc sẽ không theo nghề nữa nếu phải mất một khoản tiền lớn để xin việc sau này".
Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GD-ĐT cho rằngnên dừng ngay việc đào tạo của các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp - Ảnh: P.V
Làm sao giải quyết “cơn khát sinh viên giỏi của ngành sư phạm”?
Mùa tuyển sinh năm 2017 vừa qua, ngành sư phạm trở thành "điểm đen" của ngành giáo dục, trong khi hàng loạt ngành học khác có điểm chuẩn cao ngất ngưởng thì nhóm các trường sư phạm lại có điểm chuẩn bằng mức điểm sàn.
Làm giáo viên thời nay còn đối mặt với quá nhiều áp lực: từ việc đổi mới liên tục cách học, cách dạy, đổi mới thi cử đến việc đổi mới cách quản lý… Ngoài việc áp lực, lương giáo viên so với mặt bằng chung cũng chỉ ở mức trung bình, giáo viên phải cống hiến tâm sức chừng 5-7 năm mới có đồng lương chừng 4-5 triệu đồng/tháng trong khi đi làm khu công nghiệp, lương khởi điểm chừng 6 triệu. Một nguyên nhân khác quan trọng không kém chính là tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp hiện nay với những con số thống kê khủng đang cản bước chân nhiều sĩ tử muốn đến với giấc mơ phấn trắng bục giảng.
Chia sẻ với phóng viên, giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, cho rằng ngành sư phạm hiện nay nên dừng ngay việc đào tạo của các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp vì nguyên nhân các thí sinh không chọn sư phạm vì đã mất niềm tin vào giáo dục. Ông cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm để làm nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phổ thông.
"Nhà nước nên khuyến khích phát triển trường tư để tăng số lượng giáo viên làm việc trong trường tư thục hưởng mức lương xứng đáng. Số lượng trường tư hiện nay quá ít, chưa bằng15% số trường công. Quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào, cũng phải làm sao để giáo sinh vào trường sư phạm cảm thấy tự hào. Hiện nay ngành sư phạm khát sinh viên giỏi đến đâu nhưng xin việc khó khăn, chế độ đãi ngộ ảm đạm thì học sinh vẫn thờ ơ để tìm đến những chân trời tươi sáng hơn. Công việc thực tế vẫn là yếu tố then chốt chứ không thể chỉ là những lời nói suông mà cần những giải pháp" - ông Hạc cho biết.
|