3.030 hộp thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 được chủ cơ sở thu mua trôi nổi trên mạng xã hội về kinh doanh kiếm lời.
Chiều nay (28.2), lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngân Hà (sinh năm 1992) làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở này đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ là tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đáng chú ý, chủ cơ sở này khai nhận đã thu mua 3.030 sản phẩm "hỗ trợ điều trị COVID-19" trôi nổi trên mạng về bán kiếm lời.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lợi dùng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch như kit test nhanh COVID-19, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 trôi nổi, không nguồn gốc trên mạng xã hội rồi về bán kiếm lời.
Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nắm bắt địa bàn, bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Trong thời gian gần đây, trước nhu cầu mua, điều trị COVID-9 của người dân, nhiều cơ sở cửa hàng kinh doanh cũng như trên các trang mạng xã hội đã quảng cáo chào bán nhiều sản phẩm được giới thiệu là điều trị COVID-19 do nhiều nước sản xuất nhưng thực tế hầu hết là hàng hóa trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và đặc biệt là không được sự quản lý, kiểm soát, cấp phép của các cơ quan y tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19, thuốc và các sản phẩm điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.
Công văn nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua kit test COVID-19 của người dân tăng cao. Thời gian gần đây, theo phản ánh của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng gần 1.000 viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các tỉnh, TP chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Test xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị COVID-19 là những hàng hóa được quản lý theo quy định của pháp luật và việc sản xuất, vận chuyển hoặc mua bán những loại hàng hóa này là loại hàng hóa đặc thù. Bởi vậy, phải tuân thủ các quy định của Luật dược; Luật Khám, chữa bệnh cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Giới chuyên gia cho biết, hành vi là mua bán các loại hàng hóa nói chung mà không rõ nguồn gốc thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 98 năm 2020 của Chính phủ. Theo đó, hàng hóa mà không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, hành vi này sẽ bị phạt 100 triệu đồng đối với cá nhân và phạt đến 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong quá trình xác minh mà cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đây là hàng hóa được vận chuyển trái phép qua biên giới và giá trị hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên khi tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 - Bộ luật hình sự với chế tài có thể cao nhất lên đến 20 năm tù.
Đối với những loại kit test nhanh COVID-19, nếu cơ quan chức năng xác định là hàng giả về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng, bao bì... thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 - Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Với khung hình phạt như bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Cao nhất lên đến 15 năm tù.
Đối với những loại thuốc điều trị COVID-19, nếu cơ quan chức năng xác định được hành vi buôn lậu hoặc là sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh COVID-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Cụ thể, theo Điều 194 Bộ Luật hình sự 2015, người buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.