Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã làm tốt hơn, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì "cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng".

Thu hồi tài sản tham nhũng: Cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng

Lam Thanh | 24/10/2021, 16:56

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã làm tốt hơn, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì "cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng".

Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng?

Ngày 24.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021, dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Giải trình về ý kiến các đại biểu quốc hội nêu, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, có đại biểu nhắc cơ quan tố tụng chú ý xem xét xử lý các vụ án bị kéo dài như vụ án Hồ Duy Hải, vụ sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong (Đồng Nai), vụ gỗ trắc ở Quảng Trị.

"Với trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, mỗi cơ quan có phần trách nhiệm giải trình của mình. Riêng với trách nhiệm của Viện KSND, Viện trưởng đã chuẩn bị khá đầy đủ những nội dung có liên quan đến vấn đề này", Viện trưởng Lê Minh Trí nói và cho biết, có những việc đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền; có vụ việc, vụ án đang tiến hành các biện pháp tố tụng điều tra, làm rõ theo đúng luật định. Và khi có kết quả sẽ thông tin đầy đủ đến đại biểu". 

Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao khẳng định, những năm gần đây đã làm tốt hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì "cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng".

le-minh-tri.jpg
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí

Theo ông Trí, dù có quyết tâm nhưng trong việc kê biên, thu hồi tài sản phải theo pháp luật hiện hành. Trong khi hệ thống pháp luật hiện hành, cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng niêm phong, kê biên tài sản được.

"Kê biên không đúng người ta có quyền khởi kiện cơ quan chức năng. Làm khẩn trương, quyết tâm chính trị cao nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác", ông Trí nhấn mạnh và cho rằng, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao thông tin thêm, tại hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, ông đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đăng ký tài sản.

"Chúng ta mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu tài sản, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không đối với tài sản họ đang đứng tên, vấn đề này hiện còn bỏ một khoảng trống rất lớn", ông Trí nói.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì các đối tượng sẽ che giấu, nhờ người khác đứng tên tài sản như ô tô, nhà đất… Như vậy các cơ quan tố tụng sẽ không "đụng" được vào tài sản đó dù biết nguồn gốc bất minh.

"Không có luật thì còn một khoảng trống nên hết sức khó khăn", ông Trí nhận định.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị Chính phủ có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, bởi theo ông, với các biện pháp như nêu trên thì công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham những mới tốt được.

"Chúng ta có quyết tâm chính trị nhưng vừa làm, vừa lo. Không thu hồi không được nhưng khi thu hồi mà kê biên không đúng người ta kiện. Để không bị kiện thì phải tiến hành xác minh tài sản, nhưng quá trình xác minh thì tài sản đã bị tẩu tán đi rồi”, ông Trí nói.

Chấn chỉnh việc dùng mạng xã hội gây phản cảm

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu nêu ý kiến về việc thời gian vừa qua có một số cá nhân có hành vi thông qua việc làm từ thiện, mâu thuẫn nhau, sau đó sử dụng mạng xã hội để gây mất trật tự an toàn xã hội, thuần phong, mỹ tục, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết hành vi đại biểu nêu liên quan đến điều 331 của Bộ luật hình sự quy định về "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo ông Trí: "Thời gian sắp tới có lẽ cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án sẽ thống nhất với nhau để xem xét hành vi này và xử lý sao cho đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội".

Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề cập đến hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh đang được dư luận rất quan tâm thời gian qua.

Cụ thể, theo đại biểu đoàn Quảng Nam, thời gian qua trên cộng đồng mạng liên tục xảy ra "việc tranh chấp, chia phe nói xấu lẫn nhau…" liên quan đến công tác vận động tài trợ từ thiện. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, tình trạng trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc… và gây ra nhiều tác động đến cộng đồng.

Do vậy, đại biểu Bình đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ "để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai".

"Tôi kiến nghị Chính phủ cần có hành động một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Không thể để diễn ra như thế mà không có câu trả lời cuối cùng", đại biểu đoàn Quảng Nam nói.

Chiều qua, trình bày báo cáo trước Quốc hội về công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao tại kỳ họp thứ, ông Lê Minh Trí khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỉ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như cổ phiếu, bất động sản.
“Trong bối cảnh dịch COVID -19 nhưng Viện KSND Tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, kết quả, đã thu hồi được hơn 2,7 triệu USD”, ông Trí cho biết.
Báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 thông tin, số việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế phải thi hành là 4.799 việc; số có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỉ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỉ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hồi tài sản tham nhũng: Cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng