Tại Việt Nam, một số điều kiện cho thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) vận hành đã được hình thành nhưng chưa thực sự đầy đủ để tạo nên một thị trường khoa học công nghệ sôi động khi lượng giao dịch còn nghèo nàn và đơn điệu.
Thị trường KH&CN là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm khoa học và công nghệ (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ). Thị trường KH&CN có 5 yếu tố cơ bản để hình thành bao gồm: Khung pháp lý cho các giao dịch trên thị trường, bên mua, bên bán, cơ sở hình thành giá cả và các hoạt động hỗ trợ dịch vụ xúc tác giữa người mua và người bán.
Theo bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN), các chủ thể tham gia thị trường KH&CN phải có nhận thức đúng đắn, các nhà khoa học khi nghiên cứu ra công nghệ mới, sản phẩm mới phải tìm cách giới thiệu sản phẩm đó thì mới có cơ hội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà Vân cũng cho rằng để công nghệ được áp dụng là một quá trình rất phức tạp. Nhà khoa học nên chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Hiện có nhiều cách chuyển giao như có thể góp vốn công nghệ bằng công nghệ đó, hoặc chuyển giao bằng cách cho phép doanh nghiệp sử dụng công nghệ đó và nhà khoa học lấy phí bản quyền dựa trên doanh số sản phẩm bán ra.
Được biết, hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức KH&CN trong nước với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Trên thực tế, họ có thể thông qua hợp đồng ký kết giữa 2 đơn vị nhưng thực tế cho thấy hoạt động chuyển giao công nghệ như vậy ở Việt Nam chưa nhiều. Trái lại tình hình chuyển giao công nghệ từ bên ngoài thông qua nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ và đầu tư nước ngoài diễn ra tương đối sôi nổi với tốc độ ngày càng tăng, trong đó khoảng 90% là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, tại Việt Nam, một số tiền đề, điều kiện cho thị trường KH&CN vận hành đã được hình thành. Các quy định pháp lý cho hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ chuyển giao từ nước ngoài đã được thiết lập. Các quy định về bảo hộ quyền sở hữu cũng được điều chỉnh tương đối phù hợp với những quy định trong luật pháp quốc tế…
Sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Techmart 2015 (Ảnh: Khoa học phát triển)
Bên cạnh những lợi thế đó, yếu tố để tạo nên một thị trường KH&CN sôi động vẫn chưa được hình thành đầy đủ ở nước ta khi khung pháp luật cho thị trường cùng tính thực thi của pháp luật chưa cao. Số lượng các bên mua trên thị trường còn chưa lớn, lượng cung trong nước chưa nhiều và cơ chế kết hợp cung - cầu trên thị trường vẫn còn những bất cập.
Cụ thể, khung pháp luật cho thị trường KH&CN chưa được hình thành đầy đủ, nhất là đối với các hoạt động triển khai, thử nghiệm ứng dụng công nghệ do các cơ quan khoa học trong nước sáng chế… khi nhu cầu về sản phẩm KH&CN chưa cao, doanh nghiệp Việt Nam chưa được thông tin đầy đủ về những công nghệ trong nước hiện có, chưa có môi trường cạnh tranh thực sự để buộc doanh nghiệp phải chú trọng đến đổi mới công nghệ.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn đang chập chững trong cơ chế thị trường và trình độ phát triển còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp bị hạn chế về vốn đầu tư và trình độ lao động khi nghiên cứu, phát triển cũng như ứng dụng công nghệ mới.
Vì vậy, các hoạt động hỗ trợ thị trường công nghệ chưa được tổ chức tốt. Hệ thống thông tin và dịch vụ KH&CN chưa làm tốt vai trò trung gian, thúc đẩy sự trao đổi thông tin giữa bên cung cấp công nghệ và bên có nhu cầu đổi mới công nghệ. Việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp còn nhiều thủ tục khó khăn, rườm rà…
Chính vì những khó khăn, rào cản này mà nhiều nhà khoa học chia sẻ rằng rất ngại đăng kí sở hữu trí tuệ. “Các nhà khoa học ngại khi đưa ra, điền vào mẫu đăng ký có thể dẫn đến tình trạng mất bản quyền. Trong thực tế, những công nghệ chưa từng đăng ký sở hữu trí tuệ rất dễ bị đánh cắp. Vì vậy, được bảo hộ nhãn sản phẩm là điều tốt và đây là phương án có thể bảo vệ sản phẩm và công nghệ nhạy cảm của các nhà khoa học”, bà Vân phân tích.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, vấn đề định giá công nghệ của các nhà khoa học là điều không hề dễ khi thực sự nhiều nhà khoa học không đánh giá được công sức của mình bỏ ra là bao nhiêu để định giá trị của công nghệ trên thị trường tương xứng nên có người đưa ra giá trên trời hoặc rất lúng túng và quyết định không đánh giá công nghệ. Kết cục là không chuyển giao được công nghệ, rất lãng phí.
“Tôi cho rằng, các nhà khoa học nên chuyển giao quyền sử dụng công nghệ cho doanh nghiệp. Khi đó, các nhà khoa học vừa có được kinh phí nghiên cứu tiếp, vừa giúp doanh nghiệp phát triển được đúng sản phẩm của mình trong khi nhà khoa học luôn luôn đứng cạnh doanh nghiệp để phát triển”, bà Vân nhấn mạnh.
Có thể nhìn thấy, việc tổ chức Techmart (Chợ công nghệ và thiết bị) hàng năm là một trong những cách thức để quảng bá, giới thiệu bước đầu các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Đồng thời, đây cũng là nơi giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được công nghệ, sản phẩm phù hợp nhưng để xúc tiến mối quan hệ đó, chúng ta cần sự hỗ trợ rất lớn của nhà nước.
Thu Anh