Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định trong 2 năm qua, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn nay lại chịu thêm tác động của dịch COVID-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.
Theo ông Châu, tăng trưởng bình quân của lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM.
Trong 2 năm 2018-2019, hầu hết doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.
Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.
Hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019 đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Ngoại trừ Vingroup, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11% - mức thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.
Điều đáng quan ngại là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Cụ thể, hiện nay có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng; 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỉ đồng đến 7.397 tỉ đồng; riêng 2 tập đoàn hàng đầu có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.
Chủ tịch HoREA cho rằng ở một số góc độ, hàng tồn kho là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế nếu đó là bán thành phẩm hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản.
Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta năm 2019 đạt trên 38 tỉ USD, cao nhất trong 10 năm qua nhưng thị trường bất động sản cả nước chỉ thu hút được 3,88 tỉ USD. Tuy vẫn đứng thứ hai nhưng giá trị lại giảm gần một nửa so với năm 2018 và chỉ còn chiếm tỷ lệ 10,4% vốn đầu tư đăng ký.
Riêng TP.HCM đã thu hút nguồn vốn FDI được 8,3 tỉ USD, trong đó có 2,06 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đứng thứ hai và chiếm 16,4%, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.
"Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm COVID-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn. Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính thì sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại. Thị trường sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở", ông Lê Hoàng Châu nói thêm.
Đáng chú ý, sau hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới diễn ra gần đây, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, đối với các vướng mắc liên quan đến sự bất cập, xung đột giữa các quy định trong quy trình thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Trung ương tháo gỡ.
Đối với các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản còn hồ sơ đang tồn đọng, chưa xem xét giải quyết tại các sở ngành có liên quan, Sở Xây dựng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại từng nhóm vướng mắc để giải quyết từng trường hợp.
Phan Diệu