Từ vùng đất gắn bó lâu năm với phát triển nông nghiệp, nay Mái Dầm chuyển mình mạnh mẽ, trở thành khu vực phát triển công nghiệp năng động của tỉnh.

Thị trấn Mái Dầm, điểm sáng phát triển kinh tế ở Hậu Giang

PV | 18/03/2021, 16:22

Từ vùng đất gắn bó lâu năm với phát triển nông nghiệp, nay Mái Dầm chuyển mình mạnh mẽ, trở thành khu vực phát triển công nghiệp năng động của tỉnh.

Nằm ở vị trí khá thuận lợi trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã khai thác hiệu quả thế mạnh này.

Phát triển công nghiệp khởi sắc

Theo thống kê của UBND TT.Mái Dầm, 3 năm trở lại đây, địa phương đã thu hút được hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn và trọng điểm trong phát triển công nghiệp của tỉnh Hậu Giang như: Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1, Công ty TNHH MTV Sunpro Steel xây dựng Nhà máy luyện, cán thép Sunpro, dự án khu dân cư thương mại dịch vụ Mái Dầm - Vạn Phát Sông Hậu, đặc biệt là Nhà máy sản xuất Giấy bao bì cao cấp của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam…

khunhaocongnhanottmaidam18032021.jpg
Khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân viên Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam - Ảnh: CTV

Các dự án trên đã thu hút hàng ngàn lao động tại chỗ, giúp người dân tăng thêm thu nhập ngoài kinh tế vườn. Hàng trăm hộ dân cũng khá lên nhờ chuyển đổi nghề từ làm nông sang kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho người lao động trên địa bàn và người dân địa phương.

Điển hình, tại Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam có tổng số hơn 1.100 cán bộ công nhân viên, trong đó có đến 40% nhân viên công ty là người dân địa phương, giải quyết đáng kể nhu cầu việc làm của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, công ty đã liên kết với các trường Đại học Nông Lâm và Cao đẳng Điện lực ở TP.HCM mở các khóa đào tạo dài hạn cho 2 chuyên ngành: Kỹ sư sản xuất giấy và kỹ thuật điện. Việc này nhằm đào tạo cho con em trong khu vực TT.Mái Dầm có nhu cầu vào làm việc tại công ty. Đặc biệt toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt đều do công ty chi trả.

Cuối năm 2019, công ty này cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà ở cho cán bộ nhân viên công ty với sức chứa lên đến 1.500 nhân viên, khu nhà được đặt tại TT.Mái Dầm.

Từ sự phát triển đó, các dịch vụ ăn uống xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện toàn thị trấn có hơn 480 cơ sở kinh doanh dịch vụ, các trung tâm điện máy, siêu thị tiện ích cũng xây dựng cửa hàng ở TT.Mái Dầm, tạo nên môi trường kinh doanh mua bán sôi động. Nhờ đó, hàng hóa của người dân được tiêu thụ kịp thời, không bị ứ đọng, thu nhập được nâng lên, đời sống kinh tế được cải thiện một bước đáng kể.

Theo ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND TT.Mái Dầm, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt 52 triệu đồng/người/năm; số người trong độ tuổi lao động có việc làm của thị trấn đã đạt gần 94%. Thời gian qua nền kinh tế của thị trấn đã phát triển theo hướng tích cực. Nhiều hộ dân đang tiếp tục đầu tư cải tạo nhà ở, cửa hàng và địa điểm kinh doanh, đẩy nhanh phát triển kinh tế của thị trấn.

Đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TT.Mái Dầm còn 3,47%, giảm đáng kể so với năm 2019. Kết quả này, nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương đã đẩy mạnh công tác an sinh xã hội thông qua vận động xã hội hóa. Các doanh nghiệp trên địa bàn, ngoài kinh doanh, đã trích một phần lợi nhuận chung tay với chính quyền thị trấn chăm lo đời sống hộ nghèo, gia đình khó khăn, học sinh nghèo trên địa bàn thị trấn.

congtylee-mantraoquatetchonguoingheo18032021.jpg
Đại diện Công ty Giấy Lee&Man trao quà Tết cho hộ nghèo ở TT.Mái Dầm, H.Châu Thành - Ảnh: CTV

Đơn cử, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam đã trích gần 100 triệu đồng trao tặng 150 phần quà Tết cho bà con nghèo trên địa bàn thị trấn. Vào mỗi dịp khai giảng năm học mới công ty này cũng tặng hàng trăm phần quà như: tập vở, cặp xách, học bổng… cho học sinh nghèo trên địa bàn nhằm động viên tinh thần học tập của các em. Hoạt động này đã được công ty duy trì thực hiện hơn 5 năm qua.

Ông Chung Wai Fu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với TT.Mái Dầm gần 10 năm, bà con ở đây cũng là những hàng xóm thân thiết của chúng tôi. Ở Việt Nam có câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì vậy, việc chăm lo cho đời sống của bà con khó khăn nơi đây không chỉ đơn thuần là việc doanh nghiệp phát triển kinh tế chia sẻ lợi nhuận, mà nó đã là một phần trong trách nhiệm của chúng tôi”.

Hạ tầng giao thông đồng bộ

Ngoài vai trò của tuyến quốc lộ Nam sông Hậu dài 147km nối Hậu Giang với các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ. TT.Mái Dầm còn được “hưởng lợi” từ các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Hậu Giang. Ngày 10.10.2020, dự án đường tỉnh 927C đã chính thức thông xe với chiều dài 15,5 km kết nối TT.Mái Dầm và TP.Ngã Bảy. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Hậu Giang. Có trục giao thông huyết mạch kết nối TP.Ngã Bảy - H.Châu Thành – TP.Cần Thơ; kết nối với quốc lộ 1A với quốc lộ Nam Sông Hậu, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của thị trấn Mái Dầm, thúc đẩy ngành công nghiệp logistics phát triển.

hatanggiaothongottmaidam18032021.jpg
Hạ tầng giao thông được đầu tư liên tục đưa TT.Mái Dầm ngày càng phát triển - Ảnh: CTV

Mái Dầm được xem là “thủ phủ công nghiệp” của vùng đất Nam sông Hậu. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ. Tương lai, khi dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Mái Dầm - Vạn Phát Sông Hậu hoàn thành, nơi đây sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư vào thị trấn.

cacduancongnghiepottmaidam18032021.jpg
Các dự án phát triển công nghiệp lớn tại TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - Ảnh: CTV

Có thể nói, tốc độ phát triển của các khu công nghiệp, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của từng doanh nghiệp trong khu vực đã góp phần thay đổi diện mạo TT.Mái Dầm. Quan trọng hơn hết là sự phát triển đồng bộ này còn giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trấn Mái Dầm, điểm sáng phát triển kinh tế ở Hậu Giang