Đang có khá nhiều kỳ vọng về việc đẩy nhanh quá trình thoái vốn sở hữu nhà nước khỏi 10 DNNN lớn sẽ đem về khoản tiền đủ để có thể bù đắp lỗ hổng ngân sách hiện nay. Nhưng, nếu đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bằng cách thu về số tiền thoái vốn cao nhất có thể, thì có lẽ không cần phải quá vội vàng.
Nếu nhìn vào những báo cáo mới nhất về ngân sách nhà nước ở thời điểm hiện tại, hẳn sẽ có không ít người cảm thấy lo lắng cho nền kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kêthì trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách chỉ đạt 665.200 tỉ đồng và bằng 65,6% dự toán năm, còn tổng chi ngân sách đạt 819.400 tỉ đồng và bằng 64,4% dự toán năm. Như vậy, bội chi ngân sách đã lên tới 154.000 tỉ đồng chỉ trong 9 tháng (theo The Saigon Times).
Theo dự kiến, mức bội chi sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh từ nay đến cuối năm khi Chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy quá trình phân bổ vốn đầu tư cho các dự án chủ chốt. Chính vì thế, đang có khá nhiều kỳ vọng về việc đẩy nhanh quá trình thoái vốn sở hữu nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn sẽ đem về khoản tiền đủ lớn có thể bù đắp lỗ hổng ngân sách này. Nhưng, nếu đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bằng cách thu về số tiền thoái vốn cao nhất có thể, thì có lẽ không cần phải quá vội vàng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc thoái toàn bộ vốn sở hữu nhà nước khỏi 10 DNNN lớn có thể đem lại cho Việt Nam một khoản tiền không nhỏ, dự kiến từ 7-10 tỉ USD, thậm chí cao hơn nữa nếu như có giải pháp hiệu quả. Trong bối cảnh bội chi ngân sách gia tăng mạnh còn nhu cầu vốn để đầu tư vào nền kinh tế đang ngày càng gia tăng, bản kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ dự kiến cả nước cần tới khoảng 2 triệu tỉ đồng (tương đương gần 100 tỉ USD) cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn này (theo The Saigon Times), thì rõ ràng về lý thuyết Việt Nam cần tiến hành thoái vốn càng nhanh càng tốt tại các DNNN này. Nhưng thực tế lại đang diễn ra hoàn toàn ngược lại, khi nhiều khả năng sẽ chỉ có từ 1-2 cái tên trong số 10 DNNN lớn trên theo kế hoạch sẽ thoái hết vốn trong năm nay mà thôi.
Cụ thể, theo Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), thì chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ít nhất phải tiến hành thoái vốn đối với Vinamilk trong năm nay, 9 doanh nghiệp còn lại cũng phải lên kế hoạch để thực hiện trong năm nay hoặc sang năm tùy tình hình thực tế. Còn theo một nguồn tin khác từ SCIC, thì chỉ có 2 trong số 10 DNNN trên nằm trong danh sách thoái vốn trong năm nay là Công ty cổ phầnFPT và Công ty cổ phầnXuất nhập khẩu Sa Giang. Động thái này ngay lập tức vấp phải phản ứng từ một số chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó việc tiến hành thoái vốn có phần nhỏ giọt như vậy có thể xem là dấu hiệu của sự chậm trễ hoặc thậm chí là trì hoãn, trong khi Việt Nam lại đang rất cần đẩy nhanh quá trình thoái vốn để giảm sự can thiệp của Nhà nước và Chính phủ vào nền kinh tế.
Một số nhà đầu tư nước ngoài thậm chí gay gắt hơn, như tuyên bố mới đây của ông Dominic Sriven, Chủ tịch công ty quản lý quỹ Dragon Capital có tổng số vốn lên tới 1,5 tỉ USD. Vị chuyên gia tài chính này cho biết: “Cổ phần hóa nói mười mấy năm nay rồi, nhà đầu tư nước ngoài giờ không muốn nghe nữa. Chính phủ cần đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình thực hiện và thực hiện một cách hiệu quả. Bởi nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm đến việc làm sao đầu tư được và có lời” (theo CafeF).
Phát biểu của ông Sriven được xem như một sự thúc giục Việt Nam đẩy nhanh quá trình thoái vốn mà theo vị này đang diễn ra khá chậm chạp, khi chỉ có 1 hoặc 2 DNNN lớn nằm trong kế hoạch thoái vốn trong năm nay mà thôi. Một số chuyên gia trong nước cũng lo ngại rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài nắm vốn lớn mất kiên nhẫn thì quá trình thoái vốn của Việt Nam sẽ không thu được hiệu quả kinh tế lớn nhất.
Nhưng thực tế lại đang ủng hộ cách làm được đánh giá là khá thận trọng của Chính phủ và SCIC. Việc bán hết toàn bộ số cổ phần sở hữu nhà nước tại 10 DNNN diễn ra cùng một thời điểm hoặc quá sát nhau có thể không phải là cách đem lại hiệu quả kinh tế lớn nhất, vì theo nguyên tắc thị trường việc bán một số lượng lớn hàng hóa trong một khoảng thời gian ngắn sẽ khiến giá cả sụt giảm do cung vượt quá cầu. Thậm chí, việc bán toàn bộ số cổ phần nhà nước tại 1 doanh nghiệp lớn như Vinamilk không thôi cũng được xem là sẽ tác động xấu đến việc thoái vốn tại các doanh nghiệp khác, và vì thế cần phải thoái vốn theo từng đợt.
Tổng giám đốc Vinamilk là bà Mai Kiều Liên cũng tán đồng cách tiếp cận này khi cho biết, hiện không ai có đủ tỉ lệ nắm quyền chi phối tại Vinamilk mà chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư, trong đó 49% là của nước ngoài, 6% là của các tổ chức và nhà đầu tư trong nước, 45% còn lại do SCIC quản lý. Bà Liên cho biết, trách nhiệm của SCIC là sẽ phải quyết định khi nào thoái vốn, thoái cho ai và thoái như thế nào, làm sao để đạt được mức thu ngân sách lớn nhất nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển sau này của Vinamilk (theo CafeF).
Theo ông Đặng Quyết Tiến, phương án thoái vốn khỏi 10 DNNN lớn ngoài việc nên giãn cách một khoảng thời gian vừa đủ để tránh biến động thị trường, thì ngay cả việc thoái vốn khỏi từng doanh nghiệp một cũng có thể sẽ không bán hết một lần, mà có thể bán thành nhiều đợt để đảm bảo thu về giá trị kinh tế lớn nhất có thể. Kinh nghiệm đã chỉ ra, nếu bán hết toàn bộ cổ phần tại một doanh nghiệp trong một lần, thì các nhà đầu tư sẽ có xu hướng ép giá trong lần bán tại doanh nghiệp tiếp theo. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thì dĩ nhiên sẽ có xu hướng thúc giục chính phủ đẩy mạnh việc thoái vốn và bán hết cổ phần trong một thời gian ngắn, vì nó có lợi cho họ. Ngoài ra, việc giãn cách giữa các đợt bán cổ phần tại từng doanh nghiệp cũng sẽ đảm bảo thời gian cho việc lập kế hoạch thoái vốn một cách hiệu quả, thay vì diễn ra một cách vội vã và khinh suất.
Yêu cầu hàng đầu được chính phủ đặt ra trong việc thoái vốn khỏi 10 DNNN lớn hiện nay là đảm bảo tối đa hiệu quả kinh tế và tránh lợi ích nhóm. Việc tiến hành một cách thận trọng vì thế là điều cần thiết, khi chính sự vội vã luôn là một trong những điều kiện cơ bản dẫn đến sự can dự của nguy cơ lợi ích nhóm này. Chỉ có những người sắp phá sản mới vội vã bán tống bán tháo những đồ đạc có giá trị nhất của mình mà thôi. Mà Việt Nam thì rõ ràng là không, vì thế chúng ta không cần phải vội.
Nhàn Đàm