Cơ thể của chúng ta hoạt động như công nghệ, bởi trái tim có van và các tâm thất, nên chúng ta có thể tạo ra những trái tim nhân tạo. Vậy sao chúng ta không thay thế những bộ phận trong cơ thể khi chúng già cỗi theo thời gian?

'Thời đại thứ tư' - Làm sao để trở nên bất tử?

Hạ Vĩ | 15/08/2023, 10:55

Cơ thể của chúng ta hoạt động như công nghệ, bởi trái tim có van và các tâm thất, nên chúng ta có thể tạo ra những trái tim nhân tạo. Vậy sao chúng ta không thay thế những bộ phận trong cơ thể khi chúng già cỗi theo thời gian?

Sửa chữa và thay thế những bộ phận già cỗi

Sử thi The Epic of Gilgamesh có niên đại cách nay 4.000 năm, vừa được phát hiện ở Iraq vào cuối năm 2015, ghi lại câu chuyện nhà vua Gilgamesh cùng bạn của ông là Enkidu chiến đấu với Thiên Ngưu (Bull of Heaven). Khi Enkidu chết, Gilgamesh lần đầu tiên nếm trải sự cay đắng của số mệnh con người. Thề rằng mình sẽ sống mãi, Gilgamesh đi tìm cụ tổ của mình là Utnapishtim và hỏi làm thế nào để có thể bất tử.

Utnapishtim nói đó là điều không thể, chỉ có Utnapishtim cùng vợ của ông mới được thần linh ban cho sự bất tử, và sự kiện này chỉ xảy ra lần duy nhất. Tuy nhiên, có một loài cây mọc ở đáy đại dương có thể giúp Gilgamesh trẻ lại. Gilgamesh đã tìm thấy loài cây đó, nhưng chưa kịp ăn thì ông đã bị một con rắn “phỗng tay trên”.

Cuối cùng, Gilgamesh nhận ra sự vô vọng trong hành trình tìm kiếm của mình và xác định sự bất tử thật ra chính là những gì chúng ta làm được trong khoảng thời gian mình tồn tại trên cõi đời này. Và có lẽ, chỉ có lẽ thôi, nếu có một cuộc sống đủ vĩ đại thì chúng ta sẽ mãi mãi được người đời nhớ đến.

thoidaithutu-quote2a.jpg

Như vậy, sau hàng ngàn năm, câu chuyện này vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả chúng ta. Nhưng có khi nào ở Thời đại thứ 4, chúng ta sẽ làm được điều mà Gilgamesh từng thất bại? Chúng ta đã tìm hiểu việc truyền tải ý thức của con người vào máy móc như một cách để trở nên bất tử, nhưng còn việc kéo dài sự tồn tại của cơ thể chúng ta thì sao?

Ngày càng có nhiều bác sĩ ủng hộ việc coi lão hóa là một căn bệnh. Dù nghe có vẻ như chỉ là một thay đổi nhỏ về mặt ngữ nghĩa, nhưng thật ra đó cũng có thể là một sự điều chỉnh góc nhìn để sự già yếu và cái chết không còn được xem như định mệnh không thể tránh khỏi, đồng thời định hình lại vấn đề theo hướng thôi thúc chúng ta tìm cách chữa “bệnh già”. Chúng ta già đi vì những lý do nhất định, và mỗi lý do đều là một vấn đề kỹ thuật. Vậy hà cớ gì chúng ta không thể sửa chữa và thay thế những bộ phận và hệ thống trong cơ thể khi chúng già cỗi theo thời gian?

Không già đi không có nghĩa là bất tử

Các nhà khoa học đoán rằng chỉ có trên dưới chục nguyên nhân khiến chúng ta già đi và chết. DNA của chúng ta có thể đột biến và gây ung thư. Các ty thể của chúng ta có thể đột biến và khiến cơ thể chúng ta bị suy nhược, thoái hóa. Một nguyên nhân khác có thể là do “rác” tích tụ trong cơ thể chúng ta một thời gian dài. Cơ thể giống như trò xếp gạch Tetris, những thành tựu của bạn đều biến mất trong khi những sai lầm của bạn thì cứ chất đống. Mảng bám trong não của bệnh nhân alzheimer chính là một ví dụ.

Một vấn đề khác có liên quan đến việc phân chia tế bào. Tế bào đôi khi phân chia quá nhiều hoặc đôi khi lại dừng phân chia. Tình trạng này gây ra những chứng bệnh như parkinson. Một nguyên nhân khác khiến con người già đi là do chuỗi telomere biến mất. Telomere là đoạn DNA lặp đi lặp lại ở mỗi đầu mút nhiễm sắc thể, có vai trò bảo vệ cho DNA không bị tổn hại. Mỗi lần DNA trong cơ thể chúng ta nhân đôi, RNA sẽ không chạy đến các đầu mút này, vì thế bản sao được tạo ra cứ càng lúc càng ngắn đi.

Ban đầu, sẽ không có chuyện gì to tát. Cơ thể chúng ta sẽ khéo léo nối thêm một đoạn vô dụng nào đó vào phần cuối của mỗi sợi DNA. Đoạn này chính là telomere. Nhưng khi các tế bào của chúng ta phân chia đủ nhiều, các telomere này sẽ biến mất hoàn toàn. Lúc đó những bản sao của các đoạn mã DNA vốn đã ngắn sẽ càng thêm ngắn và bắt đầu thiếu đi một số đoạn quan trọng, và thế là cơ thể của chúng ta sẽ bị suy yếu.

thoidaithutu2a.jpg

May mắn thay, có một giải pháp cho tình trạng này. Có một loại enzyme tên là telomerase khi được kích hoạt sẽ bổ sung nguyên liệu cho quá trình tổng hợp telomere. Đối với con người, telomerase được kích hoạt khi chúng ta còn ở trong ống nghiệm, vì khi đó tế bào của chúng ta được nhân đôi rất nhiều lần. Đáng tiếc, loại enzyme này cũng được kích hoạt trong một số tế bào ung thư, làm cho những tế bào đó trở nên “bất tử”, phần nào gây khó khăn cho việc điều trị ung thư. Enzyme telomerase ở tôm hùm luôn được kích hoạt, vì thế loài này thường không già đi. Nếu nhìn vào nội tạng của một con tôm hùm 50 tuổi và một con 5 tuổi, rất khó để phân biệt con nào già hơn.

Vậy sẽ như thế nào nếu chúng ta không già đi? Không già đi không có nghĩa là bạn sẽ bất tử. Theo một ước tính bằng phương pháp thống kê, con người có thể sống đến 6.500 năm. Đó là khoảng thời gian đủ để một tai nạn quái đản nào đó ập đến và tước đi mạng sống của bạn, ví dụ một chiếc dương cầm rơi từ cửa sổ của một căn hộ ở trên cao xuống đầu bạn. Trong một thế giới như thế, cái chết còn bi thảm hơn rất nhiều, vì một cái chết ngẫu nhiên không phải chỉ tước đi vài chục năm hoặc trăm năm trong cuộc đời bạn mà tới cả hàng ngàn năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thời đại thứ tư' - Làm sao để trở nên bất tử?