Theo Parmy Olson, phóng viên của trang Bloomberg, vụ bắt giữ Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Telegram Pavel Durov là thông điệp rằng, các nền tảng truyền thông xã hội chẳng thể hoạt động "tự do" nữa.
Tối 24.8, tỷ phú Durov bị bắt tại sân bay Bourget ở ngoại ô Paris. Vụ bắt giữ gây chấn động trong giới công nghệ. Nhà sáng lập hãng xe điện Tesla Elon Musk kêu gọi trả tự do cho CEO Telegram “để ngăn chặn mối nguy với dân chủ”, đồng sáng lập quỹ đầu tư công nghệ Y Combinator Paul Graham đánh giá hành động này làm tổn hại đến cơ hội trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn của Pháp.
Đây không phải hành động bộc phát mà là đỉnh điểm sau nhiều năm căng thẳng giữa cách thức Telegram hoạt động với lo ngại ứng dụng trở thành công cụ cho nhiều tổ chức khủng bố hay tổ chức tội phạm. Pháp cáo buộc Telegram đồng lõa trong phát tán nội dung ấu dâm, buôn bán ma túy, rửa tiền.
Hành động mạnh tay từ Pháp dường như báo hiệu kỷ nguyên “không phải chịu hậu quả” đang dần khép lại. Chính phủ các nước quyết tâm buộc tất cả công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm lớn hơn với nội dung trên ứng dụng mình quản lý.
Ít kiểm duyệt
Telegram hiện có khoảng 950 triệu người dùng. Trên ứng dụng tồn tại vô số kênh nổi tiếng phát nội dung tới hàng nghìn người.
Vậy mà Telegram lại áp dụng cách tiếp cận ít kiểm duyệt. Trong khi nhiều đối thủ như Facebook, X đầu tư mạnh vào kiểm duyệt nội dung, đồng thời hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, Telegram lại triển khai chính sách can thiệp tối thiểu. CEO Durov năm 2016 tuyên bố mình ủng hộ đảm bảo quyền riêng tư nên không thể phá lệ cho bất cứ cơ quan thực thi pháp luật nào tiếp cận dữ liệu người dùng.
Ứng dụng của ông dính dáng đến nhiều nhóm lan truyền thuyết âm mưu, nội dung ấu dâm lẫn tư tưởng khủng bố. Tổ chức IS khét tiếng được cho sử dụng Telegram làm nền tảng liên lạc suốt gần 10 năm qua. Trong đợt bạo loạn chống người nhập cư do lực lượng cực hữu kích động tại Anh gần đây, lời kêu gọi bạo lực vi phạm quy tắc do Telegram đặt ra tràn ngập trên ứng dụng.
Nhưng bất chấp tất cả, Telegram vẫn không thay đổi. Công ty ghi trên trang web rằng cho đến nay chưa hề cung cấp bất cứ dữ liệu người dùng nào cho bên thứ ba, kể cả nhà nước.
Trước hành động bắt giữ CEO Durov, Telegram chỉ trích: “Thật vô lý khi nói rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu nền tảng đó phải chịu trách nhiệm về tình trạng lạm dụng nền tảng vì mục đích xấu. Telegram tuân thủ luật pháp EU, gồm cả Đạo luật Dịch vụ số. Công tác kiểm duyệt của chúng tôi đáp ứng tiêu chuẩn ngành và liên tục được cải thiện”.
Tuy nhiên, nhà báo Olson đánh giá Pháp làm vậy không hề vô lý, vì Telegram lựa chọn tránh kiểm duyệt nội dung.
Giới chuyên gia từ lâu đã vạch trần Telegram không mã hóa nội dung từ đầu đến cuối. Hầu hết hội thoại trên ứng dụng đều sử dụng mã hóa máy khách - máy chủ, nghĩa là Telegram có thể truy cập nội dung tin nhắn nếu muốn. Tính năng Secret Chat mới cung cấp mã hóa triệt để nhưng không phải cài đặt mặc định, cũng không phải lúc nào cũng dùng cho hội thoại thông thường. Do đó, trên thực tế Telegram tạo ra ảo tưởng về sự riêng tư hoàn toàn, trong khi vẫn sở hữu phương tiện kiểm duyệt.
Không ai là "bất khả xâm phạm"
Những người chỉ trích Pháp lập luận rằng vụ bắt giữ đe dọa quyền tự do ngôn luận, nhưng cách hoạt động ít kiểm duyệt khiến Telegram gánh hậu quả. Thế giới số cần được quản lý chặt chẽ như thế giới thực, khi một ứng dụng trở thành công cụ của tội phạm thì việc "nhắm mắt làm ngơ" không phải bảo vệ quyền tự do mà là trốn tránh trách nhiệm, theo nhà báo Olson.
Từ vụ bắt giữ, ngành công nghệ cần nhận ra thông điệp các nền tảng truyền thông xã hội chẳng còn có thể mong đợi tiếp tục hoạt động trong môi trường "tự do" nữa. Và sẽ "không ai là bất khả xâm phạm" trong bối cảnh châu Âu ngày càng trở nên cứng rắn hơn với tác hại mà truyền thông xã hội đem lại.