Vì muốn làm đẹp nhanh gọn, nhẹ nhàng, không phải đối mặt với phẫu thuật, thiếu nữ 17 tuổi đã chọn nâng mũi bằng cách bơm chất làm đầy. Ngay sau đó, cô gái trẻ này bất ngờ bị biến chứng, mũi bị nhiễm trùng nặng, viêm mủ da... phải nhập viện cấp cứu.

Thiếu nữ nâng mũi tại cơ sở spa suýt bị hoại tử

Hồ Quang | 26/09/2017, 05:39

Vì muốn làm đẹp nhanh gọn, nhẹ nhàng, không phải đối mặt với phẫu thuật, thiếu nữ 17 tuổi đã chọn nâng mũi bằng cách bơm chất làm đầy. Ngay sau đó, cô gái trẻ này bất ngờ bị biến chứng, mũi bị nhiễm trùng nặng, viêm mủ da... phải nhập viện cấp cứu.

Thực hiện thủ thuật không có giấy phép

Tình cờ đọc một thông tin trên facebooker có tên H. M.quảng cáo một Spa làm đẹp căng da mặt, nâng mũi, gọt cằm... có địa chỉ tại một chung cư trên địa bàn TP.HCM, thiếu nữ T.L.(17 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) đã tìm đến đây với mong muốn nâng mũi cao lên.

“Sau khi nghe bà chủ giải thích, em thấy dùng chất làm đầy để nâng mũi đơn giản, nhanh, nhẹ nhàng không phải phẫu thuật đau đớn, giá cả cũng thấp hơn so với phẫu thuật nên em quyết địnhchọn chất làm đầy để nâng mũi của mình”,T.L. nói về lý do chọn chất làm đầy để nâng mũi.

Tuy nhiên, sau khi bơm chất làm đầy ở vùng mũiđược 3 ngày, thiếu nữ này bỗng dưng phát hiện mũi của mình mọc đầy mụt đen, sau đó sưng phùgây đau nhức. Gia đình hoảng quá, liền đưaT.L. đến Bệnh viện Trưng Vương để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mủ da,nhiễm trùng vùng mũi.

Sau khi xảy ra sự việc trên, cô gái trẻ này rất hối hận cho việc làm của mình, nhưng đã quá muộn. Các bác sĩ cho biết, nếu để chậm thêm thời gian nữa thì khả năng mũi của T. L. sẽ bị hoại tử da, và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đây là một Spa của một người dân sống ở chung cư. Chất làm đầy được cơ sở này quảng cáo là hàng xách tay từ Hàn Quốc nhưng không có nhãn hiệu.

Trong khi đó, cơ sở này không có giấy phép, người thực hiện bơm chất làm đầy cho thiếu nữ này là chủ của Spa cũng không có chứng chỉ hành nghề thực hiện thủ thuật trên, không có chuyên môn về thủ thuật trên.

Bệnh viện đã báo cáo Thanh tra Sở Y tế

Chiều 25.9, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho hay thiếu nữ T.L được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng vùng mũikhá nặng, viêmmủ da... Các bác sĩ đã tiến hành làm sạch da mũi, “đánh” thuốc kháng sinh, kháng viêm.

“Hiện bệnh nhân đã ổn định, nhưng thời gian điều trị còn phải kéo dài, chi phí điều trị có thểlên đến 30 - 40 triệu đồng. Rất may cho thiếu nữ này là đãđến bệnh viện sớm xử lý kịp thời, nếu không có thể bị hoại tử da, gây sẹo và nhiều biến chứng nguy hiểm khác”, bác sĩ Khanh cho biết.

Theo nhận định bác sĩ Khanh, chất làm đầy mà thiếu nữ M.L.bơm vào để nâng mũi không có nguồn gốc; người thực hiện bơm chất làm đầy cho thiếu nữ này đã không tuân thủ quy trình tiêm chất làm đầy. “Hiện chúng tôi đã báo vụ việc trên đến Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để tiến hành kiểm tra, xử lý cở sở này”, bác sĩ Khánh nói.

Cũng theo bác sĩ Khanh trong thời gian qua, tình trạng chị em phụ nữ bơm chất làm đầy gây biến chứng ngày càng nhiều. Nếu như cả năm 2016 bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 2 - 3 trường hợp biến chứng do bơm chất làm đầy thì năm 2017 này, gần như mỗi tháng bệnh viện đều tiếp nhận 2 - 3 trường hợp biến chứng do bơm chất làm đầy.

Bác sĩ Khanh tỏ ra khá bức xúc việc người dân phớt lờ, không tin vào những khuyến cáo của bác sĩ và ngành y tế mà lại tin tưởng vào những nội dung quảng cáo trên mạng.

“Bản thân tôi đã nhiều lần khuyến cáo chị em phụ nữ khi muốn thực hiện một thủ thuật, phẫu thuật làm đẹp cho mình phải tìm hiểu xem cơ sở đó có được ngành y tế cấp phép hay chưa; người thực hiện thủ thuật, phẫu thuật có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề hay không; thuốc bơm vào mình là thuốc gì, nguồn gốc ở đâu... nhưng nhiều người vẫn phớt lờ”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho rằng hiện nay thị trườngthẩm mỹ đang phát triển một cách tràn lan, hỗn loạn.Nhiều dịch vụ đào tạo phẫu thuật thẩm mỹ, thực hiện phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ không được ngành y tế cấp phép. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Y Hà Nội được cấp phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ hay đào tạo những bác sĩ chuyên làm các thủ thuật da liễu như: tiêm chất làm đầy, tiêm chất liệt cơ...

Riêng ở lĩnh vực Spa không do Sở Y tế cấp phép mà do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp phép nhưng Sở Y tế lại quản lý, theo dõi. Chính những bất cập này đã khiến cho các Spa lợi dụng hoạt động trá hình, không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình gây ra những hệ lụy cho người làm đẹp.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm
7 giờ trước Giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm, nhiều học sinh có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu nữ nâng mũi tại cơ sở spa suýt bị hoại tử