Trong ngành công nghiệp thời trang, nhiều nhà thiết kế hàng đầu đang đối mặt với những cáo buộc chiếm đoạt văn hóa.

Thời trang có 'phạm tội' chiếm đoạt văn hóa?

04/12/2018, 13:46

Trong ngành công nghiệp thời trang, nhiều nhà thiết kế hàng đầu đang đối mặt với những cáo buộc chiếm đoạt văn hóa.

Một kiểu thời trang bị tố là chiếm đoạt văn hóa của người bản địa - Ảnh: Internet

Năm 2015, Isabel Marant bị kết tội đạo trang phục truyền thống của một cộng đồng Mexico. Một năm sau đó, Gucci đối mặt với phản ứng dữ dội vì giới thiệu những người mẫu da trắng trong những chiếc khăn turban mang phong cách của đạo Sikh. Năm 2017, tạp chí Vogue (Mỹ) bị chỉ trích vì bộ hình chụp người mẫu Karlie Kloss ăn mặc giống như geisha.

Tạp chí Vogue tháng 11.2018 lại bị kết tội lần nữa vì chiếm đoạt văn hóa bởi những tấm hình cho thấy người mẫu Kendall Jenner với “kiểu tóc quăn và dài như tóc người da đen”.

Vogue (Mỹ) đã phải xin lỗi sau khi hình của người mẫu Kendall Jenner đăng trên tạp chí tháng 11.2018 bị phê bình là chiếm đoạt văn hóa

Giờ đây, Dior là thương hiệu gần đây nhất của giới thời trang dính líu trong hàng loạt vụ chiếm đoạt văn hóa với chiến dịch quảng cáo có sự tham gia của nữ diễn viên Jennifer Lawrence.

Chiến dịch quảng cáo bộ sưu tập Cruise (bộ sưu tập quần áo dành đi nghỉ mát) năm 2019 cho biết nó tham khảo “escaramuza – phụ nữ cưỡi ngựa của Mexico có kỹ năng và tự tin” cũng như các nhân vật người Chile trong một cuốn tiểu thuyết.

Trên truyền thông xã hội, một số người đã chỉ trích Dior, đặt câu hỏi về quyết định của thương hiệu khi chọn nữ diễn viên da trắng trong chiến dịch quảng cáo nhằm tôn vinh di sản Mexico.

Trên Instagram, một người đã kết tội thương hiệu vì “lợi dụng nền văn hóa của chúng tôi để làm giàu cho bạn” trong khi người khác nêu tại sao nhà thời trang không sử dụng “một số người bản địa mà bạn đã được truyền cảm hứng để đại diện cho họ”.

Dior vấp phải phản ứng dữ dội vì mời Jennifer Lawrence làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập Cruise 2019 lấy cảm hứng từ người Mexico

Nhưng những người khác bảo vệ Dior nói rằng “chuyện này không phải là sỉ nhục, mà là tôn vinh văn hóa” và “người ta cũng có thể chia sẻ nền văn hóa của bạn nếu họ làm điều đó với lòng kính trọng”.

Dior đăng tải các hình ảnh, video mới (sau khi tháo bỏ các video và hình ảnh của Jennifer Lawrence) cùng với chú thích đã làm việc với 8 nữ nhiếp ảnh gia Mexico để chụp hình ở quê nhà của họ cho số tạp chí gần nhất của Dior.

Nhà thiết kế Jane Kellock, người làm việc với các thương hiệu như Topshop, kể bà không tin các nhà thiết kế cố ý ăn cắp ý tưởng của các nền văn hóa.

“Thiết kế là sự phối hợp của những phong cách, các nền văn hóa, các ý tưởng khác nhau, và đó là điều khiến cho thiết kế thú vị”, bà bộc bạch.

“Thành thật mà nói, tôi không tin các nhà thiết kế xem xét các nền văn hóa khác và nghĩ "Tôi sẽ sao chép nền văn hóa đó và tôi sẽ ăn cắp ý tưởng của nền văn hóa đó”.

Thiên thần Victoria’s Secret đội mũ trùm đầu truyền thống của thổ dân châu Mỹ trong chương trình Victoria’s Secret năm 2012

Jane, nhà sáng lập Công ty dự đoán khuynh hướng Unique Style Platform, cho biết câu chuyện chỉ sai khi các người mẫu được dùng trong những chiến dịch quảng cáo “không được xem xét một cách đúng đắn”.

“Thật là tốt khi tham khảo ngữ cảnh ban đầu theo một cách nào đó và thường thì người bản địa chính là người mẫu cho nhà thiết kế để họ nghiên cứu khi sáng tác”, bà Jane nói, nhưng bà kể rằng bà tin ngành công nghiệp thời trang đôi khi phạm tội chiếm đoạt văn hóa.

Bà Jane dẫn chứng quyết định của Gucci khi cho các người mẫu đội khăn mang phong cách turban trong chương trình thời trang mùa thu đông 2018 – 2019 tại Tuần lễ thời trang Milan vào tháng 2 năm nay.

Người mẫu của Gucci quấn khăn turban mang phong cách của đạo Sikh tại chương trình ra mắt bộ sưu tập mùa thu đông 2018 – 2019

Theo bà Jane, “nhìn chung, các thương hiệu thời trang cần phải nhận thức hơn và đa dạng hơn bởi vì họ thật sự không nhận thức đầy đủ và có sự thay đổi khác nhau. Họ thích dùng một ngôi sao hơn vì họ biết ngôi sao sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng thay vì dùng nguồn ý tưởng ban đầu là người bản địa làm người mẫu”.

Tiến sĩ Serkan Delice, giảng viên văn hóa và lịch sử tại Trường cao đẳng Thời trang London, đang nghiên cứu cuộc tranh luận xoay quanh thời trang và sự chiếm đoạt văn hóa.

Ông tiết lộ các nhà thiết kế thời trang thường xuyên bị kết tội chiếm đoạt văn hóa bởi vì tốc độ mà ngành công nghiệp di chuyển quá nhanh. “Trong hầu hết mọi trường hợp, thật không may, các nhà thiết kế thậm chí không có thời gian để thực hiện nghiên cứu đúng và hiểu rõ giá trị của một nền văn hóa”.

Gigi Hadid với mái tóc được tết giống dây thừng trong chương trình thời trang mùa xuân hè 2017 của Marc Jacobs

Một câu hỏi thường xuất hiện khi cuộc trò chuyện xoay quanh chiếm đoạt văn hóa là: “Thế những người da màu mặc quần áo do người da trắng thiết kế thì sao?”.

Năm 2016, nhà thiết kế Marc Jabobs lên tiếng nhằm bảo vệ quyết định của ông khi tạo hình tết tóc giống kiểu dây thừng cho các người mẫu da trắng. Đáp lại phản ứng dữ dội, một bình luận viết: “Cảm thấy buồn cười vì bạn không chỉ trích phụ nữ da màu khi họ duỗi tóc”.

Tiến sĩ Delice nói rằng chiếm đoạt văn hóa chỉ “xảy ra khi có những sự bất bình đẳng về quyền lực giữa các nền văn hóa khác nhau”. “Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi người da trắng và các tổ chức của người da trắng quyền lực hơn nhiều so với người da đen, da nâu và các tổ chức của họ. Vì thế nó không thể là sự chiếm đoạt văn hóa vì chiếm đoạt văn hóa bao hàm một nền văn hóa quyền lực hơn đang sử dụng nền văn hóa ít quyền lực hơn”.

Cộng đồng mạng nổi điên khi người mẫu Karlie Kloss ăn mặc như một geisha trên tạp chí Vogue tháng 3.2017

Các nhà thiết kế cần làm gì?

“Tôi không chắc chắn lắm sự chiếm đoạt văn hóa sẽ ngưng lại nhưng chúng ta cần tiếp tục phê phán”, bà Jane nói, “Tôi nghĩ có lẽ các nhà thiết kế thời trang đang nhận thức nhiều hơn về những cáo buộc đó và đó là điều tốt”.

Tiến sĩ Delice tin rằng các nhà thiết kế cần bảo đảm những người bản địa cần tham gia vào quy trình sản xuất quần áo mà họ truyền cảm hứng cho nhà thiết kế. “Đó chỉ là giải pháp. Nói cách khác, nếu bạn tổ chức chương trình biểu diễn thời trang, khi đó, bạn cần dùng người bản địa làm người mẫu”.

Mê Linh - Ảnh: Internet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời trang có 'phạm tội' chiếm đoạt văn hóa?