Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý 1/2018, tình trạng mất cân đối trong thu chi ngân sách khi chi thường xuyên rất cao, chiếm 76% của tổng chi, trong khi đó đầu tư phát triển chỉ có 14%.

Thu chi quý 1/2018 mất cân đối trầm trọng: Thu ít chi nhiều

11/04/2018, 08:49

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong quý 1/2018, tình trạng mất cân đối trong thu chi ngân sách khi chi thường xuyên rất cao, chiếm 76% của tổng chi, trong khi đó đầu tư phát triển chỉ có 14%.

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm - Ảnh: Trịnh Giang

Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ của NHNN?

Báo cáo tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10.4, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết quý 1/2018, Việt Nam đã có tăng trưởng đạt mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm nay.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với mức tăng 13,56% với sự đóng góp chủ yếu từ Samsung. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức cho việc duy trì đà tăng trưởng trong các quý sau cũng như cho cả năm 2018 và xa hơn nữa, khi chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào khu vực này.

Bên cạnh đó, lạm phát quý 1/2018 tương đối ổn định, dưới 4% trong một thời gian dài. Lạm phát chính sách (lạm phát lõi) thấp hơn 2% mục tiêu.

Tổng phương tiện thanh toán quý 1 tăng 3,23% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước (2016: 3,08%; 2017: 2,88%), cho thấy dường như có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

“Chúng tôi cho rằng có một khuynh hướng nới lỏng hiện nay của NHNN. Đây là một điều đáng lưu ý nếu đúng như NHNN thay đổi chính sách này thì phải theo dõi rất kỹ, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tài chính, ngân hàng bởi vì sẽ phải có những kỳ vọng khác về lạm phát, điều chỉnh lãi suất”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Báo cáo nêu FDI vẫn là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam. Nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 31,75 tỉ USD và khu vực trong nước là 21,26 tỉ USD, dẫn tới tình trạng xuất siêu 7,59 tỉ USD của khu vực FDI và nhập siêu 6,29 tỉ USD của khu vực trong nước quý đầu năm.

VEPR cũng dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2, 3, 4 năm nay sẽ lần lượt đạt 6,51%, 6,84% và 6,75%. Tính chung cả năm 2018, tăng trưởng sẽ đạt 6,83%- cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chỉ số công nghiệp tuy tăng cao trong cả quý nhưng tháng 3 đã giảm so với tháng 1, 2. “Dù đang là chỉ số dẫn đầu cho tăng trưởng của Việt Nam nhưng nó đang có hiện tượng rất cần xem xét”, bà Lan nói.

Cũng theo vị chuyên gia, các chỉ số về doanh nghiệp từ tháng 2 và 3, số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm xuống so với tốc độ tăng cao của tháng 1. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 1 tăng khá cao.

Bà Lan cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng lượng khách du lịch Trung Quốc theo hình thức du lịch 0 đồng. Vị nữ chuyên gia kinh tế nêu nghi ngờ về việc tăng số lượng khách du lịch song không tăng nguồn thu ở Việt Nam.

Mất cân đối thu chi

Đáng lưu ý trong báo cáo này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết cán cân ngân sách quý 1 vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Đó là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm khi Việt Nam tự do hóa ngày càng nhiều, ký nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong quý 1, tình trạng mất cân đối trong thu chi ngân sách khi chi thường xuyên rất cao chiếm 76% của tổng chi, trong khi đó đầu tư phát triển chỉ có 14%.

Theo TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), tăng ngân sách quý 1/2018 rất tốt nhưng chỉ tăng 5,3% so với năm ngoái, trong khi năm 2017 chuyển biến tương đối thấp tăng thu ngân sách là 15,6%. Phải chăng việc tăng trưởng kinh tế không đi liền với việc thu ngân sách?

“Ví dụ Samsung vào Việt Nam, giai đoạn đầu thu ngân sách được khá nhiều vì thuế nhà thầu Samsung rất lớn. Sau khi họ đi vào hoạt động sản xuất thì thuế giảm rất nhiều vì chúng ta ưu đãi. Do đó, thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp. Nhà thầu thi công xong thì không còn thuế nào nữa”, ông Cường lý giải.

Ông Cường cho rằng không cải cách được việc giảm chi quá nhiều được thì mức thu phải ở mức độ nhất định. “Nếu nói về tăng quy mô thu thì 10 năm nay, tốc độ tăng thu giảm dần. Trước kia, chúng ta tăng thu 18% nhưng vài năm gần đây chỉ tăng 7-8%. Nếu tính tốc độ tăng trưởng cộng với lạm phát thì không phải là quá lớn”, ông Cường nêu.

Theo ông, trong bối cảnh cảnh nước ta vừa muốn tham gia các hiệp ước quốc tế, vừa muốn duy trì mức độ nhất định về chi tiêu thì việc giảm chi là thách thức không hề dễ dàng.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, kết quả kinh tế toàn cầu đang có những kết quả đẹp trong quý 1 năm nay. Tuy nhiên, chính sách thương mại, thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 8.3.2018 khiến thế giới lo lắng về nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể nổ ra, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Giữa hai nền kinh tế lớn, Việt Nam một đầu phụ thuộc nặng nề về xuất khẩu là Mỹ, một đầu phụ thuộc vào nhập khẩu là Trung Quốc, nền kinh tế nước ta sẽ đứng trước hàng loạt các thách thức mới và phải cân nhắc thận trọng hơn”, bà Lan nói.

Bà lưu ý: “Khi Trung Quốc bị khó khăn đối với thị trường Mỹ thì làm cho họ sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang những thị trường lân cận như Việt Nam”.

Nói về việc thích nghi với hội nhập, bà Phạm Chi Lan “thiết tha” mong tích cực cải cách thể chế. “Nó vừa là nhu cầu nội tại, vừa là để đáp ứng các yêu cầu về hội nhập. Chứ chờ đến lúc nó thực hiện rồi mình sẽ thấy một loạt các vấn đề, chính sách của mình là vi phạm đối với các cam kết đó và sẽ rất khó khăn”, bà Lan khẳng định.

Trịnh Giang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu chi quý 1/2018 mất cân đối trầm trọng: Thu ít chi nhiều