Pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều quy định để minh bạch hoá, chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.
Vẫn còn tư duy cũ trong hoạch định chính sách
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ.
Thứ nhất là “dòng chảy” rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Thứ hai là “dòng chảy” bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia”.
Cũng theo ông Lộc, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay xuất phát từ bối cảnh đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Ngay từ đầu năm, 4.3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
“Tiêu biểu như Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngay sau đó để gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và/hoặc thiệt hại do COVID-19. Bộ Tài chính cũng đã đồng loạt ban hành hơn 20 thông tư giảm các loại phí của các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp”, ông Lộc nói.
Trong khi tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, Chính phủ vẫn đặt ra và kiên trì theo đuổi mục tiêu về cải cách thể chế.
“Đây được xem là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển – mục tiêu dài hạn của một Chính phủ kiến tạo. Nghị quyết 02 đầu năm hay sau đó là Nghị quyết 68 tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng về cải cách các quy định liên quan đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng như các ví dụ trên thì hoạt động xây dựng pháp luật năm nay vẫn còn tồn tại những điểm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, xuất phát chủ yếu từ tư duy soạn chính sách của những nhà làm luật.
“Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kĩ của các làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm nay.
Ví dụ như các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách bất hợp lý mà điển hình là dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá…
Đề cập đến lĩnh vực kinh tế số, ông Lộc cho rằng những rủi ro, sai lầm về chính sách có thể làm thay đổi đường đi của vốn đầu tư, sự rời bỏ của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ và bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam đi nhanh trong lĩnh vực này.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa minh bạch
Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020 chỉ ra, pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp. Tuy chưa thực sự minh bạch và hợp lý, nhưng các quy định về của Luật Thanh tra cũng đã giúp tránh sự tuỳ tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với doanh nghiệp.
Ví dụ, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp…, tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy.
Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này. Chính vì vậy, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra.
Năm 2020, Bộ Tài chính soạn thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán. Dự thảo sẽ trao quyền cho các cơ quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán.
Tuy nhiên, dự thảo lại không làm rõ mối quan hệ giữa việc thanh tra và kiểm tra, không rõ doanh nghiệp có bị thanh tra và kiểm tra về cùng một nội dung hay không.
Thêm vào đó, dự thảo cũng chưa làm rõ nhiều vấn đề của hoạt động kiểm tra như căn cứ kiểm tra đột xuất, thời điểm công bố kế hoạch kiểm tra, thời hạn ra kết luận kiểm tra và cung cấp cho doanh nghiệp, cũng như chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào việc lựa chọn doanh nghiệp bị kiểm tra hay hợp đồng dịch vụ để kiểm tra.
Dự thảo này là một ví dụ minh hoạ cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định để minh bạch hoá và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.
Chưa khuyến khích các tập đoàn tư nhân đa ngành
Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ quan điểm chỉ đạo là “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.”
Tuy nhiên, VCCI cho rằng một số quy định pháp luật được ban hành hoặc soạn thảo trong năm 2020 không thực sự thân thiện với mô hình kinh doanh này.
Cụ thể, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành nhằm chống lại tình trạng chuyển giá thuế thu nhập doanh nghiệp ra nước ngoài.
Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này hạn chế mức chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết của một doanh nghiệp không được vượt quá 20% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ.
Quy định này áp dụng với cả các doanh nghiệp tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty trong giao dịch.
Như vậy, trường hợp công ty mẹ vay tiền từ ngân hàng rồi cho công ty con vay lại như trên sẽ bị điều chỉnh bởi khoản 3 Điều 8 này và các bên sẽ không còn được linh hoạt quyết định về lãi suất của giao dịch.
“Rõ ràng, quy định này đã không thực sự đúng với chủ trương khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân hoạt động đa ngành. Sau khi sửa đổi, hạn mức khống chế chi phí lãi vay đã được nâng lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của khoản vay”, VCCI nêu.
Bên cạnh đó, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước cũng dự thảo thông tư quy định về việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó có quy định hạn chế “Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”.
Như vậy, quy định này sẽ không cho phép các ngân hàng mua trái phiếu do các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phát hành nhằm huy động vốn rồi dùng số tiền đó để góp vốn vào công ty con.
Tại bản thuyết minh, cơ quan soạn thảo cho rằng việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác sẽ khiến cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án.
“Lo ngại này là chính đáng, tuy nhiên hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua các biện pháp trong hợp đồng hoặc điều khoản trái phiếu.
Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác phải cam kết trong điều khoản trái phiếu về quyền của người nắm giữ trái phiếu được phép kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án tại công ty con.
Làm như vậy sẽ vẫn giúp bảo đảm quyền giám sát của ngân hàng nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tập đoàn kinh tế đa ngành”, VCCI nêu.