Bên cạnh dàn sao nữ xinh đẹp, phim 'Mẹ chồng' của đạo diễn Lý Minh Thắng còn thu hút sự chú ý của khán giả thông qua những bộ bà ba đẹp thuần Việt.

Thông điệp ẩn đằng sau những chiếc áo bà ba trong phim 'Mẹ chồng'

18/10/2017, 16:35

Bên cạnh dàn sao nữ xinh đẹp, phim 'Mẹ chồng' của đạo diễn Lý Minh Thắng còn thu hút sự chú ý của khán giả thông qua những bộ bà ba đẹp thuần Việt.

Mẹ chồng lấy bối cảnh ở ngôi làng Đại Điền miền Tây Nam bộ những năm 1930 -1945. Bên cạnh sự đơn giản và thiên về gam màu trầm của bối cảnh, dàn nhân vật càng trở lên lộng lẫy hơn rất nhiều nhờ những chiếc áo bà ba tinh tế và duyên dáng.

Trang phục áo bà ba trong phim không hoàn toàn giữ nguyên mẫu trong giai đoạn cũ mà được đoàn làm phim, nhà thiết kế Thủy Nguyễn cải biến để phù hợp với thân phận, địa vị, nói lên tính cách từng nhân vật.

Đầu tiên, đập vào mắt người xem chính là trang phục không thể cầu kỳ hơn của bà Hai Lịnh (Diễm My thủ vai). Bộ áo được lấy tông màu vàng, trải dài từ đậm cho đến nhạt dễ dàng khiến khán giả liên tưởng đến các ông vua, bà hoàng trong cung đình. Bởi lẽ, người đứng đầu một gia đình địa chủ thời phong kiến cũng được xem là bá chủ trong vùng. Tuy nhiên vì là thế hệ đi trước nên bà Hai Lịnh chủ yếu mặc những trang phục dành cho tuổi trung niên. Đây cũng là ngụ ý cho việc ngay cả một người quyền lực nhất, rồi cũng sẽ bị soán ngôi bởi cô con dâu trẻ và đẹp hơn.

Những chiếc áo bà ba của mẹ chồng Ba Trân (siêu mẫu Thanh Hằng thủ vai) luôn có chất liệu nhung, tạo kiểu xếp phồng, sẫm màu và rất sang trọng. Bên cạnh đó còn là những chi tiết hình con rắn, đại diện cho sự mưu mô, quyền lực.

Với chiều cao và sắc vóc của một siêu mẫu, Thanh Hằng chính là lựa chọn hoàn hảo cho nhân vật Ba Trân: một người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng từng được vô số chàng trai ao ước cho đến khi trở thành bà mẹ chồng cay nghiệt, độc đoán không khác mẹ chồng của mình trước đó là bà Hai Lịnh.

Đối lập hoàn toàn là nhân vật Tuyết Mai (Midu đóng). Vốn là một cô gái tân thời, được học ở trường Tây nên trang phục của cô dù là áo bà ba nhưng lại rất gợi cảm, cho thấy sự phóng khoáng, quyết liệt của một nàng con dâu thông minh và sắc sảo. Nhiều khán giả dự đoán, mối quan hệ không đội trời chung của Ba Trân và Tuyết Mai đã được thể hiện rõ thông qua dụng ý từ trang phục, chứ không cần chờ khi mâu thuẫn nổ ra.

Tư Thì (Lan Khuê đóng) là một nhân vật khó đoán trong Mẹ chồng. Nhân vật này dịu dàng khiêm nhường nhưng lại có những ánh mắt rất sắc sảo. Như một sự sắp đặt, màu tím là màu chủ đạo trong trang phục của Lan Khuê. Màu tím vừa có ý nghĩa là sự nồng ấm, chung thủy lại mang theo sự bí ẩn giống như nhân vật Tư Thì mà cô thể hiện.

Để phác hoạ được tính cách nhân vật thông qua chi tiết và màu sắc của những bộ trang phục, nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn tự nhận là đã tiêu tốn rất nhiều tâm huyết.

"Đạo diễn đưa cho tôi một bài toán rất khó và mông lung, chỉ nói rằng phim này ở thời cũ, không xác định rõ thời gian là những năm 1930 hay 1960, ngoài ra, phim cũng không phải là tả thật. Nhìn vào dàn diễn viên, chúng tôi lại thấy càng áp lực: cả 4 diễn viên đều quá đẹp. Để họ đẹp khi đứng một mình thì không khó. Khi họ đứng cạnh nhau vẫn càng phải đẹp, phải ăn ý với nhau nữa thì mệt hơn nhiều. Đặc biệt là cần phải tạo ra sự liên kết giữa các bộ trang phục để tạo thành như một kiểu đặc trưng của thời đó", Thủy Nguyễn cho biết.

Thủy Nguyễn và các cộng sự đã mất rất nhiều thời gian để tính toán, thử với đủ các chất liệu chỉ để có một thiết kế ưng ý nhất cho nhân vật. "Như mẹ chồng Ba Trân luôn mặc màu đỏ, với nhiều tông thay đổi khác nhau có khi kết hợp với màu vàng, khi thì màu đen. Tuy có thể sáng tạo nhiều nhưng khi ba Trân cùng nhân vật Tuyết Mai đứng cạnh nhau lại không đẹp. Mỗi nhân vật nếu tách riêng ra đều rất đẹp nhưng khi hợp lại thì không có sự ăn khớp với nhau. Như vậy yêu cầu các bộ trang phục phải ăn ý với nhau chứ không phải chỉ 1 bộ đẹp là được", cô nói thêm.

Một chi tiết gây chú ý khác chính là hình tượng con rắn trên trang phục của mẹ chồng Ba Trân. NTK Thủy Nguyễn cho hay, rắn ở đây được coi là hình ảnh tượng trưng cho một người phụ nữ vừa uyển chuyển, khôn khéo nhưng quyền lực, quyết đoán. Bản thân hình ảnh của rắn không phải là hình đẹp và dễ làm như rồng phượng. Nhưng với 10 bộ trang phục, NTK đã biến đổi mọi hình ảnh về rắn, dùng nhiều cách từ in, thêu đến làm trang sức để tạo điểm nhấn riêng biệt cho nhân vật Ba Trân và khiến cho các bộ trang phục xuyên suốt với nhau.

Vừa xuất hiện thoáng qua trong teaser trailer, những bộ trang phục lộng lẫy của nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã tạo được ấn tượng rất mạnh cho 4 nhân vật chính. Nhưng điều đó cũng làm dấy lên lo ngại về tính hiện thực của phim.

Một số người hâm mộ lo lắng sự sáng tạo của các nhà thiết kế có thực sự phù hợp với văn hóa thời đại đó hay bộ phim lại bị biến thành một sàn diễn đẹp đầy màu sắc nhưng không có tính truyền thống…

Mẹ chồng dự kiến ra rạp vào tháng 12 năm nay.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp
một giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông điệp ẩn đằng sau những chiếc áo bà ba trong phim 'Mẹ chồng'