Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được thuốc chữa bệnh chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới, trong khi đó rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn lọt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ.

Thiếu thuốc chữa bệnh: Khó mua hàng tốt, còn hàng kém lại 'lọt khe cửa hẹp' để trúng thầu giá rẻ

Lam Thanh | 01/11/2023, 12:04

Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được thuốc chữa bệnh chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới, trong khi đó rất nhiều hàng chất lượng kém vẫn lọt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ.

Sáng 1.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Khó mua hàng tốt và phát triển kỹ thuật mới

Phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc chữa bệnh trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện nhiều, hiện tượng phải mua thuốc ngoài cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối.

Đại biểu Hiếu cho rằng nguyên nhân khách quan là có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ ngành khác nhau.

“Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới; trong khi đó rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu”, ông Hiếu nêu.

qh.jpeg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu

Chính vì vậy, đại biểu Hiếu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội vào chiều 31.10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng báo cáo của Chính phủ tuy có đề cập vấn đề này nhưng còn rất sơ sài và đặc biệt đối với những điều đã được đề cập từ các kỳ họp trước. Bà Lan đề nghị Chính phủ bổ sung ý về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế đã được nỗ lực giải quyết như thế nào, cũng như danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

Theo đại biểu Lan, ngoài việc thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân, việc cập nhật danh mục thuốc để bệnh nhân kịp thời sử dụng những thành quả mới nhất của nhân loại cũng rất chậm nếu so với các nước.

Đơn cử, đối với các nước: Nhật chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 - 4 năm để một loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế và như vậy mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, vấn đề trước đây và bây giờ cũng vẫn còn xảy ra, đó là bệnh nhân phải tự mua thuốc.

“Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này, vì đây là quyền lợi của người dân, và không cung ứng được là lỗi của chúng ta", bà Lan nói và đề nghị có bổ sung tình hình chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm để giải quyết một số những bệnh đặc biệt, một số trường hợp đặc biệt.

Giai đoạn cực kỳ khó khăn với ngành y tế

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế…

“Có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…”, bà Lan nêu.

anh-man-hinh-2023-11-01-luc-11.02.44.png
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình

Về những định hướng lâu dài để ngành phát triển bền vững, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết ngành y tế đã tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao; ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của ngành.

Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. “Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như Anh, Pháp, Ý…", bà Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…

Bộ trưởng Lan chỉ ra thêm nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị.

Bộ Y tế đã ban hành các văn bản để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo nguồn cung mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; tập trung tiến độ cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế; chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu thuốc chữa bệnh: Khó mua hàng tốt, còn hàng kém lại 'lọt khe cửa hẹp' để trúng thầu giá rẻ