Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo thời giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.

Thu nhập bình quân người Việt Nam mỗi tháng đạt 4,23 triệu đồng

Lam Thanh | 22/05/2021, 16:54

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo thời giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân người/tháng chung cả nước năm 2020 theo thời giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.

thu-nhap.jpg
Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 8,1%

Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%.

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,480 triệu đồng).

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,108 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,139 triệu đồng.

Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,023 triệu đồng người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng thấp nhất là vùng trung du và miền núi phía bắc (2,745 triệu đồng người/tháng).

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%, thu từ hoạt động tự làm nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,6%.

Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông-lâm nghiệp, thủy sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018.

Năm 2020 là năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng trung du miền núi phía bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng).

Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng trung du miền núi phía bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình).

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020.

Trong giai đoạn 2010-2020, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình được nâng cao một cách rõ rệt. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2020 là 97,4%, tăng 6,9 điểm phần trăm so với năm 2010.

Tỷ lệ này tăng nhanh ở khu vực nông thôn (năm 2020 tăng 8,8 điểm phần trăm so với năm 2010) và tăng nhanh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (15,9 điểm phần trăm), Tây Nguyên (13,9 điểm phần trăm), trung du và miền núi phía bắc (9,7 điểm phần trăm).

Đi đôi với chất lượng nguồn nước sinh hoạt được nâng cao, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh cũng tăng nhanh trong 10 năm qua. Tỷ lệ này năm 2020 là 94%, tăng 18,3 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc sử dụng hố xí hợp vệ sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa thành thị - nông thôn (7,7 điểm phần trăm) và giữa các vùng miền, cụ thể giữa vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh cao nhất, so với vùng đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ này thấp nhất cả nước, có mức chênh lệch lên tới 14,7 điểm phần trăm.

Tuy nhiên mức độ tăng của tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh giai đoạn 2010-2020 rất cao ở khu vực nông thôn (24 điểm phần trăm) và các vùng đồng bằng sông Cửu Long (37,5 điểm phần trăm), trung du và miền núi phía bắc (28,4 điểm phần trăm) và khu vực Tây Nguyên (25 điểm phần trăm) cho thấy khoảng cách giữa các khu vực đang được thu hẹp rất nhanh và chất lượng hố xí của hộ gia đình đang cải thiện rõ rệt.

Năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 25,2m2, tăng 7,3m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 40,8%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng, và thấp nhất khu vực Tây Nguyên; tăng dần theo 5 nhóm thu nhập và có sự chênh lệch đáng kể trong 5 nhóm thu nhập.

Diện tích này cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi (1,8 lần) nhóm nghèo nhất.

Xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì 3 chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hộ xí hợp vệ sinh (mức độ thiếu hụt lần lượt là 18,9%, 11,4% và 6,0%).

Trong 3 chỉ số này thì 2 chỉ số là bảo hiểm y tế và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh có mức độ thiếu hụt có xu hướng giảm, riêng chỉ số giáo dục người lớn không có xu hướng giảm qua các năm trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Tổng cục Thống kê, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu nhập bình quân người Việt Nam mỗi tháng đạt 4,23 triệu đồng